Tôn Tử - nhà chiến lược quân sự huyền thoại của Trung Quốc từng có câu nói nổi tiếng rằng, khuất phục đối phương mà không cần giao chiến là đỉnh cao của nghệ thuật quân sự, hàm ý nhấn mạnh tầm quan trọng của chiến lược ngoại giao thay vì đối đầu. Malaysia dường như đã vận dụng logic tương tự trong chiến lược ngoại giao với Trung Quốc giữa lúc quan hệ hai bên đang căng thẳng liên quan đến vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.

Malaysia nhìn chung luôn tránh giọng điệu đối đầu với Trung Quốc và tránh bất cứ sự hợp tác công khai nào về mặt chiến lược với Mỹ. Chưa kể, Malaysia cũng là một trong những quốc gia chỉ trích mạnh mẽ nhất việc thành lập liên minh AUKUS giữa Anh, Australia và Mỹ, cũng thỏa thuận đóng tàu ngầm hạt nhân giữa 3 nước.

Nhưng khi nhìn nhận một cách kỹ lưỡng có thể thấy rằng Malaysia đang thực hiện chiến lược hai chiều. Một mặt, tránh đối đầu với Trung Quốc, mặt khác âm thầm chống lại sự mở rộng ảnh hưởng của Bắc Kinh ở Biển Đông. Trong những năm gần đây, Malaysia đã tăng cường thăm dò năng lượng và tuần tra hàng hải tại các vùng biển ở Biển Đông mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền, hạn chế phụ thuộc vào vốn và công nghệ của Trung Quốc, vận dụng tối đa luật pháp quốc tế đồng thời mở rộng quan hệ với các cường quốc bên ngoài để củng cố lợi ích của mình.

Trong suốt nhiều thập kỷ qua, Malaysia đã theo đuổi chính sách thân thiện với Trung Quốc – nước hiện là đối tác thương mại lớn nhất và là nhà đầu tư hàng đầu của Malaysia. Dưới thời cựu Thủ tướng Najib Razak, Malaysia đã hưởng lợi từ sự phát triển lớn mạnh của nền kinh tế Trung Quốc, trong đó có các thỏa thuận đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng như một phần của Sáng kiến Vành đai - Con đường.

Quan hệ kinh tế gắn bó chặt chẽ đã khiến nhiều thế hệ nhà lãnh đạo của quốc gia này theo đuổi chính sách “ngoại giao im lặng” liên quan đến vấn đề tranh chấp trên Biển Đông. Tuy vậy, việc Trung Quốc nỗ lực mở rộng ảnh hưởng kinh tế đối với Malaysia đã làm dấy lên tâm lý phản đối Bắc Kinh tại quốc gia này.

Trong quá trình tranh cử vào năm 2018, đảng đối lập do ông Mahathir dẫn đầu đã cáo buộc Bắc Kinh thực hiện chính sách “ngoại giao bẫy nợ”. Nhân vật này cũng thu hút được sự ủng hộ trên toàn quốc với cam kết sẽ chấm dứt các khoản đầu tư lớn của Trung Quốc từng được cho là bị định giá quá cao và nảy sinh nhiều bất thường trong quá trình đấu thầu.

Sau khi lên nắm quyền, ông Mahathir đã theo đuổi chính sách 2 chiều, một mặt ca ngợi tình hữu nghị giữa Trung Quốc và Malaysia, mặt khác cảnh báo về sự thao túng kinh tế của Bắc Kinh. Chính sách này đã phát huy hiệu quả. Trong vòng 1 năm, chính quyền Mahathir đã tìm cách đàm phán lại các thỏa thuận kinh tế lớn với Trung Quốc, trong đó có dự án đường sắt East Coast Rail Link trị giá 14 tỷ USD.

Khi quan hệ song phương có vẻ như đang được hàn gắn, Malaysia đã tăng cường các lợi ích của nước này ở Biển Đông. Bất chấp sự thất vọng của Bắc Kinh, Kuala Lumpur vẫn tiến hành các hoạt động thăm dò dầu khí tại khu vực mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền, đồng thời gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc bác bỏ yêu sách “đường 9 đoạn” phi lý của Bắc Kinh trên Biển Đông.

Sau khi ông Mahathir từ chức năm 2020, Malaysia vẫn giữ quan điểm cứng rắn về địa chính trị nhưng mềm mỏng về mặt ngoại giao với Trung Quốc dưới thời cựu Thủ tướng Muhyiddin Yassin tiếp đến là Thủ tướng đương nhiệm Ismail Sabri Yaakob.

Trước những báo cáo cho rằng các tàu Trung Quốc “quấy rối” hoạt động thăm dò dầu khí của công ty dầu khí Petronas tại vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Malaysia, Ngoại trưởng nước này, ông Saifuddin Abdullah hồi tháng 10 tuyên bố: “Chúng tôi luôn phản đối hành động này của Trung Quốc. Chúng tôi sẽ kiên định và phản ứng bằng ngoại giao với họ”. Còn Bộ trưởng Quốc phòng  Hishammuddin Hussein khẳng định: “Malaysia vẫn kiên quyết bảo vệ các lợi ích và quyền lợi của mình ở Biển Đông”.

Hồi đầu năm nay, chính phủ Malaysia từ chối tập đoàn viễn thông Huawei của Trung Quốc để ký kết thỏa thuận xây dựng cơ sở hạ tầng mạng lưới 5G trị giá 2,65 tỷ USD với tập đoàn Ericsson của Thụy Điển. Tân Thủ tướng Ismail Sabri Yaakob cũng duy trì lập trường cứng rắn, cam kết sẽ không thỏa hiệp trong vấn đề tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông. Tháng 10 vừa qua, Malaysia đã cáo buộc Trung Quốc vi phạm không phận và triệu tập đại sứ Trung Quốc để phản đối sự hiện diện của tàu thuyền nước này trong vùng vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia.

Bên cạnh đó, Malaysia được cho là đang âm thầm củng cố quan hệ quốc phòng với các cường quốc lớn như Mỹ và Nga. Tháng 8 vừa qua, Hải quân Malaysia đã tham gia cuộc tập trận tập trận thường niên Hợp tác và Đào tạo Đông Nam Á với Mỹ và 20 quốc gia khác. Trước đó vào tháng 4, không quân Malaysia tiến hành tập trận chung với nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của Mỹ ở Biển Đông. Ngoài việc mở rộng các cuộc tập trận chung, Malaysia cũng tăng cường mua vũ khí Nga, trong đó có các máy bay chiến đấu hiện đại để củng cố năng lực răn đe chiến lược của mình

Có thể nói rằng, Malaysia đã rất thành công trong việc tránh đối đầu với Trung Quốc nhờ áp dụng một chính sách ngoại giao linh hoạt và mềm mỏng, đồng thời củng cố vị thế của nước này ở Biển Đông bằng cách phát triển khả năng phòng thủ và tăng cường hợp tác với các quốc gia khác ở cả phương Đông lẫn phương Tây./.