Ngày 16/3,hơn 2 triệu người dân nước Cộng hòa tự trị Crimea đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý. Dư luận thế giới đang hướng về Crimea chờ đợi quyết định của người dân bán đảo này sáp nhập vào Nga với tư cách là một chủ thể hay duy trì quy chế trong thành phần Ukraine, cũng như phản ứng có thể của các bên sau cuộc trưng cầu ý dân này. 

Vẫn còn quá sớm để nói về phản ứng của các bên vì điều đó còn phụ thuộc nhiều vào kết quả cuộc trưng cầu dân ý diễn ra hôm nay (16/3). Tuy nhiên, theo khảo sát trước thềm cuộc bỏ phiếu, phần lớn người dân trên bán đảo này ủng hộ gia nhập Nga. 

bophieu.jpg
Người dân Crimea đi bỏ phiếu (Ảnh: Tiếng nói nước Nga)

Trong một cuộc phỏng vấn trước đó, Chủ tịch Quốc hội Crimea Volodymyr Konstantinov cho biết, nếu kết quả cuộc trưng cầu dân ý cho phép Crimea sáp nhập vào Liên bang Nga, chính quyền Crimea sẽ ngay lập tức gửi yêu cầu tới Nga.

Sau những nỗ lực ngoại giao để ngăn chặn cuộc bỏ phiếu tại Crimea diễn ra thất bại, chính quyền của Tổng thống Mỹ Obama cảnh báo, Mỹ và các đồng minh châu Âu sẽ không công nhận kết quả cuộc trưng cầu dân ý mà theo như nước này nhận định có thể dự đoán trước này.

Tổng thống Pháp Francois Hollande ngày 15/3 cho biết, Pháp có thể xem xét lại hợp tác quân sự với Nga nếu Nga không làm giảm căng thẳng tại Ukraine. Đề cập đến việc Pháp có quyết định dừng hợp đồng quân sự trị giá 1,2 tỷ Euro với Nga hay không, Tổng thống Hollande cho biết: “Một cuộc họp Ngoại trưởng các nước Liên minh châu Âu sẽ diễn ra vào ngày mai. Quy mô của các biện pháp trừng phạt do Hội đồng châu Âu quyết định. Đối với Pháp, các biện pháp trừng phạt có thể là cả hợp tác quân sự. Tuy nhiên, đó là mức thứ 3 của các biện pháp trừng phạt. Hiện chúng ta đang ở mức đầu tiên”.

Mỹ và châu Âu dự kiến sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt bao gồm cấm đi lại và đóng băng tài sản ngay sau khi có kết quả cuộc bỏ phiếu. Các nước châu Âu có nhiều mối quan hệ hợp tác với Nga, đặc biệt như Đức, Hà Lan đang thực sự lo lắng về các biện pháp trả đũa của Kremlin. Để chuẩn bị cho những căng thẳng có thể gia tăng trong thời gian tới, tại vòng đàm phán tiếp về Hiệp định Đối tác đầu tư và thương mại xuyên Đại Tây Dương giữa Mỹ và Liên minh châu Âu trong tuần này cũng tập trung nhiều vào việc tìm giải pháp cho châu Âu thoát khỏi sự phụ thuộc kinh tế từ Nga.

Các nước G7 bao gồm Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Mỹ và Anh tuyên bố không công nhận kết quả cuộc trưng cầu dân ý và khẳng định sẽ có hành động gây sức ép với Nga nếu nước này để Crimea sáp nhập. New Zealand ngày 16/3 cho biết sẽ không công nhận kết quả cuộc trưng cầu dân ý tại Crimea.

Trước những cảnh báo từ phía Mỹ và châu Âu, Nga hiện vẫn lên tiếng khẳng định chưa đưa ra bất cứ quyết định nào liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine cho đến khi hoàn thành cuộc trưng cầu dân ý tại Crimea. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Nga khẳng định, Nga không có kế hoạch xâm chiếm khu vực phía đông nam Ukraine, nhưng có trách nhiệm đối với người dân nói tiếng Nga tại khu vực này. Bên cạnh đó, Nga cũng tuyên bố sẽ chống lại bất cứ các biện pháp trừng phạt, điều mà không mang lại lợi ích cho bất cứ bên nào

Kết quả cuộc trưng cầu dự kiến sẽ có vào ngày 17/3. Đối với Tổng thống Mỹ Obama và các đồng minh ở châu Âu, cuộc trưng cầu dân ý này là bất hợp pháp, trong khi Tổng thống Nga Putin thì cho rằng đây là cơ hội để người dân Crimea nói lên nguyện vọng của mình. Dù kết quả cuộc trưng cầu ý dân này có như thế nào thì cuộc bỏ phiếu này có thể sẽ “ định hình lại” cuộc khủng hoảng Ukraine cũng như các mối quan hệ quốc tế./.