Nội chiến Syria bắt đầu vào năm 2011 đã khiến chế độ của Tổng thống Assadnhiều phen chao đảo. Mặc dù vậy đến năm 2013 chính quyền này vẫn trụ vững với sự bền bỉ đặc biệt.

khong_quan_nga_tan_cong_o_syria_bihw.jpg
Chiến đấu cơ Nga phóng tên lửa. Ảnh: Sputnik.

Nhưng đến tháng 6/2014, khối u Hồi giáo cực đoan âm ỉ trong thời gian dài bắt đầu bùng phát dữ dội và lan nhanh ở cả Iraq và Syria.

Phương Tây choáng về quy mô IS và những màn hành quyết man rợ để hăm dọa dân địa phương và cộng động quốc tế. Còn quân đội Assad thì phải đương đầu với một đối thủ cực đoan rắn rỏi và khó trị hơn trước rất nhiều. Cùng với Iraq, tình hình Syria bắt đầu nguy ngập từ đây. Đến giữa năm 2015, IS đã chiếm được phân nửa lãnh thổ Syria.

Mỹ đã can thiệp vào Syria ngay từ tháng 9/2014 bằng các cuộc không kích. Việc can thiệp này kéo dài sang hết năm 2015, với mức độ tốn kém cao, nhưng cũng chỉ làm thuyên giảm cơn sốt IS.

“Lẩu” chiến tranh

Năm 2015 tiếp tục chứng kiến “bữa lẩu chiến tranh tại Syria” khi có quá nhiều phe phái tại đây, cả lực lượng bản địa lẫn lực lượng nước ngoài, đánh giết lẫn nhau và theo đuổi những mục đích đa dạng.

Ban đầu là một cuộc nội chiến, nay chiến tranh Syria đã mang tính quốc tế cao, thể hiện không chỉ ở các lực lượng quốc tế mà còn cả các “ông lớn” đứng đằng sau sân khấu và nhiệt tình “giật dây”.

Các bên quốc tế có lợi ích trong cuộc chiến này là Nga, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh, Pháp, khối Vùng Vịnh, Iran, nhóm Hezbollah, Lebanon, Iraq.... Một số nhân tố như Hezbollah và Iran được cho là đã đưa bộ binh và cố vấn trực tiếp vào chiến đấu trên đất Syria. Các nhân tố quốc tế khác chủ yếu cung cấp viện trợ hoặc sử dụng không quân để tham chiến.

Lực lượng địa phương thì gồm có quân đội Syria, dân quân người Kurd, phe đối lập ôn hòa, phe Hồi giáo cực đoan Mặt trận Nusra, phe Hồi giáo cực đoan IS.

Phe đối lập Syria cũng là một tập hợp rất rộng, đa dạng, trong đó nhóm Quân đội Syria Tự do chỉ là một đại diện. Có lực lượng chống chính phủ gay gắt, có lực lượng sau một thời gian tìm giải pháp điều đình với chính phủ Syria.

Phe đối lập Syria vừa chiến đấu chống chính phủ vừa chiến đấu chống IS. Lực lượng IS thì chống lại gần như tất cả, mưu toan thống trị toàn Syria dưới ngọn cờ đen của mình.

Mỹ chống lưng cho một số nhóm đối lập, cung cấp hỗ trợ cho họ, nhưng hiệu quả gần như bằng không – nhiều người trong số đó sức chiến đấu kém, đã vậy còn không nghe theo Mỹ, thậm chí vác vũ khí Mỹ chạy sang hàng ngũ khủng bố cực đoan.

Nga bất ngờ can thiệp

Cuối tháng 9 đầu tháng 10/2015, Nga bất ngờ can thiệp quân sự vào tình hình Syria, oanh kích các mục tiêu IS. Sự việc là điều bất ngờ đối với thế giới nói chung và phương Tây - nhất là Mỹ, nói riêng.

Hành động của Nga đã cứu nguy cho chế độ của Tổng thống Assad, giúp quân đội Syria chặn đà tiến của IS (và cả một số lực lượng đối lập khác), lấy lại dần lãnh thổ.

Sau 3 tháng, hiệu quả và tác động từ chiến dịch không kích đều đặn và chính xác của không quân Nga ở Syria đã chứng tỏ rõ ý nghĩa bước ngoặt của hành động can thiệp này. Tuy có không ít sự phản đối, nhìn chung Nga nhận được sự đồng tình của công luận thế giới, kể cả trong nội bộ phương Tây.

Nga đã áp dụng một loạt biện pháp đồng bộ cả về quân sự và ngoại giao để chiếm thế thượng phong tại địa bàn Syria – đồng minh hiếm hoi và trung thành của Nga ở Trung Đông.

