Ngay khi Thụy Điển và Phần Lan tuyên bố nộp đơn xin gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Thổ Nhĩ Kỳ đã lên tiếng phản đối và nêu lên những mối lo ngại an ninh với quốc gia. Giới chức NATO cho rằng các bên có thể thảo luận để tìm ra giải pháp, hướng tới mở cánh cửa NATO đối với hai quốc gia Bắc Âu. Tuy nhiên việc thảo luận không mấy tiến triển khiến Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục bày tỏ quan điểm cứng rắn hơn trong vấn đề này.
Trong diễn biến mới nhất, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố Thụy Điển và Phần Lan phải có bước đi cụ thể giải quyết sự hiện diện của các tổ chức khủng bố tại hai quốc gia này, đồng thời dọa có thể rút khỏi NATO. Giới phân tích cho rằng những tuyên bố của Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ hướng tới Thụy Điển và Phần Lan mà còn nhằm gây sức ép với phương Tây, trong bối cảnh mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và phương Tây gần đây có khá nhiều khúc mắc.
Yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ
Thổ Nhĩ Kỳ vừa mới tuyên bố Thụy Điển và Phần Lan không thể gia nhập NATO cho tới khi hai nước có những bước đi cụ thể để giải quyết sự hiện diện của các tổ chức khủng bố.
Ngày 18/5 vừa qua, Phần Lan và Thụy Điển đã chính thức nộp đơn xin gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), kết thúc nhiều thập kỷ duy trì vị thế trung lập về quân sự của hai quốc gia Bắc Âu này. Trong khi phần lớn các quốc gia thành viên NATO như Mỹ, Đức, Anh, Pháp đều bày tỏ sự ủng hộ, cho rằng hai nước có thể vượt qua các điều kiện cần thiết để sớm trở thành thành viên của NATO, thì Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia có tiếng nói phản đối rõ rệt nhất.
Mâu thuẫn giữa Thổ Nhĩ Kỳ và hai quốc gia trên xuất phát từ hai vấn đề mà Ankara cho rằng ảnh hưởng đến an ninh quốc gia của nước này. Thứ nhất, Thổ Nhĩ Kỳ phản đối việc Thụy Điển và Phần Lan lâu nay vẫn chứa chấp và từ chối dẫn độ các thành viên thuộc Đảng Công nhân người Kurd (PKK), tổ chức chính trị có vũ trang bị Thổ Nhĩ Kỳ coi là tổ chức khủng bố cũng như một số người theo giáo sỹ Fethullah Gulen, người bị Tổng thống Erdogan quy kết đứng sau vụ đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ năm 2016.
Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng việc PKK và các thế lực chống đối khác có thể tiếp tục tồn tại và tiến hành các hoạt động chống lại chính quyền Ankara là bởi có được sự ủng hộ từ bên ngoài Thổ Nhĩ Kỳ. Vì vậy, việc chấm dứt sự ủng hộ đối với các tổ chức này được coi là điều kiện tiên quyết để Thụy Điển và Phần Lan có được sự nhất trí của Thổ Nhĩ Kỳ trong tiến trình gia nhập NATO. Thứ hai, Thổ Nhĩ Kỳ cũng phản đối và yêu cầu hai nước Bắc Âu dỡ bỏ lệnh cấm vận bán vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ. Lệnh cấm vận này vốn được áp dụng từ năm 2019 để đáp trả các chiến dịch quân sự của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ chống lại lực lượng người Kurd ở Syria. Như vậy, về mặt lý thuyết, nếu không đạt được đồng thuận, Thổ Nhĩ Kỳ hoàn toàn có khả năng ngăn chặn sự gia nhập của Thụy Điển và Phần Lan vào NATO, vì liên minh này hoạt động trên nguyên tắc đồng thuận. Điều đó có nghĩa là, hai quốc gia Bắc Âu phải thuyết phục tất cả 30 quốc gia thành viên của NATO đồng ý chấp thuận đề nghị gia nhập liên minh.
