Phép thử với Tổng thống Biden

Hiện nay, một điều không khó để nhận ra là những kẻ thù của Mỹ đang muốn thử thách nhà lãnh đạo nước này, từ việc Nga tăng cường lực lượng ở biên giới với Ukraine, các động thái của Trung Quốc ở Đài Loan hay những cuộc thử tên lửa của Triều Tiên nhằm thu hút sự chú ý của Tổng thống Biden.

Những hy vọng của ông Biden nhằm nối lại thỏa thuận hạt nhân với Iran sẽ khó càng thêm khó nếu những người theo quan điểm cứng rắn của Tehran phụ trách đàm phán. Bên cạnh đó, nếu Israel bị cáo buộc tiến hành một cuộc tấn công nhằm vào Iran, Tổng thống Biden có thể sẽ đối mặt một cuộc khủng hoảng với Thủ tướng Benjamin Netanyahu trong việc phân xử tình hình. Khả năng giải quyết những thách thức trên sẽ định hình di sản của ông Biden.

Trung Quốc đang tăng cường trỗi dậy trong 1 năm qua và hiện sẵn sàng khẳng định quyền lực quân sự tại châu Á, cũng như tầm ảnh hưởng tại nhiều khu vực trên thế giới. Trong khi đó, những căng thẳng và chia rẽ của phương Tây cũng có nhiều vấn đề liên quan đến Nga.

Chính quyền Tổng thống Biden hiểu những kẻ thù của mình đang thăm dò một Nhà Trắng mới. Những bất đồng gay gắt giữa các quan chức Mỹ và Trung Quốc ở Alaska hồi tháng trước đã gửi một thông điệp rõ ràng từ Washington tới Bắc Kinh rằng Tổng thống Biden sẽ không dễ bị thuyết phục.

Kể từ đó, các lực lượng tác chiến tàu sân bay của Mỹ và Trung Quốc đã tăng cường hiện diện ở Biển Đông. Ngoài ra, Trung Quốc còn điều 25 chiến đấu cơ tới vùng phòng không ở Đài Loan như một thông điệp yêu cầu Washington không can thiệp vào công viêc nội bộ của nước này.

Đài Loan được coi là vấn đề có nguy cơ châm ngòi xung đột Mỹ - Trung cao nhất. Sau khi Washington điều tài USS John McCain tới Eo biển Đài Loan tuần trước, Trung Quốc cảnh bảo Mỹ không nên "đùa với lửa".

Cùng với các đồng minh phương Tây, chính quyền của Tổng thống Biden cũng gây sức ép lên Nga về vấn đề Ukraine do lo ngại những căng thẳng hiện nay ở miền đông Ukraine có thể dẫn tới một cuộc xung đột toàn diện tại khu vực nhạy cảm này.

Một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ nhận định với CNN hồi tuần trước rằng, Lầu Năm Góc đang cân nhắc điều 2 tàu tới Biển Đen để thể hiện sự ủng hộ với Ukraine, một động thái có thể khiến căng thẳng ngày càng leo thang.

Lập trường cứng rắn

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, người đã trực tiếp trao đổi với các quan chức Trung Quốc ở Alaska không ngần ngại đưa ra những cảnh báo cứng rắn với Nga và Trung Quốc.

"Đây sẽ là một sai lầm nghiêm trọng nếu bất kỳ ai cố gắng thay đổi hiện trạng bằng vũ lực", ông Blinken nhận định trên NBC hôm 11/4.

Tại châu Âu, hôm 13/4, trong cuộc họp của NATO nhằm thông báo về việc Mỹ tăng cường hiện diện quân sự tại Đức, Ngoại trưởng Blinken đã gặp Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleb, đồng thời nhận định rằng nếu Nga tiếp tục làm leo thang căng thẳng, như Tổng thống Biden đã khẳng định rõ, nước này sẽ phải trả giá và gánh chịu hậu quả".