Tuy thời gian chưa nhiều, vũ khí huy động không lắm nhưng các cuộc không kích IS do Nga tiến hành tỏ ra hiệu quả hơn chiến dịch của Mỹ và liên quân quốc tế do Mỹ đứng đầu

Các đợt không kích rầm rộ và quyết đoán của không quân Nga và hải quân Nga- sử dụng không ít trang thiết bị quân sự tối tân, đã gây dựng một hình ảnh tích cực, mạnh mẽ về Tổng thống Putin và nước Nga, tạo cảm giác Nga chứ không phải Mỹ đang ở tuyến đầu chống IS.

Chiến dịch Nga còn tác động đến các “kỳ thủ khác” trong ván cờ Syria, buộc họ phải thực hiện những dịch chuyển chiến thuật và chiến lược.

Sau vụ thảm sát ở Paris vào ngày 13/11, Pháp chủ động nhiệt tình hợp tác với Nga trong cuộc chiến chống IS. Pháp cùng Nga hối thúc cộng đồng thế giới thành lập một liên minh thống nhất, rộng rãi chống IS. Bản thân Pháp tích cực tiến hành không kích các mục tiêu IS ở Syria.

Ngoài Pháp, nhiều quốc gia khác (trong đó có Anh) sau đó đã tuyên bố tham gia vào chiến dịch tiễu trừ IS ở Syria.

Mỹ điều chỉnh chính sách

Cuộc can dự của Nga từ cuối tháng 9/2015 và vụ thảm sát 13/11 ở Paris đã tác động lên chính quyền Mỹ, khiến Tổng thống Obama phải điều chỉnh chính sách đối với vấn đề Syria.

Trước đó, ông Obama không chủ trương đưa lục quân vào Syria nhưng nay trước thế chủ động của người Nga, ông buộc phải đưa một bộ phận đặc nhiệm (quy mô nhỏ) vào Syria, vừa để hỗ trợ người Kurd chống IS vừa trực tiếp chiến đấu. Động thái này có thể còn là để bảo vệ ảnh hưởng của Mỹ ở Syria trước thế tung hoành của người Nga.

Một điểm đáng lưu ý là vào tháng 12/2015, Tổng thống Obama đã nêu ra một nét mới trong biện pháp chống IS của Mỹ, đó là Mỹ sẽ phối hợp với cộng đồng quốc tế để xây dựng lộ trình ngừng bắn và tìm kiếm giải pháp chính trị cho vấn đề Syria, ngõ hầu dọn đường cho việc tiêu diệt IS.

Quan điểm Mỹ cũng tác động đến những nhóm đối lập ôn hòa. Mỹ, phương Tây và các nhóm đối lập thân phương Tây vào những tháng cuối năm 2015 đã điều chỉnh quan điểm đối với chính quyền Syria, chấp nhận nhượng bộ, không khăng khăng đòi hỏi Tổng thống Assad phải ra đi ngay – ông vẫn có thể tại vị trong quá trình chuyển tiếp.

Dưới sức ép của Mỹ, khối Arab đã thành lập một liên minh quốc tế chống IS, do Saudi Arabia đứng đầu. Liên minh này sẽ gia tăng thêm sức ép lên tổ chức khủng bố IS. Tuy nhiên, liên minh vẫn còn một số hạn chế như không có Iran (đối thủ của Saudi Arabia) cũng như Iraq và Syria – 2 nước ở tuyến đầu chống IS.

Thổ Nhĩ Kỳ - nhân tố khó dự đoán

Từ năm 2014, Thổ Nhĩ Kỳ - cường quốc khu vực, đã có thái độ không rõ ràng đối với IS. Sang năm 2015, Thổ tiếp tục duy trì quan điểm đối ngoại này. Mặc dù đã tham gia liên minh chống IS do Mỹ đứng đầu, Thổ vẫn giữ thái độ cầm chừng, chủ yếu là tấn công các mục tiêu người Kurd ở Syria hơn là chống IS.

Vụ không quân Thổ bất ngờ bắn rơi chiến đấu cơ Su-24 của Nga vào ngày 24/11/2015 là một sự kiện rúng động dư luận toàn cầu. Vụ việc đã khẳng định thêm một lần nữa chính sách ngoại giao và những toan tính của Thổ Nhĩ Kỳ trong vấn đề Syria và IS, đồng thời tạo thêm trở ngại cho cuộc chiến chống IS đang bước vào giai đoạn quyết liệt.

Nhưng Nga đã mưu trí “lấy nhu trị cương”, tranh thủ vụ bắn hạ này để triển khai thêm vũ khí và lực lượng quân sự vào Syria, siết chặt thế bao vây đối với IS và ngăn ngừa các âm mưu “đâm sau lưng”./.