Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói rõ rằng sẽ có hậu quả nếu hai quốc gia Bắc Âu này gia nhập NATO. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết, Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO sẽ là một “sai lầm” với “hậu quả sâu rộng”.
Bởi vậy, điều quan trọng là NATO phải nhanh chóng kết nạp Phần Lan và Thụy Điển để hai nước này có thể hưởng lợi từ các đảm bảo an ninh mà tư cách thành viên cung cấp.
Phần Lan và Thụy Điển là những đối tác thân thiết của NATO. Họ có lực lượng vũ trang được tài trợ tốt và sẽ đóng góp vào các hoạt động quân sự và kiểm soát trên không của liên minh.
Mất bao lâu để Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO?
Các quan chức NATO cho biết, quá trình gia nhập của Phần Lan và Thụy Điển có thể được hoàn tất “trong vài tuần”.
Tuy nhiên, quá trình này cũng có thể mất nhiều thời gian hơn, tùy thuộc vào phần chiếm nhiều thời gian nhất của quy trình là 30 nước thành viên NATO phê chuẩn nghị định thư của quốc gia muốn gia nhập.
Chưa thể đưa ra khoảng thời gian cụ thể cho quá trình này, dù các ứng viên gần đây thường mất từ 8-12 tháng. Sky News tính toán rằng quá trình này có thể kéo dài đến một năm.
Trước đó, các nước hoàn thành thủ tục này nhanh nhất là Đức, Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp.
Các thành viên chủ chốt của NATO như Mỹ, Anh, Đức đã ủng hộ mạnh mẽ việc Phần Lan và Thụy Điển xin gia nhập liên minh.
Mỹ và Anh sẵn sàng cung cấp hỗ trợ an ninh cho Thụy Điển và Phần Lan trong khoảng thời gian các nước nộp đơn xin gia nhập NATO cho đến khi chính thức được chấp nhận làm thành viên của khối.
Quy trình trở một thành viên NATO diễn ra như thế nào?
Quy trình trở thành thành viên của NATO chưa được chính thức hóa và các bước đối với mỗi ứng viên có thể khác nhau.
Tuy nhiên, trước tiên, quốc gia muốn tham gia NATO phải gửi đơn xin gia nhập. Đơn xin gia nhập thường là một bức thư từ một bộ trưởng hoặc nhà lãnh đạo chính phủ.
Sau đó, NATO sẽ xem xét yêu cầu của quốc gia ứng cử viên. Quá trình này được thực hiện trong cuộc họp của Hội đồng Bắc Đại Tây Dương (NAC) gồm 30 quốc gia thành viên, có thể ở cấp đại sứ.
NAC sẽ quyết định có nên chấp thuận tư cách thành viên của nước ứng viên hay không và các bước phải thực hiện để đạt được điều đó. Điều này phụ thuộc vào mức độ phù hợp của các quốc gia ứng cử viên với các tiêu chuẩn chính trị, quân sự và pháp lý của NATO và liệu họ có đóng góp vào an ninh ở khu vực Bắc Đại Tây Dương hay không. Theo AP, Phần Lan và Thụy Điển hoàn toàn đáp ứng được những điều kiện này.
Nếu NAC “bật đèn xanh” cho tư cách thành viên của nước ứng viên, các cuộc đàm phán về việc gia nhập sẽ được tổ chức. Các cuộc đàm phán có thể được hoàn thành chỉ trong một ngày.
Quốc gia ứng cử viên được yêu cầu cam kết duy trì Điều 5 NATO. “Một cuộc tấn công vũ trang chống lại một hoặc nhiều (các nước thành viên NATO) ở châu Âu hoặc Bắc Mỹ sẽ được coi là một cuộc tấn công chống lại toàn bộ NATO và sẽ vấp phải phản ứng từ các thành viên của khối, bao gồm cả việc sử dụng vũ lực”, Điều 5 của NATO quy định.
Nước muốn gia nhập NATO cũng phải cam kết thực hiện các nghĩa vụ chi tiêu liên quan đến ngân sách nội bộ của NATO, khoảng 2,5 tỷ USD.
Ứng viên biết được vai trò của họ trong việc lập kế hoạch phòng thủ của NATO và về bất kỳ nghĩa vụ pháp lý hoặc an ninh nào khác mà họ có thể đạt được như kiểm tra nhân sự hoặc xử lý thông tin mật.
Sau đó, các nhân viên NATO sẽ viết một báo cáo để thông báo cho các đồng minh về kết quả của các cuộc đàm phán. Báo cáo sẽ nêu rõ những vấn đề đã được đưa ra với đối tác và những cam kết mà quốc gia đó đã thực hiện. Đồng thời, quốc gia ứng viên sẽ gửi một lá thư, thường là từ bộ trưởng ngoại giao, xác nhận rằng họ chấp nhận tất cả các nghĩa vụ này.
Báo cáo gia nhập và lá thư của quốc gia ứng viên sẽ tiếp tục được nộp cho NAC để cơ quan này đưa ra quyết định cuối cùng.
Cuộc họp của NAC, có thể họp ở cấp đại sứ, bộ trưởng hoặc nhà lãnh đạo, sẽ xem xét đơn đăng ý và quyết định xem có ký nghị định thư gia nhập đối với quốc gia ứng viên hay không.
Nếu được chấp thuận, một buổi lễ nhỏ mang tính tượng trưng sẽ được tổ chức để hợp pháp cho quá trình này của quy trình trở thành thành viên NATO. Nghị định thư sau đó sẽ được gửi đến thủ đô các nước để phê chuẩn theo luật pháp của từng quốc gia thành viên. Trong đó, một số nước cần sự phê duyệt từ quốc hội.
Sau khi chính phủ của tất cả các thành viên NATO chấp thuận việc gia nhập, các thành viên NATO sẽ thông báo cho chính phủ Mỹ. Sau đó, Tổng thư ký NATO sẽ mời các nước mới tham gia liên minh.
Cuối cùng, quốc gia ứng cử viên sẽ chính thức trở thành thành viên NATO và quốc kỳ của họ sẽ được treo bên ngoài trụ sở của liên minh quân sự ở Brussels.
Trở ngại của Phần Lan và Thụy Điển
NATO đưa ra tất cả các quyết định dựa trên sự đồng thuận, vì vậy mỗi quốc gia thành viên có quyền phủ quyết trên thực tế.
Thổ Nhĩ Kỳ đã phản đối Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO, viện dẫn lí do hai nước Bắc Âu ủng hộ lực lượng Ankara coi là khủng bố.
AFP dẫn lời Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết, Ankara sẽ phản đối việc kết nạp Phần Lan và Thụy Điển vào NATO do hai quốc gia này chưa có “lập trường cởi mở, rõ ràng chống lại các tổ chức khủng bố”.
Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đang muốn nhắc tới Đảng Công nhân người Kurd (PKK) ly khai và Mặt trận Giải phóng Nhân dân Cách mạng (DHKP/C), vốn bị Ankara cho là bất hợp pháp.
Tổng thống Erdogan không đe dọa hoàn toàn việc phủ quyết tư cách thành viên NATO của Phần Lan và Thụy Điển, đồng thời các quan chức cũng như các nhà phân tích tin rằng ông sẽ không “cản đường” họ.
Các quan chức cho biết, không có quốc gia nào khác phản đối mạnh mẽ việc Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO, dù ngay tại đất nước của họ hay tại trụ sở NATO ở Brussels./.