Rạng sáng nay (24/2), Hy Lạp đã trình Nhóm các Bộ trưởng Tài chính Khu vực đồng tiền chung châu Âu (EuroGroup) danh sách các cải cách để được gia hạn gói cứu trợ phối hợp giữa Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Hy Lạp đang không còn nhiều thời gian vì gói cứu trợ trị giá 240 tỷ euro sẽ hết hạn trong vòng 4 ngày nữa trong khi việc gia hạn gói cứu trợ này phải được quốc hội một số nước thành viên Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) thông qua.
Nếu không được gia hạn nợ, Chính phủ của tân Thủ tướng Alexis Tsipras có thể cạn sạch tiền, đồng nghĩa với việc các ngân hàng Hy Lạp sẽ vỡ nợ và nước này có thể phải rút khỏi Khu vực đồng euro.
Theo nguồn tin chính phủ Hy Lạp, danh sách cải cách bao gồm các biện pháp nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo, điều chỉnh nợ thuế và nợ xấu, chấm dứt việc tịch thu nhà để thế nợ. Danh sách cũng bao gồm những cải cách cơ cấu để giải quyết tình trạng trốn thuế và tham nhũng, đấu tranh chống buôn lậu nhiên liệu, cải tổ khu vực nhà nước và giảm tệ quan liêu.
Một nguồn tin châu Âu cho biết, danh sách cải cách của Hy lạp mang tính “tổng thể thỏa đáng” để có thể trở thành “điểm khởi đầu vững chắc” cho các bên xem xét thông qua.
Nguồn tin này khẳng định, kế hoạch cải cách của Hy Lạp thể hiện cam kết mạnh mẽ chống trốn thuế và tham nhũng. Trong phản ứng đầu tiên của mình, Chủ tịch Nhóm các Bộ trưởng Tài chính khu vực đồng euro Jeroen Dijsselbloem nhận định, chính phủ Hy Lạp rất nghiêm túc với kế hoạch cải cách này, song cho rằng đây chỉ là bước đi đầu tiên trong một tiến trình dài.
Ngay sau khi chính phủ của Thủ tướng Tsipras trình kế hoạch cải cách, thị trường đã có những phản ứng tích cực khi chỉ số chứng khoán của Hy Lạp tăng 7,2% trong phiên giao dịch sáng sớm nay.
Chỉ số ATG của Hy Lạp đạt mức cao nhất kể từ tháng 12 năm ngoái, trong đó, cổ phiếu của các ngân hàng tăng khoảng 14%. Điều này trái ngược hoàn toàn với tình hình trước đó, khi thị trường bất an, người dân nao núng rút tiền khiến các ngân hàng Hy Lạp đứng trên bờ vực phá sản và buộc Thủ tướng Tsipras phải can thiệp vào tiến trình đàm phán của Bộ trưởng Tài chính Yanis Varoufakis với những người đồng cấp châu Âu khác.
Nhóm các Bộ trưởng Tài chính Khu vực đồng tiền chung châu Âu dự kiến thảo luận kế hoạch cải cách kinh tế này tại hội nghị trực tuyến vào chiều nay theo giờ địa phương (tức đêm 24/2 theo giờ Việt Nam). Tuy nhiên, hội nghị này chỉ diễn ra nếu nhóm “Bộ ba” cứu trợ gồm Ủy ban châu Âu (EC), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảm thấy thỏa mãn với những cam kết của Athens.
Bản kế hoạch của Hy Lạp là bước chạy “nước rút” bởi nó phải thuyết phục được không chỉ Nhóm các Bộ trưởng Tài chính khu vực đồng euro hay Ngân hàng trung ương châu Âu và Quỹ Tiền tệ quốc tế mà còn là Quốc hội của các nước Khu vực đồng euro.
Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính sách châu Âu (CEPS) có trụ sở tại Brussels, Bỉ, ông Daniel Gros cho rằng, danh sách những cải cách này sẽ được đông đảo lãnh đạo châu Âu chấp nhận: “Viễn cảnh nhiều khả năng xảy ra hơn là họ nhìn vào danh sách này và nghĩ rằng Hy Lạp đã thể hiện đủ quyết tâm dù họ chắc chắn không hoàn toàn hài lòng. Họ sẽ yêu cầu Hy Lạp phải giải thích cụ thể hơn một số biện pháp và trở lại với điểm nhấn ở những lĩnh vực khác. Đây sẽ là một quá trình cho và nhận liên tục. Điều này không thể được giải quyết trọn vẹn trong một ngày”.
Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schäuble ngày 24/2 ngay lập tức gửi một bức thư dài 4 trang kêu gọi Quốc hội nước này thông qua việc gia hạn 4 tháng gói cứu trợ cho Hy Lạp.
Bức thư nêu rõ, “Chính phủ Liên bang Đức ủng hộ việc gia hạn gói cứu trợ cho Hy Lạp dựa trên cơ sở rằng nước này ý thức được những cam kết và thỏa thuận với Nhóm các Bộ trưởng Tài chính khu vực đồng euro”.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, Đức - nền kinh tế đầu tàu của châu Âu và cũng là chủ nợ lớn nhất của Hy Lạp - sẽ tiếp tục duy trì thái độ cứng rắn với Aten trong vấn đề này.
Lãnh đạo đảng Liên minh Xã hội Cơ Đốc giáo (CSU) trong chính phủ cầm quyền Đức, Gerda Hasselfeldt, ngày 23/2 nhấn mạnh rằng, đề xuất của Hy Lạp cần phải được xem xét một cách tổng thể và kỹ lưỡng.
Sau khi phải nhượng bộ ở Brussels, chính phủ khuynh tả mới của Hy Lạp tuyên bố rằng, ít nhất danh sách những cải cách này phải do người dân quyết định thay vì để các chủ nợ nước ngoài áp đặt chính sách thắt lưng buộc bụng đi kèm với gói cứu trợ khẩn cấp năm 2010.
Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát cho rằng, đây dường như là một chiến thắng vang đội cho Đức khi Hy Lạp đành phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” chấp nhận trì hoãn nhiều yêu sách mà đảng cánh tả Syriza cầm quyền cam kết khi tranh cử.
Trước đó, Thủ tướng Hy Lạp Tsipras đã cảnh báo rằng những khó khăn thực sự vẫn ở phía trước. Nhưng đây cũng không phải là một chiến thắng ngọt ngào cho đồng tiền chung châu Âu khi đang cố gắng thoát ra khỏi nửa thập kỷ khủng hoảng kinh tế và tài chính./.