Trước quan điểm cứng rắn của Thổ Nhĩ Kỳ, Phần Lan và Thụy Điển đã có những bước đi nhượng bộ ban đầu. Cụ thể, ngày 25/5, phái đoàn Thụy Điển và Phần Lan do Ngoại trưởng hai nước dẫn đầu đã tới Thổ Nhĩ Kỳ để thảo luận về các vướng mắc giữa hai bên. Kết quả của cuộc gặp được phía Thổ Nhĩ Kỳ đánh giá là tích cực khi Thụy Điển và Phần Lan đồng ý dỡ bỏ các hạn chế xuất khẩu vũ khí áp đặt lên nước này. Như vậy, có thể thấy, để đạt được tham vọng gia nhập NATO, Thụy Điển và Phần Lan sẽ cân nhắc đáp ứng một phần các yêu cầu, nhưng không phải toàn bộ, từ phía Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời sẽ tính toán huy động các áp lực ngoại giao khác để Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý đề xuất gia nhập.
Liệu Thổ Nhĩ Kỳ có rút khỏi NATO?
Báo chí quốc tế đã đăng tải thông tin Thổ Nhĩ Kỳ dọa rút khỏi NATO, thậm chí đề cập đến việc thành lập một liên minh giữa Thổ Nhĩ Kỳ với các nhà nước Hồi giáo, coi đó là sự thay thế cho NATO.
Ngày 24/5, ông Devlet Bahceli, chủ tịch Đảng Phong trào Dân tộc Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, nước này sẽ cân nhắc rút khỏi NATO nếu liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu không đáp ứng được các yêu cầu của Ankara liên quan đến việc kết nạp Phần Lan và Thụy Điển. Thực tế là kể từ sau hàng loạt sự kiện như cuộc đảo chính bất thành năm 2016, sự can thiệp quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ vào Đông Bắc Syria năm 2019, căng thẳng gia tăng trong quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ, hay sự ấm lên quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga, đã có những lời kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ rời khỏi hoặc bị loại khỏi NATO.
Kể từ sau khi trở thành thành viên năm 1952, các cam kết mà quốc gia này dành cho liên minh không thực sự mạnh mẽ. Dù sở hữu lực lượng quân đội lớn thứ 4 trong khối (sau Mỹ, Pháp và Anh) và có quân số đông thứ hai (sau Mỹ), Thổ Nhĩ Kỳ không thường xuyên tham gia các chiến dịch triển khai của liên minh và không đáp ứng cam kết dành ít nhất 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho quốc phòng đối với quốc gia thành viên.
Tuy nhiên, bất chấp những mâu thuẫn sâu sắc, các quan chức cấp cao nhất của Thổ Nhĩ Kỳ và bản thân ông Edorgan trong suốt thời gian cầm quyền cũng chưa từng có phát biểu kêu gọi Ankara rời khỏi tổ chức. Những đe dọa và chỉ trích mà ông đưa ra, là nhằm tận dụng hơn nữa những gì có được từ tư cách thành viên của NATO mà không phải thực hiện quá nhiều cam kết.
Mặt khác, thực tế là có những bước đi xích lại gần nhau giữa Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều quốc gia Hồi giáo vùng Vịnh thời gian qua, nhưng điều đó sẽ không khép lại những mâu thuẫn vốn tồn tại nhiều thập kỷ nay giữa các quốc gia Hồi giáo này. Bản thân ông Erdogan cũng không phải là đồng minh lâu dài của bất kỳ ai. Nhà lãnh đạo này là một người theo chủ nghĩa dân túy, quan tâm tới việc củng cố quyền lực. Vì vậy, việc thành lập một liên minh giữa Thổ Nhĩ Kỳ với các nhà nước Hồi giáo, coi đó là sự thay thế cho NATO sẽ khó có thể trở thành hiện thực.
Quan hệ phức tạp giữa Thổ Nhĩ Kỳ và phương Tây
Có ý kiến cho rằng việc Thổ Nhĩ Kỳ “gây khó” Thụy Điển và Phần Lan không chỉ là câu chuyện giữa Thổ Nhĩ Kỳ với hai quốc gia này, mà còn phản ánh mối quan hệ phức tạp hơn giữa Thổ Nhĩ Kỳ với phương Tây, với những yếu tố đan xen như Nga.
