Iran là một quốc gia có hệ thống tên lửa tầm xa, có khả năng tiến công đối phương (kể cả Mỹ). Cho đến nay có nhiều cách đánh giá khác nhau về khả năng của hệ thống tên lửa tầm xa của nước này. Tuy nhiên, những thông tin dưới đây được giới nghiên cứu và dư luận quan tâm.
Tên lửa đạn đạo
Iran là một trong những quốc gia rất chú trọng đầu tư nghiên cứu và phát triển tên lửa đạn đạo. Từ giữa những năm 1980 đến cuối những năm 1990, Iran đã tiến hành 23 chương trình phát triển tên lửa. Năm 2001, quốc gia này có 9 chương trình sản xuất và phát triển tên lửa đạn đạo. Trước đó, vào những năm 1970, Iran đã được các công ty của Mỹ giúp đỡ sản xuất tên lửa đất đối không và tên lửa đất đối đất. Năm 1974, Mỹ đã bán cho Iran tên lửa MGM-52 Lance với tầm hoạt động 130km, trọng lượng đầu đạn 140kg.
Kho tên lửa của Iran (ảnh: AFP) |
Năm 1984, Iran đã đàm phán và mua tên lửa đạn đạo của Libya và được chuyển giao chuyến hàng đầu tiên gồm 20 tên lửa vào năm 1985. Dựa trên thiết kế của loại tên lửa này, Iran bắt tay vào chế tạo 14 tên lửa đạn đạo trong các năm 1985, 1987, và 1988. Iran tuyên bố rằng họ đã sản xuất thành công tên lửa Shahab-1.
Năm 1991, Triều Tiên đã cung cấp tên lửa SCUD-C hoàn chỉnh cho Iran, có tên là Shahab-2. Khoảng 60 bộ tên lửa hoàn chỉnh đã được chuyển giao cho Iran hồi cuối năm 1992, Iran bắt đầu tự lực sản xuất loại tên lửa này với số lượng khoảng 170 quả. Tên lửa này đã được cải tiến với tầm hoạt động lên 500km, trọng lượng đầu đạn 500kg, sai số 1.000m. Triều Tiên cũng đã hỗ trợ kỹ thuật cho Iran phát triển tên lửa Shahab-3 vào giữa những năm 1990.
Tháng 4/1993, nhóm chuyên gia của Iran gồm 300 người đã đến Triều Tiên và được hướng dẫn bởi các chuyên gia về công nghệ tên lửa. Iran có kế hoạch mua và chế tạo 150 tên lửa Nodong. Trong thời gian từ 1997 - 2002, Triều Tiên đã cung cấp cho Iran 20 tên lửa. Từ năm 2001, Iran có kế hoạch chế tạo 20 tên lửa mỗi năm, động cơ do Triều Tiên cung cấp.
Tên lửa Shahab-3 và tên lửa Shahab-3B đều dựa trên thiết kế của tên lửa Nodong-1 và là tên lửa đầu tiên của Iran có thể phóng tới lãnh thổ Israel. Đồng thời, Iran đã tham gia vào quá trình chế tạo và đổi dầu lấy 150 tên lửa loại này với Triều Tiên.
Tháng 6/2005, Iran đã thử nghiệm thành công Shahab-3 với tầm phóng 2.000km và độ chính xác được cải thiện. Trung Quốc cũng đã giúp đỡ Iran với việc cung cấp hệ thống dẫn đường để nâng độ chính xác tên lửa này tới 250m.
Việc hiện đại hóa tên lửa chủ yếu chuyển nhiên liệu lỏng thành nhiên liệu rắn. Tháng 5/2005, Iran đã thử nghiệm thành công động cơ sử dụng nhiên liệu rắn cho tên lửa Shahab-3. Hơn nữa, việc sử dụng động cơ này cho phép kéo dài giai đoạn bảo dưỡng và tăng độ chính xác của tên lửa.
Iran cũng chú trọng phát triển các dòng tên lửa khác hoạt động bằng nhiên liệu rắn. Iran đã được Trung Quốc hỗ trợ sản xuất tên lửa mô phỏng tên lửa CSS-8 và Fateh. Tên lửa Tondar-69 là dạng cải tiến của tên lửa Nga đất đối không S-75 được chế tạo ở Trung Quốc cải tiến thành tên lửa đất đối đất.
Tên lửa Fateh A-110 là loại tên lửa mới, được tiến hành thử nghiệm vào năm 2002 và đã thành công. Tên lửa Fateh A-110 là tên lửa một tầng, tầm hoạt động 200km, trọng lượng đầu đạn 500kg. Iran tự sản xuất cả tên lửa và động cơ cho tên lửa loại này và đã xây dựng nhà máy đặc biệt cho chế tạo tên lửa. Sai số tối đa của tên lửa là 100m, Iran đang cố gắng cải tiến để có thể sử dụng bệ phóng di động.
