Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết, trong vòng đàm phán lần thứ 9 kéo dài ba ngày từ 5/3 (giờ địa phương) tại Washington, phái đoàn đàm phán Hàn-Mỹ đã đạt được thỏa thuận cuối cùng để tiến tới ký kết Hiệp định đặc biệt về chia sẻ chi phí quân sự song phương (SMA) lần thứ 11.
Kết quả này đạt được sau 1 năm 6 tháng kể từ khi hai bên bắt đầu đàm phán vào tháng 9/2019, giúp giải quyết được lỗ hổng hiệp định kéo dài 1 năm 3 tháng qua.
Theo Đài KBS, Hàn Quốc, nước này và Mỹ nhất trí hiệp định lần thứ XI có hiệu lực 6 năm, từ 2020-2025. Chi phí quân sự năm 2020 được giữ nguyên theo mức năm 2019 là 1.038,9 tỷ uôn (908,3 triệu USD). Chi phí năm 2021 là 1.183,3 tỷ uôn (1,03 tỷ USD), tăng 13,9% so với một năm trước. Hai bên nhất trí mức tăng các năm tiếp theo từ 2022-2025 sẽ áp dụng theo mức tăng ngân sách quốc phòng một năm trước đó của Hàn Quốc. Như vậy mức tăng năm sau sẽ là 5,4%, bằng với mức tăng ngân sách quốc phòng năm nay của Seoul.
Bên cạnh đó, hai bên nhất trí cải thiện chế độ nhằm ngăn chặn tình trạng quân đội Mỹ cho lao động người Hàn tại các căn cứ trong nước nghỉ việc không lương. Lần đầu tiên hai nước ghi rõ trong hiệp định về việc có thể trả phí nhân công ở mức tương tự năm trước trong trường hợp xảy ra lỗ hổng hiệp định.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động của "nhóm công tác cải thiện chế độ", một nội dung nhất trí trong hiệp định lần thứ 10, Hàn Quốc và Mỹ nhất trí bố trí quan chức cấp Vụ trưởng làm trưởng nhóm, ghi rõ sự tham gia của các ban ngành hữu quan. Một quan chức Bộ Ngoại giao đánh giá việc hai bên đạt được thỏa thuận sớm về vấn đề chia sẻ chi phí quân sự sau khi Chính phủ Tổng thống Joe Biden ra mắt đã thể hiện được mối quan hệ đồng minh Hàn-Mỹ vững chắc.
Sau khi được ký tắt, hiệp định sẽ được thẩm định tại Cơ quan pháp chế, cuộc họp Nội các, trình Tổng thống phê duyệt rồi tiến tới ký kết, chính thức có hiệu lực sau khi được phê chuẩn tại Quốc hội.
Dự kiến lễ ký kết hiệp định sẽ diễn ra vào ngày 17/3 tới nhân chuyến thăm Hàn Quốc của Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin./.