Phát biểu sau cuộc họp Nhóm Bộ trưởng Tài chính khu vực đồng euro ở Brussels hôm qua, ông Schaeuble nêu rõ: “Hy Lạp cần phải đối thoại với các cơ quan để đảm bảo rằng Biên bản ghi nhớ (MoU) được thực thi đầy đủ. Đó là điều kiện của chúng tôi và chỉ khi điều kiện này được đảm bảo thì họ mới được nhận tiền từ chương trình cứu trợ.”
Tuy nhiên, chính phủ mới lên ở Hy Lạp cho thấy họ không dễ “thuần phục” như Bồ Đào Nha. Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras hôm qua (10/3) cho biết, chính phủ của ông sẽ thực thi những cam kết với các chủ nợ quốc tế nhưng cũng sẽ nỗ lực đảm bảo lời hứa với người dân Hy Lạp trước khi lên nắm quyền, đó là chấm dứt các chính sách thắt lưng buộc bụng.
Phát biểu trước Quốc hội hôm qua, ông Tsipras nhấn mạnh: “Tôi muốn đảm bảo rằng chính phủ Hy Lạp sẽ làm việc không mệt mỏi để đạt được những điều khoản công bằng trong đàm phán nhằm giải quyết những vấn đề phức tạp mà châu Âu đang phải đối mặt.”
Hy Lạp đang ở trong tình huống nguy cấp khi phải trả cho Quỹ Tiền tệ quốc tế 350 triệu euro vào ngày 13/3 tới nhưng nguồn thu từ thuế của chính phủ đang giảm trong khi vốn đang tháo chạy khỏi các ngân hàng. Giới chức khu vực đồng euro lo ngại quốc gia Nam Âu này có thể cạn sạch tiền trong vòng vài tuần. Trước tình thế này, Bộ trưởng Quốc phòng Hy Lạp Panos Kammenos đã phải dùng đến “hạ sách” là vấn đề nhập cư để mặc cả. Ông cảnh báo, nếu Hy Lạp phá sản, “châu Âu sẽ tràn ngập người tị nạn” và không dám chắc trong đó không có những thành viên của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Hy Lạp rõ ràng không có lựa chọn mang tên “đối đầu” nhưng dường như lại đang liều lĩnh triển khai cách tiếp cận này với Đức, chủ nợ lớn nhất của Athens. Ngoài vấn đề cứu trợ, quan hệ giữa Hy Lạp và Đức đang tồn tại một “cái gai” khác là việc đền bù sau Chiến tranh thế giới thứ 2. Vấn đề này đã được các chính phủ tiền nhiệm của Hy Lạp cân nhắc nhiều thập kỷ nay nhưng gần đây họ mới có thêm động lực để thúc đẩy với hy vọng khoản tiền đó có thể xoa dịu những tác động của các chính sách thắt lưng buộc bụng vắt kiệt phúc lợi xã hội ở Hy Lạp mấy năm nay.
Đức cho rằng vấn đề này đã kết thúc khi họ trả 115 triệu Mark Đức (tương đương với 59 triệu euro) cho Hy Lạp năm 1960. Tuy nhiên, Thủ tướng Tsipras cho rằng, thỏa thuận năm 1960 chỉ bồi thường cho những nạn nhân của chế độ Phát xít nhưng chưa đền bù những thiệt hại cho Hy Lạp suốt thời gian bị chiếm đóng từ năm 1941 đến 1944.
Các nghị sỹ Hy Lạp đang thảo luận kế hoạch tái lập một Ủy ban của Quốc hội điều tra thiệt hại chiến tranh do Phát xít Đức gây ra. Lãnh đạo đảng xã hội đối lập Pasok ở Hy Lạp Evangelos Venizelos chỉ trích rằng, chính phủ của Thủ tướng Tsipras sẽ thất bại nếu tiếp tục dùng chiến thuật hiện nay để đàm phán với Đức: “Việc xem xét vấn đề này cũng quan trọng như việc chúng ta nhìn vào những vấn đề khác của chiến lược quốc gia và đàm phán với quốc tế. Bởi vì nếu chúng ta đối mặt với vấn đề lịch sử, công lý, và sự thật của việc bồi thường chiến tranh, chúng ta cũng phải đối mặt với vấn đề hiện nay là chiến lược quốc gia để thoát khỏi cuộc khủng hoảng này. Khi đó, chúng ta chỉ đi vào ngõ cụt”.
Theo nhiều nhà quan sát, việc làm xấu đi mối quan hệ với Đức lúc này sẽ chỉ thiệt cho Hy Lạp. Giới phân tích lo ngại rằng, quyết định của các chủ nợ có thể sẽ không dựa trên tinh thần hợp tác và xây dựng nữa mà thiên về sự lựa chọn chính trị khi lãnh đạo một số nước, đặc biệt là Đức, vốn đã tỏ ra không hài lòng khi phe cánh tả lên nắm quyền ở Athens./.