Hàng chục nghìn người tập trung trên quảng trường lớn ở Thủ đô Moskva trong cuộc mít tinh ủng hộ cuộc trưng cầu ý dân ở Crưm (Ảnh ITAR-TASS) |
Với cuộc “trưng cầu ý dân” mang tính quyết định đối với vận mệnh của cả một cộng đồng hàng triệu người không phải là vấn đề đơn giản, nhất là nó lại diễn ra sau một loạt biến cố lớn ở một quốc gia vốn có nhiều gắn bó với nước Nga là Ukraine này. Chính bởi thế, cùng một sự kiện này và quyền quyết định rõ ràng là của “những người trong cuộc” - nhân dân Crimea, nhưng những ngày qua dư luận quốc tế đã hết sức quan tâm, và thậm chí có những hoạt động mang tính can dự rất rõ ràng.
Trong khi Mỹ và các nước phương Tây vẫn tìm mọi cách để ngăn cản hoạt động này với quan điểm cho rằng đây là hoạt động bất hợp pháp... thì Nga và rất nhiều người trong chính lực lượng quan sát viên quốc tế đã khẳng định đây là hoạt động hoàn toàn đúng với luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ.
Ngày 15/3, Hội đồng Bảo an LHQ đã họp khẩn và bỏ phiếu thông qua Dự thảo Nghị quyết khẳng định cuộc Trưng cầu ý dân về thể chế của Crimea “không thể coi là hợp pháp” bởi nó không được chính quyền Kiev phê chuẩn và kêu gọi các nước và các tổ chức quốc tế không công nhận kết quả bỏ phiếu. Nghị quyết này đã ngay lập tức nhận được từ phía Nga một phiếu phủ quyết. Về phần mình, Bộ Ngoại giao Ukraine cũng tuyên bố rằng, sử dụng quyền phủ quyết, Nga đã “tự cô lập mình không chỉ ở LHQ mà còn trên toàn thế giới”.
Bất chấp tất cả những phản đối đó, cuộc trưng cầu ý dân vẫn sẽ được tiến hành và những người dân ở Crimea đang nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ phía Nga. Cùng với những đoàn xe ô tô chở đồ cứu trợ sang Crimea, ngày hôm qua, một ngày nghỉ cuối tuần, Thủ đô Moscow cùng rất nhiều thành phố lớn, nhỏ của LB Nga như Trebocsarakh, Tula, Tambov, Xamara... đã tổ chức các cuộc mít tinh, tuần hành bày tỏ thái độ ủng hộ cuộc trưng cầu ý dân, ủng hộ những người nói tiếng Nga ở Ukraine nói chung, ở Crimea nói riêng. Có những nơi đã thu hút được hàng chục nghìn người tham gia và tổng con số mà Bộ Nội vụ Nga đưa ra là 45.000 người. Họ thuộc các tầng lớp xã hội khác nhau như cựu chiến binh, các nhà hoạt động xã hội, các tổ chức xã hội...
Một người tham gia biểu tình nói: “Chúng tôi không thờ ơ với những gì xảy ra ở Crimea, ở Ukraine, ở Kiev. Tất cả là người Nga, những người anh em, chị em của chúng tôi. Và chúng tôi sẽ đứng về cùng phía với họ, sẽ giúp đỡ họ với tất cả tấm lòng”.
Cùng ngày, trả lời phỏng vấn hãng tin RIA Novosti của Nga, ông Johan Beckeman, thanh sát viên của tổ chức Hòa bình không biên giới đã tuyên bố rằng cuộc trưng cầu ý dân diễn ra vào ngày 16/3 ở Crimea là hoàn toàn hợp pháp./.