Việc Thổ Nhĩ Kỳ viện dẫn lý do liên quan đến vấn đề an ninh để phản đối Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO sẽ trở nên khó thuyết phục khi mà thực tế cho thấy nhiều lực lượng bị coi là đối lập với chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ lại đang hiện diện tại các nước NATO (bản thân ông Gulen đang sống tại bang Pennsylvania của Mỹ). Vì vậy, đằng sau sự phản đối gay gắt của Thổ Nhĩ Kỳ đối với tiến trình gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan có thể chứa đựng nhiều toan tính.
Về đối ngoại, nhiều khả năng Thổ Nhĩ Kỳ muốn tận dụng cơ hội này như một cái cớ nhằm khẳng định lại vai trò, ảnh hưởng trong NATO và sâu xa hơn là nhắm đến Mỹ. Lâu nay Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là thành viên tương đối đặc biệt của NATO. Bất chấp vai trò là thành viên chủ chốt của liên minh quân sự lớn nhất thế giới, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn có những động thái được cho là đi ngược lại chính sách của liên minh này. Cụ thể, cuối 2017, Thổ Nhĩ Kỳ đã ký thỏa thuận mua và triển khai các hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-400 do Nga sản xuất. Lập trường này của Ankara đã khiến quan hệ với các thành viên NATO trở nên căng thẳng, do S-400 vốn không tương thích với hệ thống phòng thủ chung của NATO, đồng thời làm dấy lên những lo ngại từ Mỹ và NATO về sự tăng cường hiện diện của Nga ở Trung Đông.
Để đáp trả động thái trên, Mỹ áp đặt một số lệnh trừng phạt đối với ngành công nghiệp quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có việc loại Ankara khỏi chương trình máy bay chiến đấu F-35. Vì vậy, Ankara dường như đang hy vọng rằng, lá phiếu của họ đối với sự mở rộng của NATO sẽ có thể là quân bài mặc cả với chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden để quay lại chương trình F-35, đồng thời buộc Mỹ đồng ý bán hàng chục máy bay chiến đấu F-16 và thiết bị nâng cấp cho phi đội hiện có của họ.
Về đối nội, trong bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống dự kiến được tổ chức vào mùa hè 2023 và tỷ lệ tín nhiệm đang sụt giảm, Tổng thống đương nhiệm Recep Tayyip Erdogan và đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền có thể tranh thủ cơ hội này để giành thêm lá phiếu của cử tri trong nước. Mặt khác, khi mà Nga luôn coi mọi nỗ lực mở rộng của NATO về phía Đông là một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Nga, thì thái độ phản đối Phần Lan và Thụy Điển của Thổ Nhĩ Kỳ đã phần nào gửi đi thông điệp về một nỗ lực cân bằng chiến lược của Ankara đối với Nga, đặc biệt trong hoàn cảnh Thổ Nhĩ Kỳ và Nga có những quan hệ mật thiết khi cùng chia sẻ những lợi ích trên Biển Đen và tình hình chiến sự tại Syria.
Về phía NATO, rõ ràng sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ một lần nữa bộc lộ những mâu thuẫn vốn tồn tại trong khuôn khổ một tổ chức quân sự tưởng chừng rất thống nhất này. Mặc dù vậy, khó có khả năng NATO sẽ thực hiện một động thái quyết liệt, xa lánh hoàn toàn một đồng minh chiến lược như Thổ Nhĩ Kỳ để tạo thuận lợi cho sự gia nhập của Thụy Điển và Phần Lan. Với vị trí địa lý ở phía nam của Nga và phía bắc của Trung Đông, Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một đối tác chiến lược quan trọng mà không chỉ NATO mà nhiều nước khác trên thế giới muốn thiết lập. Mỹ và các đồng minh châu Âu hiểu rằng sự ra đi của Thổ Nhĩ Kỳ có thể đẩy khu vực Biển Đen và vùng Balkan vào bất ổn. Hơn thế nữa, nếu để mất quốc gia có vị trí chiến lược này, phương Tây sẽ mất một chỗ đứng quan trọng tại Trung Đông. Vì vậy, thời gian tới có thể NATO sẽ tìm cách để từng bước xoa dịu những lo ngại của Thổ Nhĩ Kỳ, đạt được sự đồng thuận để tiến trình kết nạp Thụy Điển và Phần Lan có thể diễn ra./.