Không thể ngăn cản

Kết quả vòng 1 cuộc bầu cử lập pháp tại Pháp ngày 11/6 ghi nhận chiến thắng lớn của liên minh đảng “Nền cộng hoà tiến bước” (LRM) của Tổng thống Emmanuel Macron.

Cụ thể, hơn 32% cử tri Pháp đã bỏ phiếu cho các ứng cử viên của đảng “Nền cộng hoà tiến bước”, giúp đảng này dẫn đầu vòng 1, vượt xa các đối thủ khác là đảng “Những người cộng hoà”, giành gần 22% hay đảng “Mặt trận quốc gia” được hơn 14%.

Thực tế thì chiến thắng này của LRM không phải bất ngờ. Các thăm dò trước bầu cử cho thấy LRM và các đảng liên minh của mình có thể giành 31-32% phiếu bầu của cử tri Pháp. Tuy nhiên, khác với kỳ bầu cử Tổng thống vừa qua vốn là cuộc đua giữa 2 cá nhân, cuộc bầu cử lập pháp có khá nhiều yếu tố khó dự đoán có thể làm sai lệch kết quả thăm dò.

tt_phap1_gloa.jpg
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong chiến dịch tranh cử ở Paris (Ảnh: AFP)

Khác biệt lớn nhất là thể thức. Luật bầu cử Pháp quy định bầu cử lập pháp tại Pháp có 2 vòng và có thể có các kịch bản nhiều hơn 2 (là 3 hoặc 4) ƯCV lọt vào vòng 2 nên các ƯCV của LRM phải tranh đấu với rất nhiều đối thủ ở cả 2 vòng.

Yếu tố bất trắc thứ hai với LRM đến từ chính các ƯCV của đảng này khi 1/3 trong số này là các “tân binh”, hoàn toàn chưa có kinh nghiệm chính trị, thậm chí, chưa từng được bầu trong bất cứ cuộc bầu cử ở cấp độ nào.

Tuy nhiên, việc cử tri Pháp vẫn dồn nhiều phiếu cho LRM cho thấy, những biến động mạnh mẽ trên chính trường Pháp từ cuộc bầu cử Tổng thống chưa dừng lại. Bức tranh chính trị Pháp đang bị vẽ lại hoàn toàn theo hướng có lợi cho ông Macron. Cử tri Pháp đã chấp nhận rủi ro với những con người mới hơn là tiếp tục với những con người cũ.

Sự thoái trào mạnh mẽ của các đảng lớn truyền thống, đặc biệt là đảng Xã hội, khó có thể đảo ngược. Đảng Xã hội chỉ giành được trên 13% số phiếu và rất nhiều gương mặt nổi bật của đảng này, như cựu ƯCV vừa tranh cử Tổng thống Benoit Hamon hay Bí thư toàn quốc Cambadelis… đã bị loại ngay từ vòng 1. Trong vòng 5 năm, từ đỉnh cao quyền lực khi vừa nắm quyền hành pháp (Tổng thống Hollande), vừa chiếm đa số ở Quốc hội, đảng Xã hội đã mất tất cả và đang trên con đường biến mất khỏi chính trường Pháp.

Bên cánh hữu, đảng “Những người cộng hoà” (LR) tuy đạt kết quả tốt hơn đảng Xã hội cánh tả nhưng cũng sụt giảm mạnh và dự đoán sẽ đánh mất gần 100 ghế so với Quốc hội Pháp khoá trước.

Quyền lực “mặc định”

Trước khi diễn ra cuộc bầu cử lập pháp, tại Pháp đã có rất nhiều tranh luận về việc liệu cử tri Pháp có nên trao hết quyền lực cho chính quyền của ông Macron hay không, hay tốt hơn là phải tạo nên một lực lượng đối lập đủ mạnh trong Quốc hội Pháp. Kết quả vòng 1 cho thấy người Pháp rõ ràng lựa chọn phương án đầu tiên, tức là trao cho ông Macron một đa số trong quốc hội.

Dựa trên kết quả vòng 1, thì các hãng phân tích lớn ở Pháp đã dự đoán, liên minh đảng “Nền cộng hoà tiến bước” của ông Macron có thể sẽ giành từ 415 đến 455 ghế trong tổng số 577 ghế tại Quốc hội Pháp khoá tới.

Nếu điều này thành sự thực thì đây sẽ là đa số tuyệt đối lớn nhất mà một đảng tại Pháp giành được trong Quốc hội Pháp trong gần 1 thế kỷ qua (từ 1919) và Tổng thống Macron sẽ có một sự hậu thuẫn lớn chưa từng có từ nhánh lập pháp.

Nói cách khác, sau ngày 18/6 tới, ông Macron sẽ không chỉ là Tổng thống trẻ nhất trong lịch sử Pháp mà còn nhiều khả năng trở thành Tổng thống Pháp nắm trong tay nhiều quyền lực nhất trong nhiều thập kỷ qua.

Việc có thể kiểm soát đến 2/3 Quốc hội Pháp sẽ là bàn đạp để ông Macron thực thi nhiều cải cách táo bạo mà trước mắt sẽ là việc thay đổi Bộ Luật lao động vốn cực kỳ nhiều tranh cãi trong nhiệm kỳ của ông Hollande.

Tuy nhiên, vẫn tồn tại một yếu tố buộc ông Macron và đảng LRM buộc phải lưu ý khi đã nắm trọn trong tay quyền lực ở cả hai nhánh hành pháp và lập pháp: sự ủng hộ thực sự của người dân Pháp.

Chính trường Pháp đang ở trong tình huống khá kỳ lạ là có một vị Tổng thống và một Quốc hội được bầu lên phần nhiều do “mặc định”. Trong kỳ bầu cử Tổng thống, chiến thắng áp đảo của ông Macron trước bà Marine Le Pen được xem là đã được định trước khi tất cả mọi đảng phái và lực lượng xã hội ở Pháp đều coi việc ngăn chặn một ƯCV cực hữu là một “nghĩa vụ cộng hoà”. 66% bầu ông Macron ở vòng 2, vì thế, khó có thể thực chất hơn 24% bầu cho ông này ở vòng 1.

Điều tương tự cũng đang diễn ra trong bầu cử lập pháp, khi LRM tận dụng được quá nhiều yếu tố thuận lợi trong thời điểm các đảng truyền thống quá suy yếu và người dân Pháp thì vẫn luôn cảnh giác trước Mặt trận quốc gia.

Vì thế, đà áp đảo hiện nay của LRM cần được nhìn nhận một cách tương đối. Tỷ lệ cử tri Pháp đi bầu hôm qua chỉ ở mức 48,8%, thấp nhất từ trước đến nay đối với một cuộc bầu cử lập pháp, cho thấy dân Pháp ngày càng ít mặn mà với chính trị và hoạt động đảng phái, và do đó sẵn sàng bầu cho những người hoàn toàn mới mẻ.

Một bộ phận lớn khác không đi bầu vì, giống như khi bầu Tổng thống, xem việc LRM của ông Macron thắng là việc “đã rồi” và không cần thiết phải hy sinh một ngày Chủ nhật đẹp trời để đến hòm phiếu./.