Đối với Thủ tướng Benjamin Netanyahu, sự leo thang của các cuộc xung đột đã làm xoay chuyển tình thế vào phút chót trước nguy cơ kết thúc sự nghiệp lãnh đạo Israel sau hơn 1 thập kỷ.
Đầu tuần này, một nhóm các đảng phái chính trị đối lập được cho là trong vòng vài ngày - thậm chí vài giờ - tìm cách thành lập chính phủ không có ông Netanyahu đầu tiên của Israel trong 12 năm qua.
Ngay trước khi căng thẳng bùng phát hôm 10/5, các đảng cánh hữu, cánh tả và cả phái ôn hòa đã tập hợp lại chỉ với mục tiêu lật đổ ông Netanyahu. Các đảng này gần như đã sẵn sàng tuyên bố rằng họ có được sự ủng hộ của đa số thành viên quốc hội, mở đường cho việc thành lập một chính phủ liên minh.
Xoay chuyển cục diện cho cả Netanyahu và Hamas?
Khi bạo lực bùng phát, tiến trình này rơi vào bế tắc. Trong bối cảnh bất ổn hiện nay, các nhà quan sát chính trị cho rằng, triển vọng về một chính phủ phi Netanyahu đã bị đóng băng và có thể hoàn toàn nằm ngoài tầm với.
“Họ đã sẵn sàng thông báo với Tổng thống rằng họ đã đạt được thỏa thuận và có một liên minh. Vòng xoáy bạo lực xảy ra vào đúng thời điểm đó và đã ngăn cản sự thay đổi chính phủ ở Israel”, Gayil Talshir, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Hebrew cho biết.
Đối với Hamas, lực lượng kiểm soát Gaza, cuộc xung đột cho phép phong trào này tự đặt mình vào vị thế “người bảo vệ” của người Palestine ở Jerusalem, đồng thời gây bất lợi cho phong trào Fatah của Tổng thống Mahmoud Abbas đang nắm quyền ở Bờ Tây.
Hamas bắt đầu nã rocket vào Israel hôm 10/5 sau khi đụng độ giữa người Palestine và an ninh Israel lên đến đỉnh điểm ở Jerusalem. Hàng trăm người Palestine đã bị thương trong các cuộc đụng độ tại Nhà thờ Hồi giáo al-Aqsa cũng như các khu vực khác trong Thành cổ Jerusalem.
Israel đã đáp trả bằng các cuộc không kích nhằm vào hàng trăm mục tiêu ở Dải Gaza.
Nếu như ông Netanyahu đang phải chật vật tìm cách kéo dài thời gian cầm quyền của mình tháng này qua tháng khác, thì Yahya Sinwar cùng các nhà lãnh đạo Hamas khác ở Gaza lại có một cuộc chơi dài hơi hơn và theo các nhà phân tích Palestine, họ có thể hưởng lợi từ cuộc đối đầu với Israel.
Bạo lực leo thang với tối hậu thư từ Hamas rằng Israel phải rút lực lượng an ninh khỏi Nhà thờ al-Aqsa, nơi cảnh sát đụng độ với các tín đồ Hồi giáo. Khi Hamas bắn 7 quả rocket vào khu vực lân cận Jerusalem, phong trào này tuyên bố, họ đang bảo vệ nhà thờ của người Hồi giáo và cũng đứng ra bênh vực các gia đình Palestine đang phải đối mặt với việc bị Israel trục xuất khỏi khu dân cư Sheikh Jarrah ở Đông Jerusalem.
Các nhà phân tích chính trị và an ninh cho biết, phong trào Hamas, vốn phản đối gay gắt khi Tổng thống Abbas tuyên bố hoãn cuộc bầu cử ở Palestine vào tháng trước, đang tận dụng bối cảnh hiện nay để củng cố vị thế chính trị của mình trước phong trào Fatah.
Sự đối đầu giữa Hamas với Israel đang giành được sự ủng hộ của các cử tri Palestine ở Gaza, Bờ Tây và các khu dân cư Arab ở Đông Jerusalem.
