Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa ký luật chính thức rút Nga khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở cho phép các nước thực hiện những chuyến giám sát trên không phận của nhau. Động thái của Nga được tiến hành chỉ một tuần sau khi phía Mỹ thông báo về việc từ chối quay trở lại Hiệp ước này.
Trước đó, phía Nga đã nhiều lần bày tỏ thất vọng về việc Mỹ không trở lại Hiệp ước Bầu trời Mở, cho rằng quyết định này sẽ không tạo được bầu không khí có lợi cho các cuộc thảo luận về kiểm soát vũ khí trong khuôn khổ cuộc gặp thượng đỉnh Nga - Mỹ dự kiến diễn ra vào ngày 16/6 tới tại Geneva, Thụy Sỹ. Hiệp ước Bầu trời Mở là một trong những thỏa thuận quân sự chủ chốt nhằm xây dựng lòng tin thời hậu Chiến tranh Lạnh và quyết định rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở khiến Mỹ và Nga chỉ còn một thỏa thuận kiểm soát vũ khí duy nhất là Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược Mới.
Động thái cứng rắn nhưng cần thiết của Nga
Tổng thống Nga đã hạ bút, chấm hết cho Hiệp ước Bầu trời Mở, một trong những thỏa thuận quân sự chủ chốt nhằm xây dựng lòng tin thời hậu Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, động thái cứng rắn này là bước đi cần thiết và bắt buộc bởi trước đó, Nga đã bày tỏ thiện chí để cứu vãn Hiệp ước này, nhưng không nhận được phản hồi tích cực từ các nước tham gia Hiệp ước. Phía Nga nhiều lần lên tuyên bố rằng, khi Mỹ rút khỏi, nhưng vẫn có thể nhận được thông tin về các chuyến bay trên lãnh thổ của Nga từ các nước thành viên khác, sẽ đe dọa an ninh của Nga. Dư luận cũng từng kỳ vọng, khi bộ máy mới của Mỹ lên nắm quyền sẽ suy nghĩ lại về vấn đề này nhưng thực tế đã không diễn ra.
Ngày 7/6, ngay sau khi Tổng thống Putin ký ban hành luật về việc rút khỏi Hiệp ước, người phát ngôn chính thức của Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã viết trên kênh Telegram của mình rằng: “Những nỗ lực của Nga để duy trì Hiệp ước đã không tìm thấy phản ứng ở Washington hoặc các nước đồng minh của Mỹ. Mặc dù các quốc gia tham gia ủng hộ Hiệp ước bày tỏ sự tiếc nuối về quyết định của ông D.Trump, nhưng đồng thời, họ chia sẻ trong đánh giá rằng, bước đi như vậy của Mỹ là "có cơ sở”.
Bà Zakharova nhắc lại rằng, ngày 22/12/2020, Bộ Ngoại giao Nga đã gửi công hàm đến các quốc gia thành viên của Hiệp ước Bầu trời Mở về sự cần thiết phải cung cấp cho Liên bang Nga trước ngày 1/1/2021 những đảm bảo không chuyển giao thông tin nhận được trong các chuyến bay quan sát đến các quốc gia không tham gia Hiệp ước Bầu trời Mở (OST), cũng như để xác nhận khả năng thực hiện các chuyến bay quan sát của Nga không bị cản trở trên lãnh thổ của các quốc gia tham gia, bao gồm cả các cơ sở của Mỹ.
Tuy nhiên, do thiếu các câu trả lời mang tính xây dựng và tính đến lợi ích quốc gia, Tổng thống Putin đã đưa ra quyết định bắt đầu các thủ tục trong nước về việc Nga rút khỏi OST nếu Mỹ không tăng cường quy trình quay trở lại Hiệp ước. Sau các thủ tục cần thiết, ngày 7/6, Tổng thống Nga đã ký đạo luật rút khỏi Hiệp ước này.
