Taliban lên nắm quyền ở Afghanistan, bất ổn lập tức gia tăng ở Pakistan
Một tháng sau khi Taliban giành chính quyền ở Kabul (Afghanistan), các cuộc tấn công khủng bố ở nước Pakistan láng giềng đã tăng lên mức cao nhất trong 4 năm. Mặc dù nhiều người trong giới chính trị Pakistan ăn mừng sự trỗi dậy thành công của Taliban, coi đó là chiến thắng cho chính sách “chiều sâu chiến lược” của Pakistan đối với Ấn Độ, thì trên thực tế ở Pakistan, đang có tình trạng gia tăng tổn thất sinh mạng và bất ổn.
Người ta tin rằng cơ quan tình báo liên quân chủng (ISI) của Pakistan đóng một vai trò quyết định trong việc dẫn dắt cuộc tổng tiến công chớp nhoáng của Taliban sau khi quân đội Mỹ rút khỏi Afghanistan. Tuy nhiên, cơ quan tình báo này đã tính toán nhầm về khả năng kiểm soát của giới lãnh đạo Taliban đối với nhánh Taliban Pakistan, tức Tehreek-e-Taliban (viết tắt là TTP).
TTP hoạt động ở những khu vực dọc theo biên giới Afghanistan-Pakistan và có mối quan hệ với cả tổ chức khủng bố quốc tế al-Qaeda lẫn lực lượng Hồi giáo cực đoan Taliban Afghanistan. Mục tiêu cuối cùng của TTP là lật đổ chính quyền thế tục của Pakistan và thiết lập một Tiểu vương quốc Hồi giáo tương tự như quá trình mà Taliban Afghanistan đang tiến hành ở Kabul.
Giới thủ lĩnh của TTP cho biết nhóm này còn hướng tới việc tạo ra một caliphate Hồi giáo trong khu vực.
Vào ngày 2/10/2021, một chiến binh TTP đã giết chết 4 binh sĩ Pakistan và một cảnh sát trong một cuộc phục kích ở khu vực Sinwarm, Bắc Waziristan. TTP nhận trách nhiệm về vụ tấn công này. Đây là cuộc tấn công mới nhất trong đợt gia tăng tấn công của TTP ở Pakistan, trong đó có ít nhất một vụ đánh bom liều chết nhằm vào lực lượng an ninh, tính từ khi Taliban lên nắm quyền ở Kabul.
Lý do Taliban thờ ơ trong việc ngăn chặn khủng bố
Trong khi Taliban Afghanistan khẳng định sẽ không cho phép các nhóm khủng bố sử dụng Afghanistan làm bàn đạp tấn công các nước láng giềng, tổ chức này chưa có bước đi rõ ràng và cụ thể nào để trấn áp TTP, al-Qaeda, hay Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (ETIM) chống Trung Quốc.
Sự thờ ơ này có thể lý giải bằng thực tế là các nhóm này từng sát cánh chiến đấu với Taliban chống lại lực lượng Mỹ-NATO và đóng vai trò quan trọng trong việc đánh bại chế độ của Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani bị Taliban coi là chế độ ngụy do Mỹ dựng lên.
Trên thực tế, chính mạng lưới Haqqani - được biết đến có mối liên minh chặt chẽ với al-Qaeda, là lực lượng đầu tiên tiến vào thủ đô Afghanistan khi Kabul thất thủ.
Lý do thứ 2 và quan trọng hơn cho việc Taliban không có hành động nào chống lại các nhóm khủng bố như sau: Taliban muốn sử dụng các lực lượng đó làm công cụ mặc cả để thiết lập và quản lý quan hệ với các nước láng giềng. TTP cũng được Taliban sử dụng theo hướng đó để gây ảnh hưởng với Pakistan.
Một quan chức Pakistan giấu tên cho hay: “Quan hệ giữa Taliban Afghanistan với TTP tạo thế tiến thoái lưỡng nan cho Pakistan. Việc giới lãnh đạo Taliban từ chối trấn áp TTP, hoặc thậm chí từ chối lên án các cuộc tấn công do TTP tiến hành ở Pakistan trong vài tháng qua, cho thấy Taliban Afghanistan không thực sự có ý định loại bỏ TTP hoặc bất cứ nhóm nào khác, bao gồm al-Qaeda và ETIM”.
Quan chức Pakistan nói trên cho biết: “Pakistan do vậy ngày càng có xu hướng tin rằng Taliban Afghanistan có thể cố gắng sử dụng TTP để đối trọng với ảnh hưởng của Pakistan lên Taliban”.
Sự ủng hộ của Pakistan dành cho Taliban Afghanistan trong nỗ lực chống lại Mỹ và chế độ Ghani luôn là một canh bạc mạo hiểm. Trong khi Pakistan hy vọng có thể cắt đứt quan hệ giữa Taliban Afghanistan và TTP, các diễn biến gần đây cho thấy Taliban Afghanistan cực kỳ ít khả năng nghe theo áp lực từ bên ngoài”.
