Đức chịu áp lực lớn
Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier cho biết ông có kế hoạch tới Ukrainecùng với các nhà lãnh đạo châu Âu khác để thể hiện tình đoàn kết, nhưng “điều đó dường như không được Kiev mong đợi”.
Trong chuyến thăm Ba Lan ngày 12/4, Tổng thống Steinmeier cho biết, ông đã lên kế hoạch tới Kiev cùng với các tổng thống của Ba Lan, Estonia, Latvia và Lithuania trong tuần này “để gửi một tín hiệu mạnh mẽ về tình đoàn kết của châu Âu với Ukraine”.
“Tôi đã chuẩn bị làm điều này, nhưng tôi thấy rằng thiện chí đó không được chào đón tại Kiev”, ông Steinmeier nói.
Phát biểu trên được đưa ra sau khi tờ tờ Bild của Đức dẫn lời một nhà ngoại giao Ukraine giấu tên nói rằng ông Steinmeier không được chào đón ở Kiev vào lúc này vì ông có quan hệ thân thiết với Nga trong quá khứ. “Tất cả chúng tôi đều biết về mối quan hệ thân thiết của ông Steinmeier với Nga. Ông ấy không được chào đón tại Kiev vào lúc này. Chúng tôi sẽ xem liệu điều đó có thay đổi hay không”, nhà ngoại giao Ukraine cho hay.
Hiện Tổng thống Steinmeier, người từng đảm nhiệm vai trò ngoại trưởng Đức, đang phải đối mặt với sự chỉ trích cả ở trong và ngoài nước vì theo đuổi chính sách thân thiện với Moscow trong suốt nhiều năm – điều mà ông đã thừa nhận là “một sai lầm”.
AFP dẫn một nguồn thạo tin cho biết, phái đoàn đại diện của chính phủ Đức đã tới Ukraine vào ngày 12/4. Theo nguồn tin này, bà Marie-Agnes Strack-Zimmermann - Chủ tịch Ủy ban quốc phòng Quốc hội Đức, ông Michael Roth - người đứng đầu Ủy ban đối ngoại của Quốc hội Đức và ông Anton Hofreiter – thành viên đảng Xanh, đã gặp gỡ các thành viên của Quốc hội Ukraine.
Nhiều nhà lãnh đạo châu Âu, trong đó có Thủ tướng Anh Boris Johnson, các thủ tướng của 3 nước Ba Lan, Slovenia, Cộng hòa Séc và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã tới Ukraine trong những ngày gần đây bất chấp chiến sự leo thang. Tuy vậy, Thủ tướng Đức Scholz vẫn chưa có động thái tương tự.
Đại sứ Ukraine tại Đức Andriy Melnyk, cho rằng chuyến thăm của ông Scholz tới Kiev chắc chắn sẽ gửi đi một “tín hiệu mạnh mẽ”, trong khi đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) đối lập đã hối thúc ông “cần phải nắm bắt tình hình trên thực địa”.
Ngay cả bà Strack-Zimmermann, một thành viên trong liên minh cầm quyền của ông Scholz, cũng kêu gọi Thủ tướng Scholz “hãy phát huy vai trò lãnh đạo và chỉ đạo”.
Đến thời điểm hiện tại ông Scholz vẫn bị chỉ trích vì từ chối cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine, bất chấp việc nhà lãnh đạo này thay đổi 180 độ chính sách quốc phòng của Đức do tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraine. Trước đây, vì những lý do lịch sử, Đức theo đuổi chính sách không gửi vũ khí tới các quốc gia đang có xung đột, nhưng nước này hiện đang cung cấp vũ khí chống tăng, bệ phóng tên lửa và tên lửa đất đối không cho Ukraine để giúp nước này đối phó với chiến dịch quân sự của Nga.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Nga cảnh báo những nước cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine sẽ phải chịu trách nhiệm nếu những vũ khí này được sử dụng trong quá trình Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine. Nga tuyên bố có thể tấn công nhằm vào các lô vũ khí mà phương Tây viện trợ cho Ukraine.
Vẫn còn chỗ cho đàm phán
Bất chấp những lời chỉ trích mạnh mẽ và lời kêu gọi cần phải tăng cường sức mạnh của quân đội Đức, vẫn có ý kiến cho rằng Đức có thể đóng một vai trò ngoại giao tích cực nhằm tìm giải pháp cho cuộc xung đột Ukraine.
Phát biểu với Reuters, Đại sứ Đức tại Ukraine Andriy Melnyk cho biết "trong các cuộc đàm phán với Tổng thống Putin, chúng tôi cần vai trò lãnh đạo cá nhân của Thủ tướng Olaf Scholz". "Đây sẽ là một phép thử cho chính sách đối ngoại mới của Đức”, ông Melnyk nhấn mạnh.
Ông Andriy Melnyk cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với các cuộc đàm phán giữa Ukrane, Đức, Pháp và Nga theo Định dạng Normandy từng diễn ra dưới thời chính quyền Merkel và mong muốn ông Scholz sẽ tiếp nối tiến trình này. Tuy vậy, điều kiện của Ukraine muốn đưa Mỹ vào các cuộc đàm phán này đã khiến các cường quốc châu Âu ngần ngại./.