Văn phòng Tổng thống Biden đầu tháng này tập trung chủ yếu vào các chính sách đối nội giữa bối cảnh nước Mỹ đang trong quá trình hồi phục sau đại dịch Covid-19. Ông Biden đã dành hầu hết thời gian vào việc thông qua gói cứu trợ ứng phó với Covid-19 trị giá 1.900 tỷ USD và bắt đầu quá trình đề xuất một dự luật ngân sách xây dựng cơ sở hạ tầng với số tiền thậm chí còn lớn hơn.
Tuy nhiên, bên ngoài nước Mỹ, những biến động vẫn không ngừng diễn ra, ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến Washington. Dưới đây là 5 thách thức lớn nhất về chính sách đối ngoại mà chính quyền Tổng thống Biden đang phải đối mặt.
Đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc
Trung Quốc là mối đe dọa thách thức vị trí chi phối thế giới của Mỹ. Nền kinh tế Trung Quốc có thể sẽ vượt Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào cuối thập kỷ này.
Bắc Kinh cũng đang mở rộng ảnh hưởng qua thương mại và các khoản đầu tư vào các quốc gia khác. Bên cạnh đó, nước này tập trung cả vào việc tăng cường sức mạnh quân sự.
Tổng thống Biden coi cuộc cạnh tranh với Trung Quốc là một trong những ưu tiên quan trọng nhất. Derek Grossman - một nhà phân tích quốc phòng cấp cao tại Rand Corporation đã chỉ ra một số điểm căng thẳng, gồm vấn đề Đài Loan, vấn đề Biển Đông, những tranh cãi về sở hữu trí tuệ, an ninh mạng, có thể dẫn đến kết luận rằng "thật không may, quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc có lẽ đang ở điểm thấp nhất kể từ khi 2 bên bắt đầu thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1979".
Theo chuyên gia này, ông Biden sẽ có một cuộc chơi dài với Trung Quốc qua việc tập hợp liên minh với hy vọng kiềm chế tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh.
Chính quyền cựu Tổng thống Trump cũng từng áp dụng lập trường cứng rắn với Trung Quốc, song chủ yếu tập trung vào những tuyên bố và tiến hành cuộc chiến tranh thương mại.
Quay lại thỏa thuận hạt nhân Iran
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump năm 2018 đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. Tehran đã phá vỡ một số điều khoản trong thỏa thuận vào năm tiếp theo và cho tới nay, động thái này chưa có dấu hiệu dừng lại. Thỏa thuận ban đầu, được ký kết năm 2015 bao gồm Iran, Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Đức.
Hiện nay, sự thiếu tin tưởng là không khí bao trùm các bên ký kết thỏa thuận này. Chính quyền Tổng thống Biden hy vọng rằng mọi thứ có thể quay lại đúng hướng. Hôm 8/4. Bộ Ngoại giao cho biết Mỹ đã "chuẩn bị tiến hành các biện pháp cần thiết" để khôi phục thỏa thuận, bao gồm dỡ bỏ các lệnh trừng phạt không còn phù hợp.
Trita Parsi, một chuyên gia về Iran, đồng thời là phó chủ tịch của Viện Nghệ thuật lãnh đạo Quincy nhận định, cả Mỹ và Iran đều yêu cầu sự xác minh để đảm bảo đối phương sẽ tuân thủ các cam kết.
“Mặc dù lý do về những sự hoài nghi của Mỹ với Iran đã được biết rõ, nhưng nhìn chung, về phía Iran, nước này đã mất niềm tin vào Mỹ, không chỉ bởi những điều cựu Tổng thống Trump đã làm mà còn bởi họ không tin tưởng Mỹ có khả năng đáp ứng đầy đủ các cam kết của mình", chuyên gia Parsi cho hay.
Tìm kiếm những tiến triển giữa Israel và Palestine
Chính quyền Tổng thống Biden đã thông báo hồi tuần trước rằng Mỹ sẽ nối lại viện trợ cho Palestine, vốn bị đóng băng dưới thời cựu Tổng thống Trump. Quyết định này giúp Palestine có thể nhận được khoảng 235 triệu USD.
Tuy nhiên, Israel và một số quan chức Mỹ đã chỉ trích động thái này. Phần lớn khoản cứu trợ sẽ được phân phối qua Quỹ Hỗ trợ nhân đạo của Liên Hợp Quốc (UNWRA). Israel cáo buộc rằng, UNRWA dung túng cho các chương trình chống Israel, đồng thời dẫn ra các minh chứng về những cuốn sách giáo khoa mà cơ quan này cung cấp cho các trường học.
Trong khi đó, một số nghị sĩ đảng Cộng hòa trong Quốc hội cho rằng, chính quyền Tổng thống Biden nên sử dụng đề nghị khôi phục nguồn hỗ trợ như một quân bài mặc cả với các nhà chức trách Palestine.
Chính quyền cựu Tổng thống Trump đã thúc đẩy mạnh mẽ lập trường ủng hộ Israel, bao gồm cả kế hoạch hòa bình mà con rể của ông kiêm cố vấn cấp cao Nhà Trắng Jared Kushner thực hiện.
