Dư luận thế giới đang hướng về nước Cộng hòa Tự trị Crimea với hơn 2 triệu dân tiến hành cuộc trưng cầu dân ý hôm nay. Kết quả cuộc trưng cầu dân ý lần này có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với người dân trên bán đảo này, mà nó còn ảnh hưởng đến cục diện các mối quan hệ quốc tế mà theo một số quan chức Nga có thể dẫn đến một "sự đóng băng chưa từng có" đối với những cuộc tiếp xúc chính trị, thậm chí có thể còn tồi tệ hơn thời Chiến tranh Lạnh.
Tổng thống Putin tại 1 buổi họp báo được truyền hình (ảnh: EPA) |
Các quan chức quốc phòng Mỹ và Pháp hôm qua (15/3) đã có cuộc thảo luận về tình hình Ukraine. Trong cuộc điện đàm Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Chuck Hagel và Bộ trưởng quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian nhấn mạnh đến sự đoàn kết của các nước liên minh NATO và tầm quan trọng của Pháp và Mỹ tiếp tục hợp tác trong vấn đề Ukraine trong những ngày sắp tới. Hai bên cũng thảo luận các khía cạnh của mối quan hệ hợp tác song phương với Nga.
Nhóm an ninh của Tổng thống Barack Obama hôm qua cũng có cuộc họp thảo luận về tình hình Ukraine sau khi những nỗ lực cuối cùng tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng thất bại. Cuộc họp với sự tham dự của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry John Kerry và Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Hagel.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm qua cũng nhóm họp khẩn cấp để bỏ phiếu về một dự thảo nghị quyết về cuộc trưng cầu dân ý tại Crimea. Tuy nhiên, dự thảo nghị quyết không được thông qua sau khi Nga bỏ phiếu chống và Trung Quốc bỏ phiếu trắng. Phản ứng trước những lời chỉ trích của Đại sứ Anh, Mỹ và Pháp, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vitaly Churkin cho rằng, Nga sẽ tôn trọng lựa chọn của người dân Crimea, vốn không công nhận tính hợp pháp của chính phủ lâm thời mới tại Kiev. Nga cũng chỉ trích các thành viên của Liên Hợp Quốc với cách tiếp cận không công bằng về cuộc khủng hoảng ngày càng trầm trọng tại Ukraine và dự thảo nghị quyết dường như chỉ nhằm chính trị hóa tình hình tại Crimea.
Đề xuất 3 điểm
Trong khi đó, Trung Quốc cũng cho rằng việc thông qua nghị quyết sẽ chỉ làm gia tăng sự đối đầu và phức tạp thêm tình hình. Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Lưu Kết Nhất cho biết: “Dự thảo nghị quyết đưa ra vào thời điểm này chỉ làm gia tăng đối đầu và khiến tình hình phức tạp thêm. Nó không phù hợp với lợi ích chung của cả người dân Ukraine và cộng đồng quốc tế. Dựa trên những thông tin này, Trung Quốc chỉ có thể bỏ phiếu trắng về dự thảo nghị quyết này”.
Ông Lưu Kết Nhất cũng cho biết, Trung Quốc đưa ra đề xuất về một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraine. Đề xuất 3 điểm trước hết là thành lập môt nhóm cơ chế phối hợp quốc tế bao gồm các bên liên quan để tìm kiếm một giải pháp cho cuộc khủng hoảng. Thứ 2 là tất cả các bên cần phải kiềm chế, tránh các bước đi có thể khiến tình hình leo thang căng thẳng và thứ 3 đó là các thể chế tài chính quốc tế cần bắt đầu trợ giúp duy trì ổn định của nền kinh tế Ukraine.
Trong khi quốc tế đang tiếp tục tranh cãi về tính pháp lí của cuộc trưng cầu dân ý thì người dân Crimea đã sẵn sàng cho các hoạt động bỏ phiếu của mình. Để đảm bảo tính minh bạch và dân chủ cho cuộc bỏ phiếu, nhà chức trách Crimea đã mời các quan sát viên quốc tế tới để giám sát cuộc trưng cầu dân ý . Hơn 54 quan sát viên quốc tế sẽ giám sát tại các điểm bỏ phiếu. Một số thành viên của Nghị viện châu Âu và các quan sát viên quốc tế đều đánh gia cao sự chuẩn bị của chính quyền Crimea và dự đoán số người đi bỏ phiếu sẽ rất cao.
Một thành viên của nghị viện châu Âu Bela Kovacs cho biết: “Không quan trọng là dân số của Crimea phần đông là người Nga, Tatar hay Ukraine. Điều này không phải là vấn đề. Mọi người nên có quyền thể hiện ý kiến cá nhân của mình và cuộc bỏ phiếu này là cơ hội để thể hiện quan điểm của mình”.
Theo khảo sát trước thềm cuộc trưng cầu dân ý, đa phần số người được hỏi đều nói rằng, họ muốn trở thành một bộ phận của nước Nga. Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa Tự trị Crimea Sergei Aksyonov hôm qua cho biết, nếu kết quả cuộc trưng cầu dân ý quyết định gia nhập Nga thì trong giai đoạn chuyển tiếp tại Crimea sẽ tiến hành lưu thông kép tiền tệ của Nga và Ukraine./.