Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis ngày 13/3 lạc quan rằng, trước ngày 20/4 tới, nước này sẽ đạt được một thỏa thuận với các chủ nợ quốc tế về chương trình cải cách mà Athens phải tiến hành để khai thông các khoản cứu trợ.
Hy Lạp đã đạt được thỏa thuận với Bộ Ba chủ nợ quốc tế, gồm Ủy ban châu Âu (EC), Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), về việc gia hạn gói cứu trợ từ hôm 20/2 vừa qua.
Tuy nhiên, các chủ nợ vẫn phong tỏa tiền cứu trợ cho đến khi Hy Lạp đưa ra một chương trình cải cách “vừa ý”, đồng nghĩa với việc chính phủ cánh tả mới lên nắm quyền ở Athens phải trì hoãn một số cam kết với cử tri trước cuộc bầu cử hồi tháng 1.
Phát biểu trước báo giới bên lề một hội nghị doanh nghiệp ở miền Bắc Italy ngày 13/3, Bộ trưởng Tài chính Varoufakis cho biết, Chính phủ Hy Lạp đã sẵn sàng trì hoãn một số biện pháp chống thắt lưng buộc bụng để đổi lấy lòng tin của các đối tác.
“Nếu điều này có nghĩa rằng trong vài tháng tới, khi chúng tôi thương thuyết, chúng tôi đình chỉ hoặc trì hoãn việc thực hiện một số cam kết trước khi bầu cử thì chúng tôi sẽ làm điều đó để xây dựng lòng tin với các đối tác, nhằm đạt được một thỏa thuận cho phép nền kinh tế ổn định và sau đó sẽ tăng trưởng theo một cách có thể biến những cam kết trước đó trở thành hiện thực”, ông Varoufakis nói.
Trong tháng 3, Hy Lạp phải huy động đến 6 tỷ Euro để thanh toán các khoản nợ đáo hạn, bao gồm cả khoản nợ 1,5 tỷ Euro với Qũy tiền tệ quốc tế (IMF). Trong khi 7 tỷ Euro cuối cùng trong gói cứu trợ 240 tỷ Euro của Liên minh châu Âu và Quỹ Tiền tệ quốc tế dành cho nước này vẫn chưa được giải ngân vì chưa đảm bảo được một số điều kiện cho việc giải ngân. Việc mắc kẹt trong cuộc đàm phán chương trình gia hạn gói cứu trợ với các chủ nợ quốc tế đẩy Hy Lạp vào nguy cơ vỡ nợ cuối tháng này.
Thống đốc Ngân hàng trung ương Hy Lạp Yannis Stournaras kêu gọi chấm dứt tình trạng trên bởi tâm lý bất ổn sẽ đe dọa đến sự tăng trưởng của kinh tế Hy Lạp.
“Sự bất ổn này đã tạo ra một nguy cơ lớn làm chệch hướng kinh tế Hy Lạp và là mối đe dọa lớn nhất đối với sự hy sinh của người dân Hy Lạp trong những năm qua để lấy lại cân bằng tài khóa và sức cạnh tranh cho nền kinh tế. Chúng ta không nên quên rằng, trong nửa cuối năm 2014 vừa qua, Hy Lạp là nền kinh tế phát triển nhanh nhất khu vực đồng Euro. Tiến trình đàm phán cần phải được nhanh chóng hoàn tất để thúc đẩy những dự án nhằm thu hút vốn nước ngoài và gửi đi thông điệp tích cực cho các nhà đầu tư quốc tế”, ông Stournaras nói.
Trước đó, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras ngày 12/3 đã ký thỏa thuận với Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) nhằm giúp Athens lên kế hoạch và triển khai cải cách cấu trúc để tìm lại tăng trưởng kinh tế toàn diện và bền vững.
OECD không phải là một cơ chế cho vay nhưng lại có nhiều nhà kỹ trị có khả năng hoạch định chính sách kinh tế cho Hy Lạp, chữa được những “căn bệnh trầm kha” của nền kinh tế Nam Âu này suốt nhiều thập kỷ qua như tham nhũng, trốn thuế.
Ông Tsipras cho rằng làm việc với OECD về chương trình cải cách sẽ là “tấm hộ chiếu” để Hy Lạp tạo dựng lòng tin với các đối tác của mình.
Theo Thủ tướng Tsipras, Hy Lạp đã làm tất cả những gì có thể để hoàn thành những cam kết của mình với các chủ nợ quốc tế trong thỏa thuận ngày 20 tháng 2 vừa qua và đang mong chờ thông điệp thể hiện sự đoàn kết từ phần còn lại của Khu vực đồng Euro đối với Athens.
Tuy nhiên, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker ngày 13/3 cho biết, ông vẫn chưa hài lòng với tiến bộ trong những tuần qua và cho rằng, tiến trình đàm phán gia hạn gói cứu trợ hiện nay rất thiếu hiệu quả. Chủ tịch Ủy ban châu Âu tuyên bố, chính ông sẽ đưa ra các đề xuất để vượt qua những khác biệt giữa Athens và các chủ nợ quốc tế./.