Những động thái của Israel
Israel thậm chí còn trang bị cho tàu hộ tống “Lahav” 2 (thay vì 1) bệ phóng tên lửa Vòm Sắt, điều chưa từng xảy ra trước đây. Iran không có hành động quân sự, trong khi Israel tiến hành các cuộc tấn công vào Syria.
Ngày 13/1, Israel đã thực hiện các cuộc không kích thành phố Deir ez-Zor của Syria và các khu vực biên giới của Iraq khiến hơn 100 người đã thiệt mạng, trong đó có cả chiến binh Iraq và quân nhân Syria. Ngày 21/1, Không quân Israel đã thực hiện một cuộc tấn công khác vào Syria. Tel Aviv biện minh rằng, các hành động của mình là các biện pháp ngăn chặn nhằm chống lại Iran - quốc gia được cho là đang biến Syria thành một “dạng Lebanon” với nhiều đơn vị bán quân sự và kho vũ khí.
Sau đó, các quan chức Israel công khai tuyên bố rằng họ sẽ tấn công Iran nếu Mỹ dỡ bỏ hoặc nới lỏng các lệnh trừng phạt. Họ cũng yêu cầu Washington cho biết càng sớm càng tốt những quyết sách mà chính quyền mới tại Nhà Trắng đang lên kế hoạch thực hiện đối với Iran. Các sự kiện gần đây cho thấy những mối đe dọa này rất có thể trở thành hiện thực.
Ngày 31/1, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Benny Gantz đã đến thăm trụ sở của cái gọi là Quân đoàn Chiều sâu (Depth Corps). Những lực lượng đặc biệt này được thành lập bởi chính Gantz vào năm 2012, khi là Tổng tư lệnh của Lực lượng Phòng vệ Israel và chúng được thành lập nhằm thực hiện các chiến dịch vượt xa biên giới của Israel. Các hoạt động của lực lượng này luôn được thực hiện một cách bí mật và việc chuẩn bị có thể mất hàng tuần, thậm chí hàng tháng.
Chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng diễn ra ngay sau tuyên bố của Tổng tư lệnh Aviv Kochavi vài ngày trước đó rằng ông đã ra lệnh vạch ra các kế hoạch mới cho cuộc tấn công nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Iran để ngăn nước này chế tạo vũ khí hạt nhân. Ngày 29/1, Gantz cũng đã gặp Tư lệnh Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ - Tướng Kenneth McKenzie, người đang ở Tel Aviv.
Chỉ vài ngày trước khi rời Nhà Trắng, ông Trump đã ký sắc lệnh chuyển địa bàn Israel từ khu vực chịu trách nhiệm của Bộ Tư lệnh Châu Âu sang vùng chịu trách nhiệm của Bộ Tư lệnh Trung tâm của Lầu Năm Góc. Có thông tin cho rằng, Gantz và McKenzie đã thảo luận về tình hình hiện tại của các vấn đề trong khu vực, bao gồm cả tình hình Iran.
Theo thông tin rò rỉ trên các phương tiện truyền thông, người đứng đầu Mossad - Yossi Coen - đang lên kế hoạch tới Washington trong thời gian tới để gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden và truyền đạt sự phản đối của Israel đối với thỏa thuận với Iran, cũng như các hành động của họ ở Trung Đông. Ngoài sự phát triển hạt nhân của Iran, Israel cũng lo lắng về những thành tựu mới nhất của Tehran liên quan đến các chương trình tên lửa, cũng như hoạt động của các đối tác ở biên giới Israel, bao gồm các phe phái Palestine khác nhau, Hezbollah ở Lebanon và chính phủ Syria.
