Thời gian gần đây, Thụy Điển và Phần Lan đã công bố ý định gia nhập NATO với lý do lo ngại cuộc tấn công của Nga vào Ukraine. Nhưng việc kết nạp hai quốc gia này đòi hỏi sự đồng thuận nhất trí của tất cả các thành viên trong khối và kế hoạch của cả Thụy Điển lẫn Phần Lan có thể gặp rào cản lớn do sự phản đối của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan.
Thổ Nhĩ Kỳ nói gì?
Theo Reuters, Tổng thống Erdogan ngày 17/5 tuyên bố phái đoàn từ các nước Thụy Điển và Phần Lan không nên bận tâm đến việc đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ đơn xin gia nhập NATO. Ông khẳng định nước này sẽ nói “không” với các nỗ lực gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan, đồng thời nhấn mạnh mọi nỗ lực nhằm thuyết phục Ankara thay đổi lập trường sẽ đều vô ích.
Trong một phát biểu trước đó, ông Erdogan cũng nêu rõ, Thổ Nhĩ Kỳ không ủng hộ khả năng Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO: “Chúng tôi đang theo dõi những diễn biến liên quan đến Thụy Điển và Phần Lan, nhưng chúng tôi không có suy nghĩ ủng hộ”.
Tuy vậy, Ankara vẫn chưa cho biết họ sẽ phủ quyết tư cách thành viên của hai quốc gia này hay không. Ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu ngày 15/5 đã đưa ra một yêu cầu với Thụy Điển và Phần Lan, trong đó có việc ngừng hỗ trợ các nhóm khủng bố, đưa ra đảm bảo an ninh và dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu, trong bối cảnh hai nước này muốn gia nhập NATO.
Lý do Ankara phản đối
Ông Erdogan đã gây bất ngờ cho các thành viên NATO và hai quốc gia Bắc Âu đang tìm kiếm tư cách thành viên khi nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ không thể ủng hộ việc mở rộng liên minh vì Phần Lan và Thụy Điển là "nơi có nhiều tổ chức khủng bố", ám chỉ Đảng Công nhân người Kurd (PKK).
PKK là một tổ chức chính trị quân sự và phong trào du kích vũ trang của người Kurd, nhưng bị Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đưa vào danh sách các tổ chức khủng bố. Đảng này chiến đấu vì một nhà nước Kurd độc lập. Họ đã chiến đấu chống Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 1984. Cuộc chiến giữa hai bên đã cướp đi sinh mạng của 40.000 người.
Trong thời gian qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành nhiều chiến dịch quân sự nhằm vào PKK. Lực lượng PKK có căn cứ ở miền Bắc Iraq và sử dụng nơi đây làm bàn đạp để thúc đẩy phong trào nổi dậy ở miền Đông Thổ Nhĩ Kỳ.
Mỹ và Thụy Điển đã khiến Tổng thống Erdogan tức giận khi hỗ trợ một lực lượng dân quân liên kết với PKK ở Syria để chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Thổ Nhĩ Kỳ đã khiển trách Mỹ vào tháng 2/2021. Hai tháng sau, Ankara cũng triệu tập đại sứ Thụy Điển tại Thổ Nhĩ Kỳ để bày tỏ sự phản đối.
Tổng thống Erdogan hiện đang đối mặt với nhiều thách thức trong nước, đặc biệt là cuộc khủng hoảng kinh tế do tình trạng lạm phán gia tăng, cũng như cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào năm 2023. Theo giới phân tích, tuyên bố của ông có thể nhằm giành sự ủng hộ của những cử tri theo chủ nghĩa dân tộc luôn phản đối bất cứ sự liên hệ nào với PKK. Ngoài ra, Ankara cũng phàn nàn về các vấn đề khác liên quan đến Thụy Điển và Phần Lan, trong đó có lo ngại về đảm bảo an ninh và việc chặn xuất khẩu vũ khí sang Thổ Nhĩ Kỳ.
Thổ Nhĩ Kỳ có thể phủ quyết quy chế thành viên của Thụy Điển và Phần Lan?
Việc kết nạp Thụy Điển và Phần Lan vào NATO cần có sự nhất trí của tất cả 30 quốc gia thành viên. Vì thế về mặt lý thuyết Thổ Nhĩ Kỳ hoàn toàn có thể ngăn chặn sự gia nhập của 2 quốc gia này. Tuy nhiên, cả 3 nước đã tổ chức các cuộc đàm phán trong nhưng ngày gần đây để giải quyết vấn đề.
