Sau khi có thông tin Tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 10 (Haiyang Dizhi 10) của Trung Quốc được cho là đã hoạt động ở biển Bắc Natuna của Indonesia kể từ cuối tháng 8/2021, các nhà nghiên cứu Indonesia nghi ngờ con tàu đang tiến hành nghiên cứu vùng biển có trữ lượng dầu khí lớn nhất của Indonesia.
Tổ chức Sáng kiến Công lý Đại dương Indonesia mới đây cho biết, tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 10 của Trung Quốc di chuyển trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia trên Biển Đông từ ngày 31/8 đến ngày 29/9/2021.
Theo ông Iman Prakoso, nhà nghiên cứu thuộc Tổ chức Sáng kiến Công lý Đại dương Indonesia, dựa trên thiết bị nhận dạng tự động, tàu Trung Quốc di chuyển theo đường zigzag trong vùng biển xung quanh Lô dầu khí cá ngừ quan trọng của Indonesia là tín hiệu mạnh mẽ cho thấy tàu Hải Dương 10 của Trung Quốc đang tiến hành nghiên cứu hàng hải tại khu vực này. Con tàu được hộ tống bởi Tàu cảnh sát biển Trung Quốc mang số hiệu CCG-4303.
Sau khi rời khỏi Indonesia vào ngày 29/9, hôm 4/10, Tổ chức Sáng kiến Công lý Đại dương Indonesia lại phát hiện tín hiệu từ thiết bị nhận dạng tự động của tàu Hải Dương Địa chất 10 xuất hiện trong vùng đặc quyền kinh tế Indonesia. Cùng lúc, tàu tuần duyên Trung Quốc mang số hiệu CCG-6305 cũng được quan sát đã chờ sẵn ở gần khu vực Lô dầu khí Cá ngừ của Indonesia.
Nhà nghiên cứu Indonesia, ông Iman cho biết, Hải Dương Địa Chất là một tàu khảo sát được trang bị nhiều thiết bị khác nhau để lấy và kiểm tra các mẫu sinh vật sống, trầm tích và hình ảnh từ dưới biển. Ngoài ra, con tàu còn có thiết bị phát hiện sóng địa chấn để lập bản đồ các đường viền của đáy biển.
Tổ chức Sáng kiến Công lý Đại dương Indonesia kêu gọi chính phủ tìm hiểu mục đích triển khai tàu khảo sát của chính phủ Trung Quốc tại vùng đặc quyền kinh tế Indonesia.
Phản ứng của Indonesia
Việc tàu Hải Dương Địa Chất 10 triển khai trong khoảng một tháng tại khu vực biển Bắc Natuna là sự can thiệp lâu nhất của Trung Quốc đối với các quyền chủ quyền của Indonesia. Tuy nhiên, chính phủ Indonesia hiện vẫn chưa đưa ra phản ứng chính thức về hành động của Trung Quốc tại Natuna.
Theo ông I Made Andi Arsana, chuyên gia về Địa trắc học từ Đại học Gadjah Mada Indonesia, nếu tàu khảo sát Trung Quốc thực sự đang tiến hành nghiên cứu biển và khảo sát thủy văn, thì chính phủ Trung Quốc cần phải thông qua chính phủ Indonesia. Theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, việc nghiên cứu biển và khảo sát thủy văn trong vùng đặc quyền kinh tế của nước ngoài phải được thực hiện với sự cho phép của quốc gia ven biển.
Điều tương tự cũng được quy định tại Điều 7 của Luật số 5 năm 1983 liên quan đến Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia. Theo ông I Made, mặc dù là thành viên của UNCLOS, nhưng Trung Quốc không đưa các tuyên bố chủ quyền của mình ở Biển Đông dựa trên thỏa thuận quốc tế mà sử dụng yêu sách “đường chín đoạn” phi lý. Trên thực tế, yêu sách này Trung Quốc đã bị Tòa Trọng tài bác bỏ năm 2016 do không phù hợp với UNCLOS 1982. Tuy nhiên, Trung Quốc phớt lờ và tiếp tục tuyên bố chủ quyền với phần lớn diện tích Biển Đông.
Trước đó, ngày 1/10/21, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia, ông Teuku Faizasyah không nêu rõ liệu chính phủ Indonesia có phản đối hoạt động của tàu Hải Dương Địa Chất 10 tại biển Bắc Natuna hay không, tuy nhiên khẳng định chính phủ sẽ tiếp tục các nỗ lực ngoại giao để thảo luận về các vấn đề cùng quan tâm, bao gồm cả vấn đề hàng hải với Trung Quốc.
Lo ngại về các hoạt động đơn phương của Trung Quốc trong vùng biển chủ quyền của Indonesia, giữa tháng 9/2021, hải quân Indonesia đã điều động các tàu chiến và máy bay tuần tra xung quanh quần đảo Natuna sau khi có thông tin 6 tàu hải cảnh Trung Quốc đi vào Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và đe dọa ngư dân Indonesia, đồng thời cử tàu chiến KRI Bontang theo dõi hoạt động của tàu khảo sát Trung Quốc.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo mới đây cũng đã quyết định gia tăng ngân sách trị giá 12.200 tỷ Rupiah (tương đương 850 triệu USD) trong 5 năm tới cho công tác đảm bảo an ninh biển Natuna, ngăn chặn những mối đe dọa tiềm tàng đối với an ninh, chủ quyền biển. Một phần ngân sách này sẽ được sử dụng để mua một số loại vũ khí như máy bay không người lái (UAV), cải thiện cơ sở hạ tầng trên các đảo chiến lược và trang bị thiết bị cho Cơ quan An ninh Hàng hải Indonesia (Bakamla).
Tăng cường an ninh biển ở Natuna được coi là một trong những dự án ưu tiên chiến lược quốc gia của Indonesia, với kỳ vọng sẽ giúp tăng hiệu quả răn đe và thực thi chủ quyền biển, ngăn chặn hoạt động cướp biển, bạo lực và tội phạm trên biển./.