Điều này có thể thấy trong các tuyên bố chính thức của Taliban phủ nhận các báo cáo phổ biến cho rằng nhiều chiến binh TTP, bao gồm các thủ lĩnh cấp cao, đã được phóng thích khi Taliban tiến tới Kabul và chiếm được nhiều nhà tù. Sự phủ nhận đó vẫn được Taliban lặp lại trong một cuộc gặp gần đây giữa các đại diện của Taliban và Tổng giám đốc cơ quan tình báo ISI của Pakistan.
Gió đã đổi chiều?
Phát ngôn viên Taliban Zabiullah Mujahid gần đây nói với các phóng viên ở Kabul rằng có nhiều vụ “vượt ngục” sau khi Taliban lên nắm quyền, dẫn tới sự đào tẩu của hàng trăm chiến binh chống Pakistan. Mujahid nói, chế độ Taliban “không hay biết về họ”.
Sự phủ nhận trên mang tính chiến thuật. Một số phần tử cứng rắn của Taliban cay cú trước việc nhóm này quá phụ thuộc vào Pakistan. Có thông tin cho rằng các phần tử này đang tìm cách đa dạng hóa mối quan hệ với bên ngoài. Họ thấy TTP như một cơ hội quản lý quan hệ với Pakistan trên cơ sở “bình đẳng” hơn.
Các quan chức ngoại giao Pakistan đã đổ lỗi cho Mỹ về việc khởi động đàm phán trực tiếp với Taliban, khiến Pakistan bị suy giảm khả năng gây ảnh hưởng đối với Taliban dù cho Pakistan cung cấp địa bàn trú tránh cho các chiến binh Taliban và gia đình họ trong cuộc chiến với Mỹ và NATO.
Thực sự, gió đã đổi chiều khi Taliban vào đầu tháng 9/2021 đề xuất tạo điều kiện cho “đối thoại” giữa TTP và chính phủ Pakistan. Người ta tin rằng Taliban đóng vai trò trong quãng “ngừng bắn” 20 ngày giữa TTP và quân đội Pakistan, được công bố vào ngày 1/10/2021.
TTP lại gồm nhiều nhóm nhỏ hơn. Thủ tướng Pakistan Imran Khan tiết lộ rằng chính phủ của ông đang “đàm phán” với một số nhóm TTP đóng ở Afghanistan. Ông nói rằng Taliban Afghanistan đang trung gian hòa giải giữa chính quyền Pakistan và lực lượng TTP. Lệnh ngừng bắn sẽ kết thúc vào ngày 20/10 tới đây.
Pakistan hiểu rõ rằng đối thoại và đình chiến sẽ không chấm dứt được mối đe dọa này. Như một thủ lĩnh TTP nói với truyền thông quốc tế, nếu Taliban Afghanistan gây áp lực quá nhiều lên TTP, chúng có thể gia nhập tổ chức khủng bố Hồi giáo IS-K và tiếp tục thánh chiến chống cả Taliban lẫn Pakistan.
Taliban khiến cả Pakistan và Trung Quốc phải cảnh giác
Việc Taliban dung túng cho TTP thực sự gây vấn đề cho không chỉ Pakistan mà còn cả các nước láng giềng còn lại của Afghanistan.
Một bài bình luận gần đây của tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc cho biết, Trung Quốc sẽ tiếp tục theo dõi mức độ tôn trọng của Taliban Afghanistan đối với cam kết kiểm soát các nhóm thánh chiến xuyên quốc gia hiện đang hoạt động từ bên trong Afghanistan.
Taliban rất cần viện trợ của Trung Quốc để tái thiết đất nước và khắc phục nạn đói cận kề trong khi kinh tế suy sụp, lạm phát gia tăng, và các nhu yếu phẩm thì khan hiếm. Cho tới nay, Trung Quốc mới chỉ hứa hẹn cung cấp cho Taliban 31 triệu USD dưới dạng lương thực, quần áo ấm cho mùa đông, vaccine, và dược phẩm, kể từ lúc Taliban lên nắm quyền.
Trong khi đó, Nga tiếp tục coi Taliban là lực lượng “khủng bố” và từ chối tham gia lễ tuyên thệ của Taliban dù cho Nga vẫn là một trong số ít các quốc gia duy trì đại sứ quán ở Kabul.
Pakistan sẽ cần phối hợp chặt chẽ với Trung Quốc và Nga để quản lý mối đe dọa khủng bố.
Tháng 9, tình báo ISI của Pakistan đăng cai một hội nghị những người đứng đầu cơ quan tình báo của Trung Quốc, Nga, Iran, và các nước Trung Á khác để thảo luận tình hình và xây dựng một cơ chế chia sẻ thông tin tình báo khu vực nhằm theo dõi các mối đe dọa an ninh chung từ các nhóm vũ trang nói trên.
Đáng lưu ý, hội nghị trên không bao gồm một đại diện nào của Taliban Afghanistan. Đây có thể là chỉ dấu cho thấy Pakistan tìm cách cô lập Afghanistan nếu họ không kiểm soát được TTP và các nhóm khủng bố khác./.