Tình hình Syria liên tục nóng lên trong những ngày qua khi Mỹ và các đồng minh ráo riết chuẩn bị cho một hành động can thiệp vào quốc gia có chủ quyền này, với cáo buộc quân đội chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học nhằm vào dân thường.
Trong một diễn biến mới nhất, Quốc hội Anh, tại cuộc bỏ phiếu tối 29/8, đã bác bỏ kiến nghị của chính phủ nước này kêu gọi các nghị sỹ ủng hộ hành động can thiệp quân sự vào Syria. Về phía Mỹ, mặc dù chính quyền của Tổng thống Barack Obama tuyên bố sẽ cân nhắc việc can thiệp vào tình hình Syria dựa vào những thảo luận với các đồng minh, song đã có những tuyên bố ám chỉ Mỹ sẵn sàng đơn phương hành động.
Hạ viện Anh phản đối can thiệp quân sự vào Syria (Ảnh: AP) |
Lãnh đạo đảng Lao động Ed Miliban bày tỏ hy vọng việc quốc hội bỏ phiếu chống đối với hành động can thiệp quân sự vào Syria sẽ mở đường cho các giải pháp ngoại giao và điều này cũng giúp Thủ tướng David Cameron rút ra bài học từ những sai lầm trong quá khứ.
“Tôi nghĩ rằng những bài học cho nước Anh và lãnh đạo nước Anh đó là khi chúng ta hành động với giải pháp quân sự, chúng ta cần thực hiện theo cách kiềm chế và cân nhắc kỹ lưỡng, thông qua Liên Hợp Quốc hoặc các nước khác và rút ra bài học từ quá khứ”.
Nhiều nghị sỹ Anh cũng lên tiếng phản đối hành động can thiệp quân sự chống Syria khi chưa được sự nhất trí của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc.
Nghị sỹ Andrew Rosindell thuộc đảng Bảo thủ cho rằng, một giải pháp quân sự không phải là phản ứng đúng đắn trong lúc này: “Tôi không nghĩ rằng chúng ta phải cuốn vào cuộc xung đột ở Syria. Tôi không muốn nhìn thấy nước Anh tấn công Syria vào thời điểm này. Nếu tấn công Syria, chúng ta sẽ làm cho tình hình trở nên xấu hơn và điều đó có nghĩa là chúng ta can thiệp vào một nước khác. Chúng tôi không muốn điều đó xảy ra và muốn chấm dứt cuộc xung đột cũng như việc sử dụng vũ khí hóa học”.
Phát biểu sau khi kết quả bỏ phiếu được công bố, Thủ tướng Anh Cameron tuyên bố, ông tôn trọng quyết định của Quốc hội và sẽ hành động một cách phù hợp.
“Hạ viện đã không bỏ phiếu thông qua bản kiến nghị. Tôi tin rằng, cần phải có hành động đáp trả mạnh mẽ với việc sử dụng vũ khí hóa học, nhưng cũng tôn trọng ý chí của hạ viện. Quốc hội Anh - đại diện cho nguyện vọng của người dân, không muốn nhìn thấy một hành động quân sự và chính phủ sẽ hành động một cách phù hợp”. Thủ tướng Cameron nhấn mạnh.
Trong khi chính phủ Anh đã thất bại trong việc thuyết phục các nhà lập pháp chấp thuận kế hoạch tấn công Syria, thì phía Mỹ vẫn tỏ ra “kiên quyết” thúc đẩy một hành động can thiệp quân sự nhằm bảo đảm cái mà họ gọi là “lợi ích tối thượng của Mỹ trong vấn đề Syria”.
Phản ứng trước việc Hạ viện Anh bác bỏ kế hoạch tấn công Syria, người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, bà Caitlin Hayden nói rằng, những lợi ích quốc gia của Mỹ sẽ quyết định quá trình ra quyết sách của Tổng thống Obama.
Chiến tranh sẽ làm cho dân Syria cùng cực hơn (Ảnh: CNN) |
Trong một dấu hiệu khẳng định rõ chủ trương can thiệp bằng vũ lực, ông Obama ngày 29/8 chính thức lên tiếng giải thích với người dân nước này về lý do Mỹ có thể phát động một cuộc chiến tranh mà ông mô tả là để "cảnh cáo" chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình PBS, ông Obama khẳng định, Chính phủ Syria “đã thực hiện một cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học nhằm vào dân thường”.
Ông Obama cũng cho biết, cho tới nay Nhà Trắng chưa có quyết định mà vẫn đang cân nhắc các phương án quân sự nhằm gửi "một thông điệp mạnh mẽ" cho chính quyền của Tổng thống al-Assad.
Cùng ngày, toàn bộ ê kíp an ninh quốc gia của của Tổng thống Mỹ Obama đã có cuộc thông báo cho các nhà lãnh đạo của hai đảng tại Quốc hội, qua cầu truyền hình trực tiếp, về các diễn biến mới của tình hình Syria.
Một báo cáo tình báo được trình bày trong cuộc thông báo tin tức xác nhận Syria đã sử dụng vũ khí hóa học ngày 21/8, nhưng không có bằng chứng về việc đích thân Tổng thống al-Assad ra lệnh thực hiện vụ tấn công này. Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 29/8, người phát ngôn Nhà trắng Josh Earnest nhấn mạnh, Mỹ sẽ đưa ra các lý lẽ của họ để bảo vệ cho quyết định tấn công Syria, chứ không phụ thuộc vào ai khác.
“Khi Tổng thống quyết định về một hành động ứng phó thích đáng, các cơ sở pháp lý cần phải được chứng minh hoặc ủng hộ quyết định đó, chúng tôi sẽ đưa ra các lý lẽ của riêng chúng tôi và không dựa vào bất kỳ ai”.
Ông cũng nhấn mạnh, bất cứ biện pháp đáp trả của Mỹ nhằm vào Syria cũng sẽ mang tính hạn chế và dựa trên các lợi ích an ninh quốc gia.
Trong bối cảnh căng thẳng leo thang, Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Ban Ki-moon đã quyết định rút ngắn chuyến thăm châu Âu và trở về trụ sở tại New York ngày 29/8 để chuẩn bị nhận báo cáo sơ bộ về cuộc điều tra cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria. Dự kiến nhóm thanh sát viên Liên Hợp Quốc sẽ kết thúc 14 ngày điều tra vào sáng 30/8./.