Iran cũng đã nghiên cứu phát triển tên lửa mô phỏng tên lửa M-11 của Trung Quốc (DF-11/CSS-7) và M-9 (DF-15/CSS-6). Dựa trên tên lửa M-11, Iran đã phát triển thành tên lửa Tondar 68 hoặc Gadr với tầm hoạt động 290km. Loại tên lửa này mang được đầu đạn nặng 500kg. Một đặc tính quan trọng của tên lửa M-11 là nó có khả năng phóng từ bệ phóng di động bố trí trên MAZ-543 và loại tên lửa Tondar 68/Gadr cũng có thể phóng đi từ bệ phóng này.
Dựa trên tên lửa M-9 của Trung Quốc, Iran đã phát triển loại tên lửa có khả năng mang đầu đạn nặng 320kg với tầm hoạt động lên tới 800km. Việc phát triển tên lửa loại này được tiến hành đồng thời với việc cải tiến tên lửa Shahab hoạt động bằng nhiên liệu lỏng. Trong năm 2006, Iran đã tiến hành thử tên lửa Saegheh chiến thuật đất đối đất. Tên lửa này có tầm hoạt động từ 80 - 250km.
Ngoài ra, Iran cũng đã tự nghiên cứu phát triển tên lửa QADR1 có tầm hoạt động 1.800 km. Tên lửa này đã được trưng bày lần đầu tiên vào ngày quân đội quốc gia năm 2008.
Cùng với chương trình nghiên cứu và phát triển tên lửa, Iran cũng tìm cách phát triển hệ thống bệ phóng. Vào cuối những năm 1990, Iran đã có khoảng 100 bệ phóng di dộng dựa trên các xe di động của Liên Xô và Đức. Tuy nhiên, trong những năm giữa 1990, Iran cũng đã xây dựng các công sự dưới lòng đất cho tên lửa Shahab dọc theo bờ biển của Vịnh Ba Tư. Tên lửa từ các công sự này có thể phóng tới Oman, Qatar và UAE.
Tên lửa hành trình
Iran đã thành công trong việc chế tạo tên lửa hành trình nhằm mục đích chống tàu hải quân cũng như các mục tiêu trên mặt đất. Loại tên lửa này mô phỏng tên lửa CSSC-2 Silkworm. Vào năm 1987, Iran bắt đầu sản xuất các loại tên lửa này với sự hỗ trợ của Trung Quốc và Triều Tiên sau đó sản xuất theo thiết kế của Iran. Năm 2004, Iran đã cải tiến tên lửa CSSC-2 gọi là Raad có thể mang được đầu đạn 500kg với tầm bắn 400km.
Iran bắt đầu các nghiên cứu cải tiến tên lửa K-801 (Karus) và T-802 (Tondar) của Trung Quốc vào năm 1996. Tên lửa Karus có tầm bắn 40km trong khi của Tondar là 120km. Hai loại tên lửa này không những có thể phóng đi từ các bệ phóng di động bố trí dọc các bờ biển mà còn có thể bố trí trên các tàu chiến của Iran.
Cùng với các chương trình trên, Iran đã mua tên lửa Kh-55 của Ucraine. Tên lửa có tầm hoạt động 2.500km, sai số tối đa 100m, đầu đạn 410kg được điều khiển bởi bộ điều khiển quán tính (INS) với bộ tự điều chỉnh dựa trên thông số địa lý khu vực. Chế độ bay của tên lửa ở độ cao tối thiểu 50 - 100m với tốc độ 500 - 700km/h. Tuy nhiên, tên lửa Kh-55 chỉ có thể trang bị trên máy bay ném bom chiến lược Tu-95MS hoặc Tu-160 trong khi Iran chưa có loại máy bay này.
Các chuyên gia quân sự nhận định rằng tên lửa Kh-55 có thể sử dụng như cơ sở để thiết kế tên lửa hành trình chiến thuật với tầm hoạt động 500 - 600 km. Tên lửa này có lợi thế về độ cơ động, độ chính xác, khả năng khó bị phát hiện và giá thành thấp. Hơn nữa, việc tên lửa có tầm bắn thấp sẽ nâng trọng lượng đầu đạn lên và có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Năm 2013, Iran đã sản xuất được tên lửa Sejil và Ghadr có tầm bắn 2.000km, có thể đặt Israel và các căn cứ Mỹ ở Vùng Vịnh trong tầm ngắm./.