Nhóm "Nhà nước Hồi giáo-Khorasan" (viết tắt là IS-K) - chi nhánh tại Afghanistan của tổ chức IS tại Syria và Iraq, đã nhận trách nhiệm về một vụ tấn công đẫm máu nhằm vào một nhà thờ Hồi giáo chật ních người ở Kunduz, miền bắc Afghanistan, vào hôm 8/10/2021.
Ít nhất 55 tín đồ Hồi giáo đã thiệt mạng và hơn 140 người khác bị thương trong vụ tấn công này - vụ tấn công có mức độ tử vong cao nhất trong 6 tuần kể từ khi quân Mỹ chính thức rút khỏi Afghanistan.
IS-K muốn hỗ trợ phong trào ly khai của người Duy Ngô Nhĩ?
Trong một động thái hiếm hoi, IS-K cho biết kẻ tấn công là một người tộc Duy Ngô Nhĩ - thành viên của cộng đồng Hồi giáo ở Tân Cương, vùng viễn tây Trung Quốc.
Mặc dù tuyên bố của IS-K chưa được kiểm chứng, đây là lần đầu tiên nhóm này liên kết một kẻ đánh bom với một nhóm dân tộc ở Trung Quốc.
Raffaello Pantucci - một nghiên cứu viên tại Trường Quan hệ quốc tế S. Rajaratnam của Singapore, cho hay: Nếu tuyên bố trên là đúng thì nó có thể làm sâu sắc thêm các quan ngại của Bắc Kinh về việc Afghanistan trở thành một căn cứ cho các chiến binh Duy Ngô Nhĩ tìm kiếm sự độc lập cho Tân Cương.
Pantucci nói: "Nếu IS-K có các cá nhân là người Duy Ngô Nhĩ đang chiến đấu cùng họ và sẵn lòng làm kẻ đánh bom liều chết thì Trung Quốc gặp phải một vấn đề ở đây, đó là có một tổ chức sẵn sàng tung các kẻ đánh bom liều chết đến tấn công Trung Quốc".
Nhà nghiên cứu này cho biết, Trung Quốc được xem là một nhân tố quan trọng ở Afghanistan và bằng việc công bố danh tính Duy Ngô Nhĩ của người đánh bom, IS-K có thể đang cố gắng mở rộng ảnh hưởng của mình và thu hút sự chú ý không chỉ của Trung Quốc mà còn cả thế giới".
Pantucci phân tích: "Trung Quốc không phải là nước nhỏ. Đây là một nhân tố quan trọng ở Afghanistan. Thế nên đối với các nhóm khủng bố, gửi đi một thông điệp công kích Trung Quốc là một cách giúp chúng thu hút sự chú ý".
Trung Quốc lo ngại khi Taliban trấn áp IS không hiệu quả
Kể từ khi lên nắm quyền ở Kabul, phái Taliban đã tìm cách bảo đảm với Trung Quốc rằng họ không ủng hộ Phong trào Hồi giáo Đông Turketstan (ETIM) mà Bắc Kinh coi là kẻ đứng đằng sau bạo lực và khủng bố ở Tân Cương.
Phát ngôn viên của Taliban Suhail Shaheen vào tháng 9/2021 cho biết nhiều thành viên ETIM đã rời bỏ Afghanistan bởi vì Taliban đã dứt khoát khẳng định rằng không có chỗ cho những kẻ sử dụng lãnh thổ Afghanistan để tấn công các nước khác, bao gồm các nước láng giềng, theo tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc.
Mỹ đã đưa ETIM ra khỏi danh sách các tổ chức khủng bố vào năm 2020. Còn tổ chức kế cận của ETIM - Đảng Hồi giáo Turkestan, có mối liên hệ với tổ chức khủng bố quốc tế al-Qaeda. Bắc Kinh ước tính khoảng 4.000-5.000 chiến binh Duy Ngô Nhĩ đang chiến đấu cho IS ở Syria.
Giới phân tích cho hay, cuộc tấn công hôm 8/10 có khả năng phản ánh mối quan hệ đang thay đổi giữa các nhóm phiến quân ở Afghanistan.
IS coi Taliban ở Afghanistan, Taliban ở Pakistan (TTP), và al-Qaeda (có mối quan hệ chặt chẽ với ETIM) như kẻ thù của mình.
Li Wei - một nhà phân tích về chống khủng bố tại Viện Quan hệ quốc tế đương đại Trung Quốc có trụ sở ở Bắc Kinh, cho hay một mối quan hệ gần gũi giữa ETIM và IS ở Afghanistan có thể làm gia tăng mối đe dọa đối với Trung Quốc.
Li nói: "Các công dân Trung Quốc từng bị IS bắt cóc và sát hại trước đây. Còn bây giờ, với việc IS gần gũi hơn với ETIM, mối đe dọa đối với các lợi ích quốc gia của Trung Quốc sẽ lớn hơn".
Zhang Weiwei - một chuyên gia Afghanistan học tại Đại học Lan Châu (Trung Quốc), cho rằng cuộc tấn công khủng bố vào hôm 8/10 là hồi chuông báo động cho không chỉ Trung Quốc mà còn cả thế giới.
Ông Zhang nói: "Vụ tấn công cho thấy sự gia tăng đáng kể ảnh hưởng của Nhà nước Hồi giáo lên tình hình an ninh ở Afghanistan, đặt ra một thách thức an ninh nghiêm trọng, vừa cấp bách vừa dài hạn cho Taliban... Taliban đã thất bại trong việc chế ngự các hoạt động của các nhóm khủng bố như IS và thiếu độ tin cậy trong cam kết của họ đối với việc chống khủng bố"./.