Mỹ - quốc gia đóng vai trò quan trọng trong liên minh, cho biết có sự ủng hộ rộng rãi trong khối đối với kế hoạch gia nhập của 2 nước Bắc Âu nói trên. Trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề châu Âu và Á-Âu Karen Donfried nói rằng, ông Erdogan chưa chính thức tuyên bố sẽ hành động chống việc kết nạp Thụy Điển và Phần Lan. Bà Donfried nói với các phóng viên: “Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa nói họ sẽ phản đối đơn xin của Thụy Điển”.
Các bên có đạt được thỏa thuận?
Giới phân tích cho rằng, điều này hoàn toàn có thể xảy ra. Một ngày sau tuyên bố của Tổng thống Erdogan, ông Ibrahim Kalin - cố vấn chính sách đối ngoại hàng đầu của Tổng thống Erdogan cho biết: “Chúng tôi không đóng cửa. Nhưng về cơ bản chúng tôi đang nêu vấn đề này như một vấn đề an ninh quốc gia của Thổ Nhĩ Kỳ”. Còn thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki thông báo chính quyền Biden đang “làm việc để xác định rõ quan điểm của Thổ Nhĩ Kỳ”.
Vài giờ sau, Ngoại trưởng Mevlüt Çavuşoğlu đã tổ chức cuộc họp 3 bên với Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde và Ngoại trưởng Phần Lan Pakka Haavisto, những người được mời tham dự cuộc họp Ngoại trưởng NATO “không chính thức” ở Berlin bàn về chiến lược liên minh mới và chương trình nghị sự liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine. Sau cuộc họp, ông Haavisto cho biết: “Tôi nghĩ chúng ta sẽ đi đến một thỏa thuận”. Đến ngày 15/5, Phần Lan thông báo rằng sẽ chính thức xin gia nhập NATO.
Khi bày tỏ sự ủng hộ kế hoạch của 2 nước Bắc Âu, Mỹ muốn gửi thông điệp rõ ràng tới Nga rằng nước này cần phải sớm chấm dứt chiến dịch quân sự. Trước đó, Tổng thống Putin đã lên tiếng phản đối và cho rằng, việc Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO có thể mở đường cho Chiến tranh thế giới thứ 3. Cảnh báo nghiêm trọng là vậy, nhưng tất cả đều là dự đoán. NATO có lẽ vẫn đang thử thách xem Nga có thể tiến được bao xa.
Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ là nước hiếm hoi trong NATO duy trì quan hệ tương đối tốt đẹp đồng thời với Nga và Ukraine. Thời gian qua, Ankara đã đóng vai trò trung gian hòa giải giữa hai bên. Thổ Nhĩ Kỳ có lẽ không muốn “đốt cây cầu quan hệ” với Nga và cũng không muốn NATO suy yếu khi đứng trước Moscow, vì thế nhiều nhà quan sát đánh giá, một thỏa thuận có thể đạt được nếu Thụy Điển và Phần Lan đưa ra một số nhượng bộ.
Liệu cam kết có được giữ vững?
Cả Thụy Điển và Phần Lan luôn mở cánh cửa cho những người muốn rời khỏi Thổ Nhĩ Kỳ để tìm kiếm quy chế tị nạn chính trị kể từ những năm 1970 và có thể sẽ không thay đổi chính sách này. Kịch bản nhiều khả năng nhất là hai quốc gia đưa ra những cam kết nhất định với Thổ Nhĩ Kỳ chẳng hạn như không cho phép bất cứ cá nhân nào liên quan đến PKK và các chi nhánh của họ tị nạn chính trị.
Câu hỏi đặt ra là liệu những cam kết này có được giữ vững hay không. Điều đó đòi hỏi Thụy Điển và Phần Lan phải có những bước đi cụ thể. Trong trường hợp ngược lại Tổng thống Erdogan và chính phủ của ông có thể bày tỏ lo ngại và chỉ trích các quốc gia trên “nói lời nhưng không giữ lời”. Một khi Thụy Điển, Phần Lan được gia nhập, điều này có thể khoét sâu thêm chia rẽ trong nội bộ NATO./.