Những tuyên bố cứng rắn này được đưa ra nhằm phản bác lại nhận định ở cả Nga và Trung Quốc rằng việc nước Mỹ suy yếu và đi xuống là điều không thể tránh khỏi sau 2 thập kỷ chiến tranh, khủng hoang tài chính, bất hòa chính trị nội bộ và khả năng đối phó với đại dịch hạn chế.

Những nhận định của Ngoại trưởng Mỹ Blinken cũng cần được xem xét khi so sánh với hướng tiếp cận về chính sách đối ngoại của cựu Tổng thống Trump, người không có lập trường quá cứng rắn với Nga.

Lập trường của Nhà Trắng hiện nay với cả Nga và Trung Quốc là hợp tác khi có thể nhưng mối quan hệ đối đầu vẫn chiếm ưu thế, đặc biệt là cuộc cạnh tranh kinh tế gay gắt với Bắc Kinh.

Như CNN đưa tin, đặc phái viên về khí hậu của Tổng thống Biden, cựu Ngoại trưởng John Kerry sẽ có một chuyến thăm ngắn đến Bắc Kinh để tìm kiếm những điểm chung giữa 2 nước trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu tại Scotland vào tháng 11. Trong một động thái bất ngờ, Tổng thống Biden hôm 13/4 đã đề nghị một cuộc gặp trực tiếp ở nước thứ 3 trong tháng tới với Tổng thống Nga Putin, chỉ vài tuần sau khi nhà lãnh đạo Mỹ tán thành với nhận định gọi nhà lãnh đạo Nga là "kẻ giết người".

Động thái này được cho là giống như một "củ cà rốt" mà ông Biden trao cho ông Putin nhằm tránh bất kỳ sự leo thang căng thẳng nào ở Ukraine hoặc liên quan đến vụ đầu độc nhân vật đối lập Alexei Navalny.

Quyết định rút quân khỏi Afghanistan

Quyết định của Tổng thống Biden về Afghanistan dường như là một chính sách đối ngoại được đưa ra sau những tính toán về các chính sách đối nội.

Những thành viên đảng Cộng hòa có quan điểm cứng rắn cho rằng, quyết định này của nhà lãnh đạo Mỹ là một bước đi nguy hiểm. Khoảng trống quyền lực sau nhiều năm nội chiến ở Afghanistan sẽ khiến Taliban tăng cường hoạt động và biến đất nước này thành một thiên đường khủng bố để al Qaeda lên kịch bản tấn công New York và Washington.

"Việc rút quân vội vàng khỏi Afghanistan là một sai lầm tai hại bởi quá trình này diễn ra khi mà kẻ thù vẫn chưa biến mất và là dấu hiệu cho thấy Mỹ đang từ bỏ vị thế lãnh đạo của mình", Lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Mitch McConnell đánh giá.

Dù vậy, không phải tất cả thành viên đảng Cộng hòa đều chỉ trích việc rút quân khỏi Afghanistan. Nghị sĩ Ted Cruz, người luôn phản đối hầu hết chính sách của ông Biden là một vì dụ. Ông Ted Cruz cho biết ông không phản đối thời hạn rút quân Mỹ khỏi Afghanistan mà ông Biden đưa ra.

"Đưa quân đội của chúng ta trở về không nên bị coi là một dấu hiệu cho thấy Mỹ lơ là sự thận trọng trong việc bảo vệ người dân Mỹ và các đồng minh của chúng ta. Chúng tôi vẫn có thể bảo vệ các lợi ích mà không cần thiết phải duy trì sự hiện diện quân sự lâu dài tại đây".

Nếu ông Biden quyết tâm thực hiện kế hoạch của mình, ông có thể đạt được những điều mà cựu Tổng thống Obama và Trump đã cố gắng nhưng đều thất bại, đó là chấm dứt sự can thiệp của Mỹ trong những cuộc chiến bất tận hậu sự kiện 11/9 ở nước ngoài./.