Vùng Nam Á có câu châm ngôn “có thể đổi bạn nhưng không thể đổi láng giềng”. Câu này vận phù hợp vào bối cảnh 3 nước Afghanistan, Ấn Độ, và Pakistan hiện nay hơn bao giờ hết. Với việc Taliban lên nắm quyền ở Afghanistan, đã đến lúc đánh giá liệu có các lợi ích song trùng nào giữa Ấn Độ và Pakistan giúp họ hợp tác với nhau được tại Afghanistan.
Cách nhìn nhận khác nhau giữa Ấn Độ và Pakistan về Afghanistan
Ngoại trừ thời kỳ ngắn ngủi khi Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan (IEA) cai trị Afghanistan từ năm 1996 đến 2001, Ấn Độ về mặt lịch sử có mối quan hệ song phương tốt đẹp với Afghanistan. Trái lại, Pakistan - đối thủ lâu đời của Ấn Độ, đã có mối quan hệ đầy xung đột với các chế độ thân Ấn Độ ở Afghanistan.
Hiện nay Ấn Độ coi chế độ IEA là mối đe dọa đối với các lợi ích của họ, tương tự như Ấn Độ nhìn nhận IEA giai đoạn nắm quyền vào thập niên 1990. Ấn Độ coi chế độ Taliban hiện nay như là chế độ ủy nhiệm của Pakistan, khiến Ấn Độ quyết định đóng các cơ quan ngoại giao của mình tại Afghanistan. Còn Pakistan lại coi đây là cơ hội của mình sau khoảng gián đoạn 2 thập kỷ Afghanistan nằm dưới chế độ thân Mỹ.
Thời Taliban lên nắm quyền lần 1 (vào thập niên 1990), Ấn Độ đã cùng với Iran, Nga, Tajikistan, và Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn cho phong trào kháng chiến của Liên minh phương Bắc chống lại Taliban. Nhưng Ấn Độ không đạt được nhiều điều thông qua việc chống Taliban và ủng hộ Liên minh phương Bắc.
Trong thời kỳ hậu sự kiện 11/9, Ấn Độ xúc tiến một chiến lược tương tác mới, bao gồm việc tăng cường hiện diện ngoại giao, tăng cường hợp tác an ninh, và đầu tư 3 tỷ USD vào các dự án cơ sở hạ tầng khác nhau ở Afghanistan. Nghĩa là, Ấn Độ lựa chọn sức mạnh mềm thay cho can thiệp quân sự. Họ ưa thích các dự án mang tính biểu tượng, như việc xây tòa nhà quốc hội, đập Salma, và các con đường nối các trung tâm đô thị lớn.
Sau khi đã giành được thiện chí của người dân Afghanistan, có lẽ Ấn Độ sẽ không muốn từ bỏ hoàn toàn các lợi ích của mình ở Afghanistan mà sẽ tiếp tục, trực tiếp hoặc gián tiếp, duy trì tương tác với Afghanistan.
Khác với trường hợp Pakistan, các sự lựa chọn của Ấn Độ trong việc tương tác với Taliban là vừa ít ỏi vừa phức tạp. Có vẻ như hiện nay Ấn Độ đang quyết định đợi chờ. Một số người ở Ấn Độ tin rằng cả nỗ lực xây dựng quan hệ gần gũi với chính quyền Afghanistan thời Hamid Karzai và thời Ashraf Ghani lẫn việc huấn luyện lực lượng an ninh và tình báo của Afghanistan khi ấy đều mang lại ít kết quả.
Tuy nhiên, Ấn Độ nhìn nhận quan hệ với Afghanistan và việc phát triển cơ sở hạ tầng tại đây theo hướng đầu tư dài hạn. Thay vì ủng hộ nhóm này chống lại nhóm kia, Ấn Độ có truyền thống ủng hộ chính quyền được bầu một cách dân chủ và được phương Tây hậu thuẫn. Trong quá khứ, Ấn Độ ủng hộ Liên minh phương Bắc nhưng lần này, Ấn Độ đã không ủng hộ cho phong trào Panjshir kháng chiến chống Taliban.
Như vậy Ấn Độ có xu hướng hậu thuẫn cho chính phủ nào có tính chính danh trong nước và được công nhận ở nước ngoài. Ấn Độ có thể xây dựng hình ảnh về bản thân như người bạn thực sự của Afghanistan, ủng hộ chủ quyền của Afghanistan.
Các tương tác mang tính xây dựng giữa Ấn Độ và Taliban có thể vấp phải trở ngại từ khả năng Taliban đóng vai trò bên được ủy nhiệm của Pakistan. Nhưng kinh nghiệm quá khứ chỉ ra rằng Taliban chưa bao giờ trực tiếp đe dọa Ấn Độ. Thậm chí trong vấn đề Kashmir, Taliban cũng có một quan điểm rất khác với Pakistan và coi “Kashmir là vấn đề nội bộ của Ấn Độ”.
Các mối thách thức chung có thể giúp Ấn Độ và Pakistan xích lại gần nhau
Ấn Độ vẫn lo ngại các cuộc trả đũa của mạng lưới Haqqani còn Pakistan e sợ các cuộc tấn công từ tổ chức Tehrik-e-Taliban Pakistan (TTP). Mặc dù mạng lưới Haqqani và TTP chiến đấu bên cạnh Taliban để giành chính quyền, có vẻ như Taliban không phải là một tổ chức đơn nhất mà là một tập hợp các nhóm khác nhau được kết nối với nhau bằng sợi dây cùng là người tộc Pashtun. Như vậy, cả Ấn Độ và Pakistan đều đối mặt với các thách thức tương tự nhau từ các nhóm trên.