Tác động tới Thượng đỉnh Nga – Mỹ
Thực tế, trước thềm các cuộc gặp Thượng đỉnh giữa Nga-Mỹ, hai bên thường đưa ra những động thái cứng rắn nhằm thăm dò đối phương. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov từng cảnh báo rằng, trước Hội nghị Thượng đỉnh với Tổng thống V.Putin, phía Mỹ sẽ nhận được một số tín hiệu không dễ chịu từ Nga và việc Nga chính thức rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở có thể là một trong số đó.
Tuy nhiên, quyết định của Nga rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở không phải là bất ngờ đối với Mỹ, vì nó đã được Nga khởi động từ ngày 15/1 và qua tất cả các bước cần thiết, để dự luật được Duma quốc gia Nga thông qua vào ngày 19/5, Hội đồng LB Nga phê chuẩn vào ngày 2/6 và ngày 7/6 Tổng thông Putin ký ban hành.
Có thể bước đi này của Nga gửi đến Mỹ một tín hiệu rằng, vì lợi ích quốc gia của mình, Nga sẽ không nhượng bộ, hay nói cách khác là sẽ luôn hành động cứng rắn. Mỹ, nếu muốn đàm phán với Nga, để trực tiếp lắng nghe và dự đoán được về các bước đi, chính sách của Nga liên quan đến lợi ích song phương, đặc biệt là các lĩnh vực về kiểm soát vũ khí, ổn định chiến lược, cũng như an ninh và ổn định toàn cầu, thì phải tôn trọng các lợi ích của Nga. Điều này đã được Tổng thống Nga V.Putin nhiều lần tuyên bố.
Cơ hội vàng thu hẹp bất đồng
Trước thềm cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Joe Biden, ngay cả bản thân người trong cuộc, Tổng thống Nga Vladimir Putin, khi trả lời một số hãng truyền thông lớn tại cuộc gặp trực tuyến trong khuôn khổ diễn đàn kinh tế quốc tế S.Petersburg vừa qua đã tuyên bố, ông không mong đợi bất kỳ đột phá nào về kết quả của cuộc gặp này. Nhưng ông lưu ý rằng, bất chấp những mâu thuẫn, và chúng không phải do phía Nga tạo ra, thì Nga và Mỹ vẫn có những lợi ích trùng hợp. Và Tổng thống Mỹ Biden là một chính trị gia dày dặn kinh nghiệm, do đó nhà lãnh đạo Nga hy vọng rằng, cuộc gặp của họ sẽ mang tính xây dựng.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết, cơ quan này đang chuẩn bị rất chi tiết, kỹ lưỡng cho Hội nghị Thượng đỉnh. Theo lời ông, Nga hy vọng rằng, kết quả của cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ thúc đẩy tiến trình phát triển trong lĩnh vực ổn định chiến lược và ổn định quan hệ với Mỹ.
Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Nga, lãnh đạo Trung tâm An ninh Quốc tế thuộc Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế mang tên E.M. Primakov - Viện Hàn lâm Khoa học Nga, Alexey Arbatov cũng cho rằng, tại Hội nghị Thượng đỉnh sắp tới, Tổng thống Biden muốn khôi phục đối thoại về các vấn đề mà Nga và Mỹ theo truyền thống có lợi ích chung, trên hết là kiểm soát vũ khí cùng với một số vấn đề khác liên quan đến Crimea, Donbass, nhân quyền.
Các chuyên gia kỳ vọng rằng, nếu các cuộc đàm phán bắt đầu, cả hai bên sẽ quan tâm đến việc không làm trầm trọng thêm bầu không khí chính trị luôn ảnh hưởng tích cực đến các vấn đề trừng phạt. Đối với việc đưa ra các biện pháp trừng phạt mới thì cần phải có lý do, với việc bình thường hóa quan hệ, có thể sẽ có ít lý do hơn, sẽ đưa ra ít biện pháp trừng phạt hơn. Nhưng Mỹ sẽ không từ bỏ chính sách trừng phạt nhằm vào Nga.
Ngoài ra, theo giới phân tích, với các chủ đề về khí hậu, xung đột Arab - Israel, vấn đề về hạt nhân Iran, Nga và Mỹ có thể đi đến một số thỏa thuận và có thể mong đợi một số kết quả từ Hội nghị lần này./.