Diễn biến ngoài ý muốn của Trung Quốc

Trung Quốc bấy lâu nay quan ngại về việc Taliban chiếm quyền ở Afghanistan sẽ khiến họ đối mặt với các mối nguy cơ khủng bố Hồi giáo. Điều này đang dần trở thành hiện thực nhưng không phải theo hướng mà Bắc Kinh dự báo. Hiện nay mối đe dọa đối với Trung Quốc lại chủ yếu là các cuộc tấn công nhằm vào lợi ích và các công dân Trung Quốc ở Pakistan chứ không phải các cuộc tấn công xuyên biên giới do các nhóm khủng bố thực hiện nhằm gây bất ổn cho vùng Tân Cương (Trung Quốc) đông người Hồi giáo sinh sống.

Việc Taliban lên nắm quyền ở Afghanistan đã làm hồi sinh và truyền cảm hứng cho nhánh Taliban ở Pakistan với tên gọi đầy đủ là Tehreek-e-Taliban Pakistan (TTP) – một tổ chức Hồi giáo chủ nghĩa bao trùm của người Pashtun với mục tiêu tạo ra một nhà nước Hồi giáo ở Pakistan.

Các chiến binh TTP và một số thủ lĩnh hàng đầu của tổ chức này đã được phiến quân Taliban phóng thích khỏi các nhà tù trong giai đoạn cuối của cuộc tổng nổi dậy của họ. Sự trỗi dậy của Taliban Afghanistan cũng mang lại luồng sinh khí mới cho các nhóm ly khai Baloch có cơ sở ở Afghanistan.

Hàng loạt vụ tấn công chết chóc nhằm vào lợi ích của Trung Quốc

Cả TTP và Baloch đều thúc đẩy các cuộc tấn công vào lợi ích Trung Quốc ở Pakistan kể từ khi Taliban cướp chính quyền. Mục tiêu là các dự án dính tới Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC) trị giá 60 tỷ USD – một hợp phần của sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc trong khu vực.

TTP tuyên bố đã tiến hành 32 cuộc tấn công nhằm vào lực lượng vũ trang Pakistan vào tháng 8/2021. Chúng nhận trách nhiệm đã thực hiện 29 vụ tấn công khác cho đến giữa tháng 9/2021, giết hại hoặc làm bị thương số lượng lớn nhân viên an ninh. Riêng tuần trước, TTP gây 9 thương vong cho các lực lượng quân sự Pakistan.

Tháng 8/2021, hai công dân Trung Quốc bị thương trong một vụ tấn công liều chết làm 2 trẻ em thiệt mạng ở cảng Gwadar do Trung Quốc phát triển trong khuôn khổ CPEC. Sau đó một kẻ đánh bom khủng bố kích hoạt thuốc nổ gần một chiếc xe chở các công dân Trung Quốc ở tỉnh Balochistan nhiều bất ổn của Pakistan, khiến 3 người chết và 2 người Trung Quốc bị thương. “Quân đội Giải phóng Balochistan” nhận trách nhiệm về vụ tấn công này.

Cường độ và mức độ tấn công khủng bố trong 2 tháng vừa qua đã thúc đẩy Pakistan đề xuất tổng ân xá cho các phần tử TTP sẵn lòng đầu hàng và cam kết trung thành với hiến pháp của đất nước – một đề xuất đã bị các thủ lĩnh TTP thẳng thừng bác bỏ.

Các dự án của Trung Quốc rơi vào bế tắc

Cùng lúc, việc Islamabad không có khả năng bảo đảm an ninh cho các dự án CPEC đã khiến một số dự án như vậy phải giậm chân tại chỗ, đồng thời đặt ra những câu hỏi mới về tính khả thi tổng thể của đại dự án này trong tương lai.

Đến lượt mình, điều trên lại làm gia tăng các hoài nghi mới về tham vọng của Bắc Kinh muốn kết nối đất nước Afghanistan dưới sự cai quản của Taliban với hành lang CPEC và sáng kiến BRI rộng lớn hơn – nếu tham vọng này thành công sẽ củng cố vị thế của Trung Quốc ở Trung Á và rộng hơn thế.

Bộ trưởng Kế hoạch và Phát triển của Pakistan – Asad Umar, vào hôm 24/9/2021 nói rằng việc các cường quốc quốc tế phản đối CPEC và chuyện Taliban lên nắm quyền ở Afghanistan đặt ra các mối đe dọa về an ninh ở Pakistan.

Ông này phát biểu trong một cuộc họp báo được triệu tập vội vã: “Đe dọa an ninh đã cận kề. Các thách thức an ninh đang nằm đó và trên một cấp độ cao hơn. Những điều này bắt nguồn từ tình thế bất định ở Afghanistan”.

Umar không nói rõ chi tiết về một số cường quốc toàn cầu “khinh miệt” CPEC, muốn tạo ra bất ổn ở Pakistan và phá hoại ngầm các bước phát triển.

Ngoại trưởng Pakistan Mehmood Qureshi trước đó đổ lỗi cho các cơ quan tình báo Afghanistan (khi đó còn chịu sự chi phối của Mỹ) về một cuộc tấn công khủng bố liều chết vào ngày 14/7 nhằm vào 9 kỹ sư Trung Quốc trên xe buýt đi tới công trường nhà máy điện Dasu nhận vốn từ CPEC. Người ta tin rằng TTP đứng đằng sau vụ đánh bom này.

Khi ấy phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói như sau: “Trung Quốc kiên quyết phản đối bất cứ thế lực nào sử dụng khủng bố để đạt mục tiêu địa chính trị và kêu gọi các nước trong vùng hợp tác để xóa sổ tất cả các tổ chức khủng bố và giương cao các lợi ích an ninh và phát triển chung của tất cả các nước”.

CPEC đã gặp vấn đề nội tại từ trước khi có làn sóng khủng bố mới

Nhưng các vấn đề của CPEC chắc chắn còn lớn hơn cả khủng bố. Người ta ước tính rằng Pakistan nợ 1.400 tỷ USD của các nhà sản xuất điện độc lập của Trung Quốc – những người đã xây nhà máy điện trong khuôn khổ CPEC. Islamabad muốn giãn các khoản nợ tăng cao này nhưng Bắc Kinh cho tới nay vẫn từ chối.

Trong khi đó, các nhà sản xuất điện độc lập của Trung Quốc quan ngại về các kế hoạch tăng thuế khấu trừ tại nguồn đối với các cổ tức từ 7,5% đến 25% cũng như việc giới chức Pakistan không lập được một tài khoản quay vòng để hỗ trợ việc thanh toán tự động cho các nhà sản xuất điện độc lập đó.

Giới chức Trung Quốc gần đây đã gửi tới các nhà lập pháp Pakistan các mối quan ngại về tiến độ tổng thể chậm chạp tại các dự án CPEC.

Saleem Mandviwala – một cựu bộ trưởng tài chính của Pakistan, tiết lộ vào tháng trước rằng giới chức Trung Quốc đã than phiền rằng dự án lớn đã bị “làm hư hỏng” trong 3 năm qua và nhiều công ty Trung Quốc không hài lòng với tình trạng không thanh toán các khoản nợ./.