Sau một tuần có hiệu lực, lệnh ngừng bắn tại Syria được các nhà quan sát đánh giá là nhìn chung vẫn được các bên tôn trọng.

dam_phan_syria_onmd.jpg
Ông Mistura. Ảnh: Reuters.

Điều này mở ra cơ hội chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài 5 năm qua tại quốc gia Trung Đông này.

Liên Hợp Quốc hôm qua (5/3) thông báo các cuộc đàm phán hòa bình sẽ vẫn diễn ra theo đúng kế hoạch, song sẽ bắt đầu muộn hơn 1 ngày, tức là tới ngày 10/3 để tập hợp đủ các phái đoàn.

Theo Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Syria Staffan de Mistura, chương trình nghị sự của tiến trình đàm phán là rõ ràng: đầu tiên là các cuộc thảo luận về thành lập Chính phủ mới, sau đó là Hiến pháp mới, cuối cùng là các cuộc bầu cử Quốc hội và Tổng thống trong thời hạn 18 tháng. Tuy nhiên, vòng đàm phán này cũng được dự báo là khó khăn khi khúc mắc lớn nhất giữa các bên lúc này vẫn là số phận của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, dù tất cả đều tuyên bố chỉ có người dân Syria mới có quyền quyết định tương lai nhà lãnh đạo của mình và đây cũng chính là nguyên nhân dẫn tới thất bại của vòng đàm phán trước đó hồi năm 2014.

Vòng đàm phán lần này được xem là sự tiếp nối của các cuộc đàm phán hồi tháng 2 vừa qua tại Geneva (Thụy Sĩ). Những cuộc thảo luận này đã phải rút ngắn lộ trình do tình trạng căng thẳng leo thang trên thực địa. Song sau đó, Nga và Mỹ, hai quốc gia có ảnh hưởng trong tiến trình chính trị tại Syria, với sự ủng hộ của Liên Hợp Quốc đã đạt được một thỏa thuận ngừng bắn và được tất cả các bên tại Syria chấp nhận.

Lại như hồi tháng 2?

Liệu kịch bản cũ có lặp lại khi cũng giống như hồi tháng 2, vài ngày trước khi bắt đầu các cuộc đàm phán, Ủy ban đàm phán cấp cao, tập hợp các phe nhóm đối lập chính tại Syria một lần nữa cho rằng, hiện vẫn chưa đủ những điều kiện thuận lợi cho việc nối lại đàm phán, như trao trả tù nhân hay tiếp cận nhân đạo, dù các nhà quan sát quốc tế đều khẳng định nhìn chung lệnh ngừng bắn vẫn được tôn trọng sau một tuần có hiệu lực.

Chính phủ Saudi Arabia, một trong những  quốc gia chính ủng hộ phe đối lập ở Syria cũng cho biết, phe đối lập không thể tới bàn đàm phán “với bàn tay trắng”. Song một điểm khác biệt là lần này cả Nga và Mỹ dường như đều có chung quyết tâm sẽ không để những nỗ lực của mình “đổ sông đổ bể” khi cuộc khủng hoảng tại Syria đã kéo dài quá lâu và dẫn tới quá nhiều hệ lụy.

Ông Tarek al-Abed, một chuyên gia phân tích chính trị khu vực cho biết: “Thỏa thuận ngừng bắn đạt được mới đây có thể nói là đầu tiên giữa  Nga và Mỹ, không có sự tham gia của các lực lượng Arab hay quốc tế nào khác. Điều này là tích cực bởi có thể nói đây là thỏa thuận duy nhất giữa hai cường quốc có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong vấn đề này.”

Hôm qua, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken cũng tuyên bố, cả Nga và Mỹ đều quyết tâm bảo vệ lệnh ngừng bắn đạt được: “Cùng với Nga và các đối tác khác, chúng tôi đã thiết lập một cơ chế nhằm xử lý bất kỳ hành vi vi phạm lệnh ngừng bắn nào. Và cơ chế này đang hoạt động. Chúng tôi sẽ buộc những ai vi phạm lệnh ngừng bắn phải chịu trách nhiệm.”

Dù vẫn còn nhiều hoài nghi, song những dấu hiệu tích cực thời gian vừa qua vẫn được xem là cơ hội hiếm hoi đầu tiên sau 5 năm xung đột để các bên có thời gian đánh giá lại tình hình và hy vọng về một giải pháp lâu dài cho cuộc khủng hoảng. Đây không chỉ là cơ hội mà còn là phép thử đánh giá sự thiện chí của các bên tham chiến tại quốc gia Trung Đông này, dù đối với một chiến trường đầy phức tạp với sự can dự của nhiều bên với những toan tính khác nhau, thì việc tìm kiếm một giải pháp lâu dài cho cuộc khủng hoảng là không hề đơn giản./.