Trong thông cáo phát ra tối ngày 16/05, Phủ Tổng thống Pháp cho biết Pháp ủng hộ hoàn toàn ý định gia nhập khối quân sự NATO của Phần Lan và Thuỵ Điển, đồng thời đã sẵn sàng để trợ giúp hai quốc gia này thông qua các tham vấn chính trị và hợp tác quân sự cấp cao. Pháp nhận định việc hai nước Bắc Âu gia nhập NATO sẽ gia tăng đảm bảo an ninh cho châu Âu.
Với tư cách là nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên 6 tháng đầu năm 2022 của Hội đồng châu Âu, Pháp cũng khẳng định sẽ sát cánh cùng Phần Lan, Thuỵ Điển và bảo vệ 2 quốc gia này trước bất kỳ mối đe doạ hay tấn công nào.
Tuyên bố trên của Phủ Tổng thống Pháp được đưa ra khi trong ngày 16/05, cả Phần Lan và Thuỵ Điển đều đã chính thức công bố việc muốn trở thành thành viên đầy đủ của NATO, đồng thời tiến hành các thảo luận tại Quốc hội mỗi nước nhằm sớm hoàn tất đơn xin gia nhập Liên minh quân sự.
Trước Pháp, trong tuần trước, Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng đích thân đến thăm Phần Lan, Thuỵ Điển và ký Hiệp ước tương trợ an ninh, cam kết bảo vệ hai quốc gia này trong trường hợp bị tấn công. Trong ngày 16/05, các quốc gia khác tại Bắc Âu như Đan Mạch, Na Uy, Iceland cũng ra tuyên bố sẵn sàng trợ giúp Phần Lan và Thuỵ Điển trong bất kỳ tình huống nào. Thủ tướng Na Uy, Jonas Gahr Stoere tuyên bố.
“Chúng tôi đã thông báo cho Phần Lan và Thuỵ Điển rằng Na Uy, Đan Mạch và Iceland đã trao đổi với nhau trong những tuần qua và nhất trí ủng hộ Phần Lan, Thuỵ Điển trong kỷ nguyên mới đang bắt đầu. Là các thành viên NATO, chúng tôi sẵn sàng trợ giúp các láng giềng Bắc Âu của mình bằng bất cứ phương tiện nào nếu họ là nạn nhân của một cuộc tấn công vào lãnh thổ của mình trước khi trở thành thành viên NATO”.
Việc Phần Lan và Thuỵ Điển từ bỏ chính sách trung lập đã duy trì hàng thế kỷ của mình để xin gia nhập NATO đang tạo ra các biến động to lớn đối với cấu trúc an ninh tại châu Âu. Nhiều nước châu Âu lo ngại sự kiện này có thể khiêu khích phía Nga và có thể khiến Nga đáp trả bằng các biện pháp chính trị-quân sự quyết liệt.
Tuy nhiên, trong ngày 16/05, Tổng thống Nga, Vladimir Putin cũng ra tuyên bố cho biết Nga không coi Phần Lan, Thuỵ Điển là mối đe doạ nhưng nếu các nước này cho lắp đặt các thiết bị quân sự của NATO gần biên giới Nga thì Nga sẽ đáp trả mạnh mẽ.
Giới quan sát tại châu Âu cho rằng Nga sẽ không phản ứng quá quyết liệt với Phần Lan, Thuỵ Điển giống như cách mà Nga xử lý vấn đề Ukraine. Đại sứ Phần Lan tại Đức, Anne Sipilainen ngày 16/05 cũng nhận định rằng các phản ứng của Nga đến thời điểm này là “nhẹ nhàng một cách đáng ngạc nhiên”.
Hiện tại, trở ngại lớn nhất đối với việc xin gia nhập NATO của Phần Lan, Thuỵ Điển là sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ. Bất chấp việc Tổng thư ký NATO, Jens Stoltenberg ngày 15/05 khẳng định rằng Thổ Nhĩ Kỳ không có ý định ngăn cản Phần Lan, Thuỵ Điển, trong ngày 16/05, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Tayip Erdogan tiếp tục tuyên bố không ủng hộ NATO kết nạp Phần Lan, Thuỵ Điển, đồng thời cho rằng các nhà ngoại giao hai nước này không nên phí công đến thuyết phục ông.
Lý do mà Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra là Phần Lan, Thuỵ Điển chứa chấp những tổ chức và cá nhân mà chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng là lực lượng khủng bố, chống đối chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ./.