Trong bài xã luận đăng trên tờ Washington Post, Tổng thống Biden cam kết sẽ tăng cường “liên minh dân chủ” do Mỹ đứng đầu để đối phó với nhiều khủng hoảng và nguy cơ đến từ cách hành xử của Nga và Trung Quốc. Nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định sẽ không ngần ngại đáp trả những hành động gây phương hại trong tương lai. Tại cuộc gặp với Tổng thống Putin sắp tới, ông Biden cho biết sẽ nhấn mạnh cam kết của Mỹ, châu Âu và các nền dân chủ cùng chí hướng trong việc đấu tranh cho nhân quyền và phẩm giá.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki trước đó cũng khẳng định, Mỹ sẽ đề cập những vấn đề gai góc giữa hai bên tại hội nghị thượng đỉnh: “Chúng tôi không chỉ coi cuộc gặp là cơ hội để đề cập những vấn đề đã nhất trí, mà còn cả những điều bất đồng giữa hai bên, tìm kiếm một mối quan hệ ổn định và dễ đoán hơn với Nga. Mỹ không mong đợi mọi thứ sẽ được giải quyết trong một cuộc họp”.
Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 6/6 cáo buộc Mỹ sai lầm khi chỉ trích các chính phủ nước ngoài đàn áp các cuộc biểu tình chống chính phủ, trong khi bản thân Mỹ lại truy tố những người Mỹ có các “đòi hỏi chính trị” tại sự kiện 6/1 vừa qua.
Những căng thẳng giữa Nga và Mỹ còn xảy ra trên thực địa khi Nga thông báo kế hoạch tăng cường hiện diện quân sự ở biên giới phía Tây, giữa lúc Mỹ và các đồng minh NATO tập trận ở Đại Tây Dương và khắp châu Âu.
Tổng thống Nga Putin cũng thừa nhận có những vấn đề bất đồng khó giải quyết giữa hai nước.
“Nga không có bất đồng với Mỹ. Mỹ lại có bất đồng với chúng tôi và họ muốn kìm hãm sự phát triển của Nga. Mọi hành động khác đều bắt nguồn từ suy nghĩ này, từ các hạn chế kinh tế đến việc can thiệp vào vấn đề nội bộ của nước Nga. Họ dựa vào suy nghĩ là họ có quyền lực làm như vậy”, ông Putin nói.
Rõ ràng việc Nga và Mỹ ngồi xuống bàn đối thoại là thiện chí của hai cường quốc, nhưng cuộc gặp diễn ra vào thời điểm quan hệ giữa hai nước có quá nhiều bất đồng, từ cáo buộc tấn công mạng cho tới nhân quyền, can thiệp bầu cử... Tổng thống Biden đã sớm xác định chính sách với Nga ngay từ những ngày đầu lên cầm quyền, khẳng định thay vì đứng yên, Mỹ sẽ thúc đẩy hành động chống lại Nga, nhưng sẽ hợp tác trong lĩnh vực Mỹ có lợi ích.
Ngay trước thềm thượng đỉnh Nga-Mỹ, Tổng thống Biden sẽ tham gia 1 loạt cuộc gặp bao gồm Thượng đỉnh G7, NATO, Mỹ-EU, với khả năng cao vấn đề đối phó với Nga sẽ là một trong những nội dung trong chương trình nghị sự. Do đó, tuyên bố cứng rắn của Tổng thống Biden là thông điệp đoàn kết với đồng minh châu Âu, báo hiệu việc Mỹ sẽ không nhún nhường và ưu ái Nga như người tiền nhiệm.
Thực tế, cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ không chỉ để xử lý chuyện quan hệ song phương, mà còn cả vấn đề chính trị thế giới, vốn cần sự hợp tác của hai cường quốc. Do đó, hội nghị tới đây, hai nhà lãnh đạo chắc chắn sẽ thẳng thắn với nhau khi đề cập các mối bất hoà, nhưng đồng thời đặc biệt coi trọng đồng thuận trong những vấn đề có thể hợp tác như Afghanistan, Ukraine, Trung Đông, khủng bố, chiến tranh mạng, biến đổi khí hậu và đại dịch Covid-19.
Có thể nói triển vọng chung cho cuộc gặp được dư luận cả thế giới chờ đợi vào tuần tới sẽ không nằm ngoài xu hướng chính sách bấy lâu nay của chính quyền Tổng thống Joe Biden: “Đối đầu mạnh mẽ khi cần thiết và sẵn sàng hợp tác trong những lĩnh vực mà Mỹ có lợi ích”./.