Một sự kiện khác gần đây có thể trở thành một lý do bổ sung cho việc phát động một cuộc tấn công chống lại Iran. Ngày 29/1, đã xảy ra một vụ nổ tại đại sứ quán Israel ở New Delhi. Mặc dù không có ai bị thương (chỉ một số ô tô đậu gần đó bị hư hỏng), vụ việc được xếp vào loại một vụ tấn công khủng bố và Mossad đã tham gia cuộc điều tra. Cùng lúc đó, cảnh sát Ấn Độ bắt đầu giam giữ các công dân Iran dựa trên dữ liệu từ Cục Thống kê và thẩm vấn họ về sự liên quan của họ trong vụ tấn công đó.
Việc này được thực hiện theo yêu cầu của Israel, vì người Israel tin rằng Iran đang lên kế hoạch trả thù cho những vụ giết hại tướng Soleimani và nhà khoa học Mohsen Fakhrizadeh. Tổ chức cực đoan địa phương Jaish-Ul-Hind sau đó đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ nổ ở New Delhi. Tuy nhiên, Israel cho rằng tổ chức này có mối liên hệ với Iran, mặc dù không có bằng chứng cụ thể.
Nguy cơ Israel phát động tấn công Iran
Trên thực tế, các quan chức Israel luôn đổ lỗi cho Iran hoặc Hezbollah về hầu hết các vụ việc như vậy. Ví dụ, Iran cũng bị đổ lỗi cho các cuộc tấn công vào các phương tiện ngoại giao của Israel ở Ấn Độ và Gruzia vào năm 2012. Câu hỏi đặt ra là khả năng thực sự Israel phát động một cuộc tấn công chống lại Iran là bao nhiêu? Cần lưu ý rằng Israel có kinh nghiệm ném bom những nơi tương tự - vào năm 1981, nước này tiến hành một cuộc tấn công vào Iraq, và vào năm 2007 là vào Syria. Chúng được thực hiện như một phần của cái gọi là Học thuyết Bắt đầu (Begin Doctrine), theo đó Israel sẽ không cho phép một quốc gia thù địch (thực chất là mọi quốc gia xung quanh Israel) sở hữu vũ khí hạt nhân.
Về mặt kỹ thuật, Israel có thể sử dụng không phận của Saudi Arabia cho cuộc tấn công, vì nước này gần đây đã cho phép thực hiện việc này theo Hiệp định Abraham. Máy bay của Israel cũng có thể đi qua miền bắc Iraq, nơi có căn cứ Không quân Mỹ ở Erbil. Chính quyền khu vực của người Kurd trong lịch sử có quan hệ chặt chẽ với Israel, vì Tel Aviv đã hỗ trợ người Kurd kể từ khi bắt đầu cuộc nổi dậy của Mustafa Barzani vào năm 1961 và tiếp tục hỗ trợ họ cho đến nay.
Iran đang mong đợi Mỹ quay trở lại thỏa thuận chương trình hạt nhân theo hình thức mà các thỏa thuận đã đạt được, đồng thời dỡ bỏ các lệnh trừng phạt và hạn chế. Trong tháng 1, các quan chức Iran cũng thông báo rằng họ đã bắt đầu làm giàu uranium lên đến 20%, mặc dù đây chỉ là một bước nhỏ trong một quy trình kỹ thuật phức tạp và kéo dài của quá trình tạo ra vũ khí hạt nhân. Iran cũng tuyên bố, các thanh sát viên của IAEA sẽ không được phép tiếp cận các cơ sở hạt nhân của nước này từ cuối tháng 2, nếu các yêu cầu của Iran không được đáp ứng.
Do đó, sự chuẩn bị hiện tại của Israel có thể không chỉ là luyện nắn cơ bắp mà là sự chuẩn bị thực sự cho một hành động xâm lược. Các cuộc không kích gần đây vào Syria và Iraq cũng có thể là để thử nghiệm hệ thống phòng không, tình hình nói chung và phản ứng của các nước khác. Trong thời gian diễn ra cuộc bầu cử Knesset dự kiến vào ngày 25/3, một cuộc tấn công cũng có thể được sử dụng như một phần của chiến dịch bầu cử ở Israel./.