Tại cuộc gặp ngày hôm qua (27/9) ở thủ đô Jakarta của Indonesia, Chủ tịch Hội đồng Hiệp thương Nhân dân Indonesia (Chủ tịch Quốc hội Indonesia), ông Bambang Soesatyo nhấn mạnh, việc Trung Quốc không tuân thủ UNCLOS năm 1982 đã gây ra căng thẳng với Indonesia trên biển Natuna, căng thẳng với Malaysia, Philippines và Việt Nam trong vùng biển của các nước này. Điều đó đặt ra tiền lệ xấu trong tương lai, cũng như có khả năng dẫn đến leo thang căng thẳng trong bối cảnh toàn cầu đang nỗ lực chống lại đại dịch Covid-19.

Ông Bambang cho biết, không chỉ ở Đông Á và Đông Nam Á, thái độ không tôn trọng UNCLOS của Trung Quốc cũng nhận được sự quan tâm nghiêm túc của nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ. Indonesia nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực Biển Đông và sự tự do hàng hải cũng như hàng không. Indonesia kêu gọi các bên tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS.  

Theo Chủ tịch Quốc hội Indonesia, có hai yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông ảnh hưởng đến lợi ích của Indonesia, bao gồm yêu sách về  cái gọi là “đường 9 đoạn” mà thông qua đó Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với phần lớn diện tích Biển Đông và yêu sách về các đối tượng địa lý ở Biển Đông (bao gồm quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam) được hưởng vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) và thềm lục địa. Bởi phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016 đã bác bỏ các yêu sách trên của Trung Quốc.

Chủ tịch Quốc hội Indonesia cho biết, trong các cuộc họp giữa ASEAN-Trung Quốc ở Trùng Khánh trong 2 ngày 7 và 8/6/2021, hai bên đã nhất trí nối lại ngay các cuộc đàm phán về Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC). Tuy nhiên, Indonesia, Philippines, Singapore, Malaysia và Việt Nam đều nêu bật tình hình ở Biển Đông hiện nay không phản ánh tiến trình COC.

Trên cơ sở quan hệ hữu nghị và tốt đẹp giữa Trung Quốc và ASEAN, Indonesia hy vọng Trung Quốc sẽ thực hiện cam kết ưu tiên đối thoại trong giải quyết vấn đề Biển Đông và tăng cường hợp tác song phương giữa hai bên./.