Trong khuôn khổ gói trừng phạt mới, tất cả các dạng than đá của Nga sẽ bị cấm tại Liên minh châu Âu – một động thái mà Ủy ban châu Âu cho biết sẽ ảnh hưởng đến 8,7 tỷ USD giá trị xuất khẩu của Nga mỗi năm. Theo kế hoạch, EU sẽ chấm dứt nhập than Nga trong vòng 4 tháng (đề xuất ban đầu là 3 tháng). Đây là lần đầu tiên EU đánh vào lĩnh vực năng lượng của Nga.
Ukraine ngày 8/4 đã lặp lại lời kêu gọi cấm vận dầu mỏ Nga sau khi xảy ra một cuộc tấn công bằng tên lửa và nhà ga ở Kramatorsk, phía Bắc khu vực Donbass, khiến gần 30 người thiệt mạng và hàng trăm người thương vong. Kiev cáo buộc Nga gây ra vụ tấn công, nhưng Moscow đã bác bỏ cáo buộc và cho rằng phía Ukraine mới chính là thủ phạm.
“Châu Âu có thể phớt lờ việc ban hành lệnh cấm vận đối với nguồn cung dầu mỏ của Nga trong bao lâu nữa?”, Tổng thống Ukraine - Zelensky nói.
Ủy ban châu Âu cho biết, khoảng 45% lượng khí đốt nhập khẩu và 25% lượng dầu nhập khẩu của EU là do Nga cung cấp. Liên minh châu Âu đã nhập khẩu 35 tỷ USD năng lượng của Nga kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra từ ngày 24/2. Than đá là mục tiêu dễ dàng hơn đối với lệnh cấm vận. Dù gần một nửa sản lượng than nhập khẩu của châu Âu là do Nga cung ứng nhưng nhu cầu về nhiên liệu hóa thạch trên thế giới đã giảm dần và việc tìm nguồn cung thay thế cũng dễ dàng hơn so với dầu mỏ khí đốt tự nhiên. Tuy nhiên, trước sự hối thúc của Mỹ, Ukraine cùng những diễn biến mới liên quan đến tình hình Ukraine đang buộc các nhà lãnh đạo EU phải xem xét lệnh cấm hoặc hạn chế nhập khẩu dầu mỏ Nga.
Lệnh cấm dầu mỏ sẽ như thế nào?
Theo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, Nga là nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ 2 thế giới, sau Saudi Arabia, chiếm 14% nguồn cung toàn cầu vào năm 2021. Vào tháng 3/2022, EU đã đặt ra hạn chót đến cuối năm 2027 sẽ chấm dứt phụ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt Nga. Lệnh cấm khí đốt có thể khó thực hiện, nhưng lệnh cấm dầu mỏ hiện đang được đặt trên bàn.
Phát biểu trước Nghị viện châu Âu, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nói: “Gói trừng phạt thứ 5 được áp đặt ngày 7/4 vừa qua sẽ không phải là “gói trừng phạt cuối cùng”.
“Chúng ta đã cấm nhập khẩu than đá, hiện giờ chúng ta cần phải xem xét lệnh cấm dầu mỏ”, bà Ursula von der Leyen cho biết.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron là một trong những nhà lãnh đạo đầu tiên của châu Âu công khai ủng hộ lệnh cấm hoàn toàn đối với dầu mỏ của Nga. Phát biểu với một đài truyền hình Pháp hồi đầu tuần này, ông Macron nói rằng, châu Âu không thể bỏ qua “tội ác chiến tranh” tại thành phố Bucha của Ukraine. Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết, Pháp không muốn chờ đợi lệnh cấm vận dầu của Nga sau vụ tấn công nhà ga ở Kramatorsk hôm 8/4.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm 8/4 cho rằng, Berlin sẽ có thể ngừng nhập khẩu dầu của Nga "trong năm nay". Phát biểu tại cuộc họp báo với Thủ tướng Anh Boris Johnson trong chuyến thăm London, ông Scholz nói, Đức đang "tích cực làm việc" để chấm dứt việc nhập khẩu dầu của Nga song lưu ý nước này sẽ mất nhiều thời gian hơn để thoát ly khí đốt của Nga.
