Tại cuộc họp khẩn lần thứ ba về vấn đề nợ của Hy Lạp diễn ra ngày 20/2, các bộ trưởng tài chính khu vực đồng euro (Eurozone) đã nhất trí gia hạn thêm 4 tháng đối với khoản cứu trợ tài chính dành cho Athens sau khi gói cứu trợ hết hạn vào cuối tháng nhằm ngăn chặn nguy cơ Hy Lạp phải rời bỏ nhóm này.

bo_truong_tai_chinh_hy_lap_rvfb.jpeg Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis khẳng định việc gia hạn thêm 4 tháng với khoản cứu trợ tài chính là điều tốt cho Hy Lạp (ảnh: Getty)

Tuy nhiên, thỏa thuận chỉ được chính thức thông qua một khi các chủ nợ của Hy Lạp hài lòng với danh sách những cải cách mà chính phủ khuynh tả của Thủ tướng Alexis Tsipras dự kiến phải đưa ra ngày 23/2 tới.

Thay vì 6 tháng như đề nghị trước đó của Hy Lạp, các bộ trưởng tài chính khu vực đồng euro chỉ gia hạn các khoản vay của nước này thêm bốn tháng nữa.

Bộ trưởng Tài chính Hà Lan Jeroen Dijsselbloem, người đứng đầu nhóm các bộ trưởng tài chính khu vực đồng euro cho biết, chính phủ Hy Lạp đã cam kết “sẽ kiềm chế việc đảo ngược chính sách cũng như các hành động đơn phương có thể tác động tiêu cực đến mục tiêu tài khóa, phục hồi kinh tế hay ổn định tài chính”.

Phát biểu sau cuộc họp hôm qua, Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis khẳng định: “Những cam kết này thực tế khá tốt cho chúng tôi. Đôi khi giống như ký một hợp đồng mới, các bạn cần phải buộc mình vào thế cứng rắn để đạt được mục đích và tránh được nguy hiểm”.

Một nguồn tin cho biết, trước đó, ông Varoufakis ngày 20/2 đã gửi thư cho nhóm các bộ trưởng tài chính khu vực đồng euro, trong đó có những đề nghị được cho là nhượng bộ.

Chính phủ khuynh tả của Thủ tướng Tsipras dường như đã buộc phải “xuống nước” so với tuyên bố cứng rắn khi mới lên nắm quyền rằng họ sẽ loại bỏ chương trình cứu trợ, giảm bớt chính sách khắc khổ và chấm dứt hợp tác với bộ 3 chủ nợ quốc tế gồm Ủy ban châu Âu (EC), Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Chính phủ Hy Lạp sẵn sàng tiến hành các cải cách có thể chấp nhận được. Nguồn tin khẳng định “Chính phủ mới của Hy Lạp sẽ tiến hành những cải cách trong giai đoạn sắp tới, trong đó ưu tiên cho những cải cách phù hợp với tình hình hiện nay như giải quyết nạn trốn thuế, tham nhũng, tái cấu trúc hành chính công và giải quyết được vấn đề khủng hoảng nhân đạo”.

Cao ủy Liên minh châu Âu phụ trách về vấn đề kinh tế Pierre Moscovici cho rằng, Hy Lạp cần phải giải quyết các vấn đề như nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế hay hiệu quả của hệ thống thuế.

“Chúng tôi sẽ phải tiếp tục đối thoại với nhau về những lĩnh vực này cũng như một số lĩnh vực khác với tinh thần thiện chí. Đây là vấn đề chính nếu chúng ta thực sự muốn xây dựng lòng tin trong tình huống này cũng như nhận thấy sự cấp bách phải đạt được một thỏa thuận lâu dài cho vấn đề này”, ông Pierre Moscovici cho biết.

Nước Đức - đầu tàu kinh tế của Liên minh châu Âu và cũng là chủ nợ lớn nhất của Hy Lạp đã yêu cầu phải có “những sự cải thiện đáng kể” trong cam kết cải cách của Athens.

Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble nhấn mạnh rằng, Hy Lạp sẽ không nhận được bất cứ khoản tiền nào trước khi nước này hoàn tất thành công chương trình cứu trợ. Chính phủ mới của Hy Lạp sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn khi giải thích về thỏa thuận này với cử tri trong nước vốn không muốn duy trì thêm bất cứ chính sách thắt lưng buộc bụng nào nữa.

“Rõ ràng không còn khoảng trống để giải thích. Với những gì đã tuyên bố trong vòng một tháng qua, chính phủ Hy lạp sẽ gặp nhiều khó khăn khi phải giải thích với các cử tri của họ. Chúng tôi sẽ không khiến việc đó quá khó khăn”, Bộ trưởng Tài chính Đức cho biết.

Bộ trưởng Tài chính Ailen Michael Noonan lưu ý rằng, kể cả khi bộ 3 chủ nợ đã hài lòng, thỏa thuận ngày 20/2 còn phải được Quốc hội các nước khu vực đồng euro thông qua. Tuy nhiên, thỏa thuận sơ bộ mang tính đột phá này cũng đã khiến những chỉ số thị trường chứng khoán toàn cầu tăng lên ở châu Âu và Mỹ./.