Từ nhiều tuần qua, lực lượng an ninh Israel đã đụng độ với người biểu tình phản đối động thái trục xuất các gia đình Palestine khỏi khu dân cư Sheikh Jarrah ở Đông Jerusalem.
Trong một động thái leo thang đáng kể, cảnh sát Israel đã sử dụng hơi cay và đạn pháo trong cuộc đụng độ với người biểu tình trong khu vực đền thờ Al Aqsa vào ngày 8/5 khi người Hồi giáo tổ chức Đêm Quyền lực (Laylat al-Qadr).
Các cuộc biểu tình và đụng độ diễn ra liên tiếp sau đó trên khắp Jerusalem, khiến hàng trăm người bị thương.
Dù một số người mô tả sự kiện vừa qua ở đền thờ này là “chưa từng thấy”, nhưng trên thực tế, đã có nhiều sự việc tương tự xảy ra trong hơn 3 thập kỷ qua.
Hoạt động khảo cổ năm 1988
Lo ngại một công trình khai quật gần đền thờ Al Aqsa và Bức tường Phía Tây có thể ảnh hưởng đến nền móng của cả quần thể đền thờ, các tín đồ Hồi giáo người Palestine đã ném đá, chai lọ nhằm ngăn cản công nhân Israel đào đất xung quanh khu vực ngôi đền.
Thời điểm đó, New York Times cho biết, các lực lượng Israel đã sử dụng hơi hay, đạn cao su nhằm vào người biểu tình, khiến 26 người bị thương.
Các công việc đào xới diễn ra trong Cuộc nổi dậy Thứ nhất (First Intifada) của người Palestine vào tháng 12/1987 và tiếp diễn đến tháng 9/1993.
Nỗ lực khởi công xây dựng Ngôi đền Thứ ba - Tháng 4/1989
Tháng 4/1989, những người Israel theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan đã quyết định cuộc tuần hành hàng năm vào Núi Đền, khu vực phức hợp đền thờ Al Aqsa hiện nay, trong đó bao gồm cả việc đặt nền móng cho việc xây dựng lại Ngôi đền Thứ ba. Đây được xem như một hành động có chủ ý khiêu khích, bởi nếu hoàn thành sẽ bao gồm cả việc san bằng khu đền thờ Al Aqsa.
Theo các thông tin báo chí thời điểm đó, các tín đồ Hồi giáo đã phản đối bằng các cuộc biểu tình mà sau đó lực lượng an ninh Israel trấn áp bằng hơi cay và bắn chỉ thiên.
Các nhóm Do Thái cực đoan tin rằng, việc xây dựng lại Ngôi đền Thứ ba là một nghĩa vụ tôn giáo.
Cuộc thảm sát ở Al Aqsa tháng 10/1990
Một trong những sự việc đẫm máu nhất tại đền thờ Al Aqsa xảy ra vào năm 1990 khiến 21 người Palestine thiệt mạng.
Sự việc bắt đầu sau cuộc biểu tình của người Palestine bên trong khu vực đền thờ nhằm đáp trả một động thái khác của các nhóm Do Thái cực đoan liên quan đến việc đặt nền móng cho Ngôi đền Thứ ba. Cảnh sát Israel ban đầu chỉ sử dụng đạn hơi cay, nhưng lực lượng tiếp viện sau đó đã nã súng máy vào đám đông.
New York Times khi điểm đó mô tả sự việc là do không có “kế hoạch phù hợp” chứ không phải là do ác ý, nhưng các lãnh đạo Palestine phản đối điều này.
Adnan Husseini, thuộc cơ quan quản lý Hồi giáo Jerusalem, khi đó nói rằng: “Cuộc thảm sát này đã được người Israel lên kế hoạch từ trước nhằm đe dọa người Hồi giáo để chúng tôi không phản đối bất cứ quyết định nào được đưa ra liên quan tới các thánh địa của chúng tôi”.
Tháng 10/2000
Chuyến thăm của Thủ tướng tương lai của Israel Ariel Sharon tới khu vực đền thờ, với sự bảo vệ an ninh của khoảng 400 binh sỹ, đã dấy lên các cuộc biểu tình, sau đó Israel đáp trả bằng hơi cay và đạn cao su.
Các cuộc đụng độ sau đó tại Đông Jerusalem và Bờ Tây khiến 6 người thiệt mạng và dấy Cuộc nổi dậy thứ 2 (còn gọi là cuộc nổi dậy Al Aqsa). Kết quả là có tới 6.371 người Palestine thiệt mạng, trong đó có 1.317 trẻ em, theo B’Tselem.
Trong khi đó, phía Israel có hơn 1.000 người thiệt mạng.
Chuyến thăm đền thờ Al Aqsa của các nhóm cực đoan năm 2015
Sau khi chiếm đóng Đông Jerusalem năm 1967, Israel đạt được một thỏa thuận với tổ chức Hồi giáo Waqf, chịu trách nhiệm quản lý khu vực, sẽ không cho phép những người không phải là người Hồi giáo cầu nguyện trong Đền thờ Al Aqsa.
Người Do Thái và các nhóm không phải là người Hồi giáo vẫn thường xuyên tới thăm ngôi đền này.
Đến năm 2015, các nhóm Do Thái cực đoan tới khu vực ngôi đền thường xuyên hơn và trước mỗi sự kiện như vậy, lực lượng Israel sẽ buộc tất cả các tín đồ Hồi giáo phải ra khỏi khu vực này.
Điều này dấy lên lo ngại của người Palestine rằng Israel đang sẽ từ bỏ thỏa thuận với Waqf.
Một ngày Chủ nhật trong tháng 9/2015, những người Hồi giáo đã bị buộc phải ra khỏi ngôi đền sau buổi lễ sáng sớm để cho phép những người Israel cánh hữu tới thăm. Biểu tình ngay lập tức nổ ra. Các binh sỹ Israel đáp trả bằng hơi cay và đạn cao su.
Các đoạn video ghi lại về các cuộc tấn công cho thấy hơi cay bay khắp khu vực đền thờ khi những người cầu nguyện tìm nơi trú ẩn an toàn.
Tháng 7/2017- “Ngày thịnh nộ”
Israel đã đặt các máy phát hiện kim loại và camera an ninh nhận diện khuôn mặt ở khu vực đền thờ Al Aqsa sau khi 2 binh sỹ nước này bị các tay súng sát hại gần đó.
Quyết định này khiến người Palestine nổi giận, họ phản ứng bằng các cuộc biểu tình và từ chối đi qua máy quét.
Lực lượng Israel cũng đáp trả bằng hơi cay và đạn cao su nhằm vào người biểu tình khi căng thẳng bùng phát rộng hơn.
Tại một số nơi khác ở Đông Jerusalem và Bờ Tây, các cuộc đụng độ khiến 8 người thiệt mạng. Các nhà hoạt động Palestine gọi đây là “Ngày thịnh nộ”.
Đối mặt với làn sóng bất ổn ngày càng gia tăng, Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã yêu cầu nhượng bộ một phần, theo đó bỡ bỏ các máy phát hiện kim loại nhưng vẫn để lại các camera giám sát./.