Hàn Quốc khó “đứng ngoài cuộc chơi”
Sau nhiều năm, cả Mỹ và Hàn Quốc đều có các tổng thống theo quan điểm tự do nhưng sự thay đổi trong chính quyền Mỹ hiện nay khiến cho Seoul rơi vào tình thế "khó càng thêm khó" trong nỗ lực cân bằng quan hệ đồng minh với Washington và sự phụ thuộc kinh tế vào Bắc Kinh.
Trung Quốc trở thành chủ đề chiếm lĩnh các chương trình nghị sự trong chuyến công du châu Á của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, thậm chí "phủ bóng" lên cả những vấn đề cốt lõi như mối đe dọa hạt nhân Triều Tiên hay việc thúc đẩy liên minh.
Thông điệp của Mỹ tập trung vào việc tập hợp các đồng minh nhằm đối phó với các hành vi "cưỡng ép và gây hấn" của Trung Quốc. Đây là một thách thức với Hàn Quốc khi mà nước này không mấy mặn mà với việc khiêu khích Bắc Kinh - đối tác kinh tế lớn nhất của Seoul.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In cần sự ủng hộ của cả Tổng thống Mỹ Joe Biden và phía Trung Quốc để tìm kiếm bất kỳ đột phá nào với Triều Tiên trong năm cuối nhiệm kỳ.
Có một sự mâu thuẫn khi chính quyền Seoul và Washington nhất trí trong những vấn đề như biến đổi khí hậu, y tế công cộng và quyền bình đẳng nhưng lại bất đồng về các mối quan hệ song phương với các nước như Trung Quốc, Triều Tiên và thậm chí đồng minh Nhật Bản của Mỹ, John Delury, chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Yonsei, Hàn Quốc cho hay.
"Khi bạn định hình mối quan hệ Mỹ - Hàn trong những khía cạnh liên quan đến các quốc gia trên, sẽ có rất nhiều bất đồng và khó có thể tìm được điểm chung. Vì thế, nhấn mạnh vào những vấn đề này sẽ không giúp hai bên đạt được tiếng nói chung mà chỉ khoét sâu thêm những khác biệt", chuyên gia Delury bình luận.
Lợi ích quốc gia
Hàn Quốc đã phải "trả giá đắt" về kinh tế sau khi "chọc giận" Trung Quốc vào năm 2017 với việc triển khai Hệ thống Phòng thủ Tầm cao Giai đoạn cuối (THAAD) mà Bắc Kinh cho là hệ thống radar của nó có thể được sử dụng để giám sát lãnh thổ nước này.
Theo ước tính của Viện Nghiên cứu Huyndai, thiệt hại kinh tế mà Hàn Quốc phải chịu chỉ riêng trong năm 2017 là 7,5 tỷ USD trong khi Ngân hàng Hàn Quốc ước tính sự việc trên khiến tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc sụt giảm 0,4% vào năm đó.
Hàn Quốc tỏ ra ngần ngại trong việc xác lập quan hệ liên minh lâu dài với Mỹ như một nước chống Trung Quốc và chính quyền Tổng thống Moon Jae In cũng thể hiện sự hoài nghi với các cuộc trao đổi chính thức của nhóm Bộ Tứ Quad gồm 4 quốc gia Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ.
Một quan chức cấp cao thuộc Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết Seoul sẵn sàng hợp tác với Quad dựa trên "sự cởi mở, minh bạch và bình đẳng".
"Chúng tôi sẽ tiến hành các cuộc trao đổi cụ thể với Mỹ theo những nguyên tắc này và đưa ra quyết định dựa trên các lợi ích quốc gia của mình", quan chức này cho hay.
Chính quyền Tổng thống Moon Jae In đã công khai tuyên bố rằng Hàn Quốc sẽ không tham gia vào một sáng kiến "ngăn chặn hoặc kiềm chế một quốc gia cụ thể nào", cụ thể ở đây là Trung Quốc, Duyeon Kim, chuyên gia tại Trung tâm An ninh Mỹ mới cho biết.
"Trừ khi các đồng minh phải linh hoạt trong cách thể hiện, nếu không thì khó có thể đưa Hàn Quốc tham gia một liên minh dân chủ như vậy", chuyên gia này đánh giá.
Tuy nhiên, một số quan chức Hàn Quốc cho rằng Seoul không còn lựa chọn nào ngoài tham gia vào chiến dịch chống Trung Quốc của Washington bởi cuối cùng thì điều đó sẽ phục vụ cho lợi ích của Hàn Quốc, bao gồm cả hồ sơ Triều Tiên, một nguồn tin ngoại giao thân cận với vấn đề này nhận định.
"Quad thực sự là một nỗ lực nhằm xây dựng bức tường thành chống lại Trung Quốc và việc tham gia vào nhóm này sẽ giúp Hàn Quốc gia tăng ảnh hưởng cả trong việc thúc đẩy Washington nối lại các cuộc trao đổi với Bình Nhưỡng cũng như trong các cuộc đàm phán với Bắc Kinh, mặc dù điều này có thể gây nên một vài căng thẳng với Trung Quốc như một sự tác động trực tiếp", nguồn tin trên đánh giá.
Nỗ lực của Hàn Quốc nhằm tránh làm mất lòng Trung Quốc trong khi thúc đẩy quan hệ với Mỹ rõ ràng là một bài kiểm tra thực tế hữu ích với các quan chức Mỹ, chuyên gia Delury bình luận.
"Tính toán của Hàn Quốc nhằm hòa hợp với cả Mỹ và Trung Quốc đã được thảo luận khá rộng rãi trong khu vực. Tôi không chắc việc thúc đẩy một lập trường cứng rắn ở Ấn Độ - Thái Bình Dương có bền vững hay không khi mà đó là điều mà không phải nước nào ở Ấn Độ - Thái Bình Dương cũng muốn"./.