69% người Pháp cho rằng nước Pháp đang trên đà suy thoái. Con số này tuy rất cao nhưng đã ít hơn nhiều so với năm 2016, khi 86% cho rằng “đất nước Lục lăng” không thể tránh khỏi sự suy tàn.

emmanuel_macron_sbmk.jpg
Người dân Pháp đỡ bi quan hơn về thực trạng đất nước sau khi ông Emmanuel Macron lên làm Tổng thống.

Đó là một trong các kết luận đáng chú ý nhất được đưa ra trong bản điều tra mang tên “Các sự đổ gãy của nước Pháp” được thực hiện trong tháng 6/2017 bởi các Viện nghiên cứu danh tiếng tại Pháp như Trường Chính trị Paris, Quỹ Jean Jaures, báo Le Monde và Hãng thăm dò dư luận Ipsos-Sopra Steria.

Các cuộc điều tra dạng này được tiến hành mỗi năm, từ năm 2013 và trước đó luôn cho ra các kết quả bi quan. Trong các năm từ 2013 đến 2016, tỷ lệ người Pháp nhận định rằng đất nước mình đang đi sai hướng và ngày càng đánh mất vị thế quốc tế luôn ở mức rất cao từ 80 đến 90%.

Tuy nhiên, thắng lợi của ông Emmanuel Macron trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp 2017 có vẻ đã thổi luồng gió mới lạc quan hơn vào xã hội Pháp.

Ngoài việc số người lạc quan về tương lai nước Pháp tăng lên, số người  tin tưởng hơn vào châu Âu cũng tăng. 41% người Pháp tin vào Liên minh châu Âu, cao hơn 14% so với cách đây 1 năm. 58% người Pháp nhận định việc Pháp nằm trong Liên minh châu Âu là điều tốt và có đến 80% ủng hộ việc Pháp là thành viên khu vực đồng tiền chung euro.

Cái nhìn đối với toàn cầu hoá cũng đỡ bi quan hơn. 52% người Pháp cho rằng toàn cầu hoá là cơ hội với nước Pháp, tăng hơn 6% so với năm ngoái.

Trong nội bộ nước Pháp, việc ông Macron đắc cử cũng mang lại nhiều thay đổi theo hướng tích cực trong cách nhìn nhận của dân chúng Pháp đối với nền chính trị nước này. Tỷ lệ đánh giá tốt dành cho các chính trị gia, từ Tổng thống, Nghị sĩ, dân biểu… đều tăng lên, hay chính xác hơn là đỡ bi quan hơn. Chỉ có nhìn nhận về các đảng chính trị là vẫn rất xấu khi 88% người Pháp không tin vào các đảng chính trị.

Đó có lẽ là nguyên nhân giải thích cho việc, sau chiến thắng của ông Macron, 71% người Pháp nhận định rằng việc phân chia tả-hữu trên chính trường Pháp đã lỗi thời. Nói cách khác, “hiệu ứng Macron” trong lĩnh vực này đã xoá bỏ, trong thời gian ngắn, hầu như toàn bộ bức tranh chính trị truyền thống tại Pháp.

Trong nhận định đưa ra khi công bố bản kết quả nghiên cứu, giáo sư Pascal Perrineau, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính trị của trường Chính trị Paris, cho rằng trong lịch sử người Pháp luôn có xu hướng ủng hộ các vị quân chủ mạnh mẽ và điều này đang tái hiện phần nào khi dân chúng Pháp ủng hộ ông Emmanuel Macron, một người mang xu hướng tương đối độc đoán trong phong cách lãnh đạo./.