Trong những năm gần đây, Trung Quốc đang thực hiện một chiến lược tương đối nhất quán ở Đông Bắc Á, đó là hòa hoãn với Hàn Quốc và tăng cường sức ép lên Nhật Bản. Chiến lược này được thể hiện rõ nét sau sự kiện Trung Quốc đơn phương thiết lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông.

Hòa Hàn

Hôm 23/11, Trung Quốc đã đơn phương thiết lập ADIZ trên biển Hoa Đông. Đáng chú ý, ADIZ của Trung Quốc bao trùm không chỉ quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Tokyo đang quản lý và Bắc Kinh cũng tuyên bố chủ quyền, mà còn cả bãi đá ngầm Ieodo/Tô Nham Tiêu mà Seoul đang kiểm soát và một phần không phận xung quanh đảo Jeju của Hàn Quốc. Điều này đã gây phẫn nộ cho cả Nhật Bản lẫn Hàn Quốc. Chỉ vài giờ sau khi tuyên bố thiết lập ADIZ trên biển Hoa Đông, Không quân Trung Quốc đã cử hai máy bay trinh sát cỡ lớn tiến hành cuộc tuần tra đầu tiên ở khu vực này.

hai-duong1.jpg
Trạm quan sát Hải dương của Hàn Quốc tại bãi đã ngầm Ieodo/Tô Nham Tiêu (Ảnh: Korea times)

Ngay lập tức, Hàn Quốc đã có phản ứng khá quyết liệt. Theo Yonhap, hôm 25/11, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã triệu Công sứ Đại sứ quán Trung Quốc tại Chen Hai lên để phản đối, trong khi Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cũng triệu Tùy viên quân sự của Trung Quốc tại Seoul lên để truyền đạt quan điểm của mình.

Sau đó, Seoul đã có một loạt các hành động mang tính thách thức đối với Bắc Kinh. Hôm 26/11, Hàn Quốc đã cử một máy bay chiến đấu bay qua ADIZ mà Trung Quốc đơn phương áp đặt trên biển Hoa Đông mà không thông báo với Bắc Kinh. Tiếp đó, hôm 3/12, Seoul đã tổ chức các cuộc diễn tập quân sự ở gần vùng biển quanh bãi đá ngầm Ieodo trong phạm vi ADIZ của Trung Quốc.

Vào đầu tháng 12, Hàn Quốc đã thông báo mở rộng ADIZ của mình. Đây là lần đầu tiên Hàn Quốc điều chỉnh ADIZ, vốn được thiết lập từ năm 1951 trong chiến tranh liên Triều. Đáng chú ý, ADIZ của Hàn Quốc chồng lấn lên ADIZ mà Trung Quốc công bố hồi tháng trước và bao trùm cả bãi đá ngầm Ieodo/Tô Nham Tiêu mà hai nước đang tranh chấp.

Bất chấp hàng loạt hành động mang tính thách thức trên của Hàn Quốc, Trung Quốc đã phản ứng rất kiềm chế. Hôm 9/12, Trung Quốc chỉ tỏ ý lấy làm tiếc về quyết định mở rộng ADIZ của Hàn Quốc, đồng thời kêu gọi Seoul giải quyết vấn đề này một cách khôn ngoan và thích hợp. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi khẳng định “Trung Quốc sẽ tiếp tục liên lạc với Hàn Quốc trên cơ sở nguyên tắc bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau”.

Ép Nhật

Cũng giống như Hàn Quốc, sau khi Bắc Kinh đơn phương thành lập ADIZ trên biển Hoa Đông, ngay lập tức, Nhật Bản đã phản ứng hết sức quyết liệt. Ngày 24/11, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết nước này không chấp nhận việc Trung Quốc thiết lập ADIZ phía trên quần đảo Senkaku mà Tokyo đang kiểm soát. Ông Kishida khẳng định: “Đây là hành động đơn phương và không được phép. Nó sẽ châm ngòi cho các sự kiện không thể dự đoán được”.