Ngoài ra, al-Qaeda ở Tiểu lục địa Ấn Độ (AQIS) và Nhà nước Hồi giáo Khorasan (IS-K) đều có những kế hoạch mở rộng ra Nam Á và đặt ra các thách thức cho cả Ấn Độ và Pakistan. AQIS tiếp sức cho các nhóm chiến binh địa phương trong khi nhóm IS-K hậu thuẫn cho các nhóm thánh chiến cực đoan và vứt bỏ khái niệm ranh giới quốc gia. IS-K coi xung đột Kashmir mang bản chất tôn giáo và có xu hướng thiết lập một caliphate không có biên giới quốc gia. Cách tiếp cận này trái với niềm tin của Pakistan cho rằng tranh chấp của nước này với Ấn Độ về Kahshmir là tàn dư của Thuyết Hai Quốc gia – cơ sở cho sự chia tách tiểu lục địa Ấn Độ thành 2 nước.
Nếu tính đến các thách thức chung này thì 2 nước Ấn Độ và Pakistan có thể đi trên một con đường hòa giải trong quan hệ song phương. Thủ tướng Pakistan Imran Khan đã tuyên bố rằng không có vấn đề chính nào giữa 2 nước ngoại trừ vấn đề Kashmir.
Cả hai nước đã mệt mỏi vì khủng bố và chiến tranh ủy nhiệm, đều mong muốn phát triển kinh tế và nâng cao đời sống xã hội của mình. Pakistan khẳng định họ đang trong quá trình thay đổi chính sách từ địa chiến lược sang địa kinh tế. Điều này sẽ hỗ trợ cho việc đưa Pakistan ra khỏi danh sách xám của Nhóm chuyên trách Hành động Tài chính liên quan đến việc tài trợ cho khủng bố, đồng thời giúp cải thiện tình trạng thiếu niềm tin với Ấn Độ.
Ngoài ra, do có xung đột với Trung Quốc ở biên giới, Ấn Độ sẽ được hưởng lợi nếu xây dựng được niềm tin với Pakistan. Theo hướng này, người ta đồn đoán rằng cơ quan tình báo của hai nước đã liên lạc với nhau và tổ chức các cuộc họp bí mật để bình thường hóa quan hệ song phương.
Ngoài các nỗ lực song phương, Ấn Độ và Pakistan cũng có thể thu lợi từ một cách tiếp cận khu vực đối với nước Afghanistan do Taliban lãnh đạo. Cách tiếp cận này tính đến nhiều yếu tố hơn, bao gồm các loại thách thức an ninh phi truyền thống bắt nguồn từ Afghanistan.
Ngoài khủng bố, các thách thức khác gồm có sự hiện diện của 3 triệu người Afghanistan tị nạn ở Pakistan và khoảng 11.000 người ở Ấn Độ cũng như các hoạt động bất hợp pháp xuyên quốc gia xoay quanh Afghanistan, như là buôn lậu ma túy. Pakistan đã bày tỏ mối quan ngại rằng tình trạng hỗn loạn ở Afghanistan có thể làm trầm trọng thêm vấn đề ma túy trong khu vực. Tương tự, Ấn Độ cũng ở vào tình trạng báo động sau khi tịch thu được 2,7 tỷ USD sản phẩm heroin trong một chuyến vận chuyển từ Afghanistan vào tháng 9/2021.
Thiếu sự liên lạc
Bất chấp có nhiều mối quan ngại giống nhau, vẫn chưa có liên lạc song phương trực tiếp giữa Ấn Độ và Pakistan về vấn đề Afghanistan. Cả hai đã bỏ lỡ cơ hội gặp gỡ bên lề các diễn đàn như Đại hội đồng Liên Hợp Quốc và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO).
Mặc dù Afghanistan là thành viên đầy đủ của Hiệp hội Hợp tác Khu vực Nam Á (SAARC) giống như Ấn Độ và Pakistan, tiến trình SAARC trên thực tế đã lỗi thời do Ấn Độ đã rút khỏi hội nghị thượng đỉnh vào năm 2016 mà theo kế hoạch diễn ra trên đất Pakistan. Khi SAARC tỏ ra là một diễn đạt kém hiệu quả trong vượt qua các trở ngại giữa Ấn Độ và Pakistan, SCO có vẻ là một diễn đàn thích hợp hơn do hầu hết các nhân tố khu vực đều là thành viên đầy đủ, gồm cả Ấn Độ và Pakistan (Afghanistan thì mới chỉ giữ vị thế quan sát viên). Tuy nhiên sau khi gia tăng căng thẳng với Trung Quốc và tham gia Đối thoại An ninh Bộ Tứ cùng với Australia, Nhật Bản và Mỹ thì Ấn Độ đã nhìn SCO bằng con mắt khác, với kết quả là Ấn Độ không tham gia cuộc tập trận của SCO ở Nga vào năm 2020.
Cả Ấn Độ và Pakistan đều gặp những thách thức tại các diễn đàn đa phương do các vận động địa chính trị hiện tại giữa Ấn Độ và Pakistan trong SAARC và giữa Ấn Độ và Trung Quốc trong SCO. Nhưng dẫu vậy, Ấn Độ và Pakistan vẫn có thể thu lợi bằng việc tương tác song phương trong vấn đề Afghanistan./.