Chi tiết lệnh trừng phạt dầu mỏ Nga có thể được công bố ngày 11/4 khi các ngoại trưởng EU nhóm họp. Những lựa chọn đang được xem xét bao gồm đánh thuế nhập khẩu dầu mỏ và buộc người mua trả tiền vào một tài khoản ủy thác mà Nga chỉ có thể được tiếp cận với một số điều kiện đặc biệt.
Tuy nhiên, để có được sự đồng ý của tất cả các nước thành viên EU là điều rất khó khăn bởi mức độ phụ thuộc của các nước này vào dầu mỏ Nga rất khác nhau. Hungary sẽ là quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất và Thủ tướng tái đắc cử Viktor Orban có thể bác bỏ bất cứ đề xuất nào.
“Chúng tôi lên án cuộc tấn công vũ trang của Nga và chúng tôi cũng lên án chiến tranh nhưng chúng tôi sẽ không cho phép các gia đình Hungary phải trả giá cho cuộc chiến. Các biện pháp trừng phạt không được mở rộng đối với các lĩnh vực dầu khí”, ông Orban cho biết trong một tuyên bố vào đầu tháng 3.
Châu Âu có đủ khả năng ứng phó với việc thiếu nguồn cung dầu mỏ?
Mặc dù việc áp đặt các lệnh trừng phạt đối với khí đốt tự nhiên của Nga ở thời điểm này không thể thực hiện được vì chúng sẽ gây ra những thiệt hại kinh tế đáng kể, nhưng châu Âu có thể chống chịu được nếu cấm vận dầu mỏ Nga.
Mỹ, Anh, Canada và Australia đều đã công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga. Trong khi đó, nhiều ngân hàng, thương nhân và công ty bảo hiểm cũng đang cố gắng tránh né các giao dịch liên quan đến dầu Nga do lo ngại lệnh trừng phạt. Các công ty dầu khí châu Âu trong đó có Shell, TotalEnergies và Neste đã ngừng mua dầu thô của Nga, hoặc sẽ thực hiện động thái này vào cuối năm nay.
Giá dầu thô Brent đã tăng vọt vào đầu tháng 3, vượt qua mức 139 USD/thùng mức cao nhất trong 14 năm, nhưng sau đó đã giảm trở lại quanh 100 USD/thùng. Hiện dầu thô Urals của Nga đang giao dịch với mức chiết khấu kỷ lục khoảng 34 USD/thùng.
Trong những ngày gần đây, nhiều quốc gia giàu mạnh đã cam kết sẽ giải phóng nguồn dự trữ dầu mỏ để giúp hạ giá thành và ứng phó với việc giảm nguồn cung từ Nga. Hồi tháng 3 vừa qua, Mỹ tuyên bố sẽ giải phóng 180 triệu thùng dầu. Các nước thành viên của Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA cũng thực hiện bước đi tương tự, bổ sung thêm 60 triệu thùng dầu cho thị trường toàn cầu.
Ông Claudio Galimberti, nhà phân tích cấp cao của Rystad Energy, cho rằng tác động của lệnh cấm vận dầu mỏ đối với Nga sẽ phụ thuộc vào mức độ mà nước này có thể chuyển hướng xuất khẩu sang châu Á.
“Nếu Nga có thể xoay sở để chuyển hướng phần lớn xuất khẩu dầu mỏ từ châu Âu sang châu Á, tác động của lệnh trừng phạt có thể không lớn. Còn nếu không, lệnh cấm sẽ làm tê liệt nền kinh tế Nga, vì nước này phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu dầu", ông Claudio Galimberti nhận định.
Ông Claudio Galimberti cho rằng, mặc dù châu Âu chiếm hơn một nửa lượng dầu xuất khẩu của Nga, nhưng Trung Quốc vẫn là khách hàng đơn lẻ mua dầu lớn nhất của Nga và đã mua trung bình 1,6 triệu thùng mỗi ngày dầu thô của Nga vào năm 2021./.