Chính quyền Tổng thống Biden có lẽ sẽ áp dụng một lập trường mềm mỏng hơn nhưng sẽ không có sự thay đổi đáng kể. Đáng chú ý, chính quyền Mỹ mới cho biết họ sẽ không đảo ngược quyết định của Tổng thống Trump về việc rời Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv tới Jerusalem.
Nói một cách rộng hơn, giải pháp bền vững cho những căng thẳng kéo dài giữa Israel và Palestine không thể đạt được trong ngày một ngày hai. Đã gần 3 thập kỷ kể từ khi cựu Tổng thống Clinton chứng kiến Thủ tướng Israel Yitzhak Rabin và Lãnh đạo Tổ chức Giải phóng Palestine Yasser Arafat bắt tay nhau và ký thỏa thuận hòa bình Oslo tại Nhà Trắng.
Sự lạc quan về mối quan hệ giữa Palestine và Israel trong những ngày này đã biến mất và không có dấu hiệu thuyết phục nào cho thấy bầu không khí sẽ quay lại như trước.
Trả lời câu hỏi về mối quan hệ với Nga
Các chuyên gia Mỹ về chính sách đối ngoại có quan điểm khác nhau trong việc đánh giá về mức độ nghiêm trọng của mối đe dọa từ Nga.
Washington nhiều lần cáo buộc Nga can thiệp bầu cử, đồng thời cho rằng nhóm tin tặc Solar Winds tấn công vào hàng nghìn mạng lưới an ninh của Mỹ, bao gồm cả những cơ quan quan trọng của chính phủ, có liên quan đến Nga.
Tuy nhiên, một số nhà quan sát cho rằng khả năng của Nga đang được đánh giá lớn hơn những gì nước này thực sự sở hữu. Theo đó, nền kinh tế của Nga thậm chí không nằm trong tốp 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới, xếp sau cả Italy, Canada và một số quốc gia khác.
Chính quyền Tổng thống Biden hồi tháng trước đã thông báo các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào các quan chức Nga với cáo buộc rằng các cơ quan tình báo của điện Kremlin phải chịu trách nhiệm cho vụ đầu độc nhân vật đối lập Alexei Navalny. Ngoài ra, chính quyền Tổng thống Biden cũng đã tiến hành một số cuộc thảo luận nhằm tiến hành một cuộc tấn công mạng đáp trả vụ tin tặc SolarWinds.
Làm rõ lập trường về quan hệ với Cuba
Tổng thống Biden cũng đối mặt với sức ép gia tăng về việc đưa ra một chính sách cụ thể với Cuba.
Những người theo quan điểm cứng rằn, hầu hết nhưng không phải toàn bộ đảng Cộng hòa, muốn nhà lãnh đạo Mỹ tiếp tục lập trường cứng rắn với Cuba như cựu Tổng thống Trump. Điều này tức là Mỹ sẽ tiếp tục coi chính quyền Havana như một quốc gia nằm trong danh sách các nước tài trợ khủng bố.
Các Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Ted Cruz, Marco Rubio và Rick Scott là những người ủng hộ lập trường này, trong khi Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Bob Menedoz cũng là một người từ lâu đã có lập trường ứng rắn với Cuba.
Tuy nhiên, 80 thành viên đảng Dân chủ trong Hạ viện đã hối thúc Tổng thống Biden quay lại lập trường với Cuba như dưới thời cựu Tổng thống Obama. Các lệnh hạn chế đi lại và hạn chế về hàng hóa đã được dỡ bỏ dưới thời ông Obama, đồng thời cũng chính nhà lãnh đạo này đã quyết định mở lại Đại sứ quán Mỹ tại Havana, vốn từng bị đóng cửa trong suốt 54 năm.
Về mặt chính trị, hướng chính sách của Mỹ với Cuba, quốc gia 11 triệu dân không quá quan trọng nếu không tính tới vai trò quyết định của các cử tri Mỹ gốc Cuba ở môt bang dao động như Florida. Trước đó, Tổng thống Biden đã không thể hiện tốt ở Florida vào tháng 11/2020.
Giáo sư William LeoGrande, một chuyên gia về Cuba tại Đại học Mỹ ở Washington DC đã khen ngợi hướng tiếp cận "thành công lạ thường" của cựu Tổng thống Obama trong việc khuyến khích hợp tác trong những lĩnh vực có lợi ích chung giữa 2 nước.
Dù vậy, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki gần đây đã khẳng định, sự dịch chuyển trong chính sách với Cuba "không phải là ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Biden".
Trong chiến dịch tranh cử năm 2020, ông Biden nhận định ông "chủ yếu quay lại" hướng tiếp cận của cựu Tổng thống Obama trong quan hệ giữa Mỹ và Cuba. Tuy nhiên, sau khi nhậm chức, nhà lãnh đạo Mỹ dường như đang xây dựng một chiến lược cẩn trọng hơn./.