“Các dấu hiệu ban đầu cho thấy, nhiều người ở Bờ Tây hài lòng với những gì Hamas đang làm. Chúng tôi không biết động cơ của họ, nhưng việc đối đầu với Israel trên cơ sở ủng hộ người dân Palestine ở Jerusalem đã đem lại hiệu quả cho Hamas”, một nhà thăm dò ý kiến có trụ sở tại Ramallah đồng thời là cựu quan chức Chính quyền Palestine cho biết.
Trong khi đó, một số quan chức an ninh Israel đang đặt câu hỏi liệu chính phủ nước này có quá mềm mỏng đối với phong trào Hamas, tổ chức mà cả Israel và Mỹ đều coi là một nhóm khủng bố, hay không. Các quan chức này viện dẫn quyết định của Israel để Qatar gửi tiền tới Gaza hỗ trợ nền kinh tế địa phương và hạn chế các cuộc tấn công trả đũa nhằm sau các vụ phóng tên lửa lẻ tẻ từ Dải Gaza.
“Tôi nghĩ Israel sẽ phải đánh giá lại chính sách của Thủ tướng Netanyahu đối với Hamas, chính sách mà về cơ bản là cho họ sự ưu tiên trong quan hệ của chúng ta với Chính quyền Palestine. Hamas đã quyết định lựa chọn vị trí của mình là người bảo vệ Jerusalem của Palestine. Đây là một chính sách mới, và Israel đã bỏ lỡ điều này”, Amos Yadlin, cựu tướng không quân kiêm giám đốc tình báo quân đội, cho biết.
Cơ hội thành lập chính phủ đoàn kết ở Israel trong tay ông Netanyahu
Trong khi đó, các bên tại Israel không còn nhiều thời gian. Theo luật, các nhóm chống Netanyahu có thời hạn đến đầu tháng 6 để thành lập chính phủ.
Lãnh đạo các đảng phái tại Israel - bao gồm cựu Bộ trưởng Quốc phòng Naftali Bennett và lãnh đạo phe đối lập Yair Lapid - vẫn đang đàm phán riêng. Tuy nhiên, mối quan tâm công khai của họ là về cuộc xung đột đã khiến hàng chục người ở Gaza và 7 người Israel thiệt mạng.
Hôm 11/5, ông Bennett đã đến thăm ngôi nhà nơi một người dân Israel đã thiệt mạng vì tên lửa từ phía Dải Gaza.
Dù vậy, bạo lực bùng phát đã làm phức tạp thêm nỗ lực của những nhân vật đối lập với Thủ tướng Netanyahu trong việc thực hiện mục tiêu chung. Việc tập hợp một liên minh đa số có thể sẽ phải dựa vào sự ủng hộ của một trong các đảng Arab nhỏ ở Israel. Một liên minh như vậy có thể gây tranh cãi với nhiều người Israel bất cứ lúc nào, thậm chí còn hơn thế nữa trong bối cảnh hỗn loạn hiện nay.
Các chính trị gia Do Thái và Arab cũng đều phải cân nhắc kỹ lưỡng mong muốn thành lập chính phủ liên minh trước sự giận dữ tiềm tàng của cử tri bởi họ có thể bị cho là đang thỏa thuận với “kẻ thù”.
Có một số nguồn tin cho rằng, Thủ tướng Netanyahu đang tìm cách thuyết phục các đối thủ bất đắc dĩ cùng ông tham gia vào một chính phủ đoàn kết khẩn cấp để đối đầu với cuộc khủng hoảng Gaza.
Nhưng nếu như không có liên minh nào có thể được thành lập – trên thực tế, ông Netanyahu đã thất bại trong việc thành lập một chính phủ liên minh - thì ông có thể hoan nghênh viễn cảnh Israel đi đến cuộc bầu cử thứ 5 trong vòng hơn 2 năm qua.
“Tôi nghĩ đó là lựa chọn mà ông Netanyahu mong muốn hơn. Nếu chúng tôi tham gia cuộc bầu cử lần thứ 5, ông ấy vẫn là Thủ tướng của Israel trong ít nhất ba hoặc bốn tháng nữa, và khi đó có thể tình hình an ninh sẽ giúp ích cho ông ấy”, giáo sư Talshir tại Đại học Hebrew nói./.