Nhật tăng cường sức mạnh của Quốc phòng (Ảnh: AFP)

Một ngày sau đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã bày tỏ “quan ngại một cách mạnh mẽ” rằng hành động của Trung Quốc “có mục đích nhằm làm thay đổi hiện trạng trên biển Hoa Đông, gia tăng tình trạng căng thẳng và gây ra sự cố bất ngờ trên vùng biển này”.

Phát biểu tại một ủy ban của Quốc hội, ông Abe khẳng định hành động đơn phương của Trung Quốc “không có hiệu lực đối với đất nước của chúng ta”, đồng thời cam kết bảo vệ lãnh thổ của nước này. Ông nói: “Chúng tôi sẽ tiến hành các biện pháp chống lại âm mưu thay đổi hiện trạng bằng vũ lực bởi vì, chúng tôi quyết tâm bảo vệ vùng biển và không phận của đất nước”.

Đọc thêm ở đây: Đông Bắc Á 2013: Năm của những bất ổnChiều 25/11, Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Akitaka Saiki đã triệu Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản Cheng Yonghua lên Bộ Ngoại giao và trao “kháng nghị thư nghiêm khắc” về việc Bắc Kinh đơn phương thiết lập ADIZ. Cùng ngày, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết Nhật Bản sẽ hợp tác với Mỹ và các nước khác, và thúc giục Trung Quốc thu hồi quyết định này.

Sau đó, ngày 7/12, Quốc hội Nhật Bản đã thông qua một nghị quyết kêu gọi Trung Quốc ngay lập tức hủy bỏ quyết định thiết lập ADIZ trên biển Hoa Đông, với lý do ADIZ của Trung Quốc đã xâm phạm lãnh thổ và chủ quyền của nước này. Nghị quyết này kêu gọi Trung Quốc lắng nghe những lời chỉ trích từ các nước khác và hành động một cách thích hợp.

Cùng với các tuyên bố phản đối việc Trung Quốc đơn phương thiết lập ADIZ trên biển Hoa Đông ở nhiều cấp độ khác nhau, Nhật Bản đã liên tục kêu gọi các hãng hàng không trong nước không tuân thủ các quy định của Trung Quốc, trong đó yêu cầu các hãng hàng không phải đệ trình kế hoạch bay trước khi bay qua ADIZ của Trung Quốc. Bên cạnh đó, Tokyo đã đưa ra đề xuất để Tổ chức Hàng không Dân dụng quốc tế (ICAO) giải quyết vấn đề này.

Mặt khác, Nhật Bản cũng tiến hành một chiến dịch vận động nhằm tăng cường sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế chống lại hành động của Trung Quốc. Chiến dịch này của Nhật Bản đã phần nào thành công khi Tokyo nhận được sự ủng hộ của Mỹ và một số nước đồng minh khác.

Bên cạnh đó, Tokyo đã thuyết phục được các nước ASEAN thông qua một tuyên bố, trong đó kêu gọi bảo đảm “quyền tự do bay trên vùng trời quốc tế”, mặc dù tuyên bố này không đề cập trực tiếp tới bất cứ quốc gia nào.

Trong tuyên bố phát hành sau Hội nghị Cấp cao ASEAN-Nhật Bản ở Tokyo, các nhà lãnh đạo khẳng định Nhật Bản và ASEAN “sẽ tăng cường hợp tác trong việc đảm bảo quyền tự do bay trên vùng trời quốc và an toàn hàng không dân dụng theo các nguyên tắc được mọi người thừa nhận của luật pháp quốc tế”.

Phát biểu tại cuộc họp báo sau Hội nghị, Thủ tướng Abe tiếp tục kêu gọi Trung Quốc bỏ quyết định thành lập ADIZ, đồng thời bày tỏ “quan ngại sâu sắc” trước các hành động đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng trên biển Đông và biển Hoa Đông và áp đặt các hạn chế đối với trật tự hàng không quốc tế. Ông Abe cũng bày tỏ tin tưởng rằng “nhiều nhà lãnh đạo ASEAN cũng chia sẻ quan ngại này của mình.

Tuy nhiên, khác với trường hợp của Hàn Quốc, Bắc Kinh đã có những phản ứng hết sức quyết liệt đối với các tuyên bố của Nhật Bản, đồng thời có những hành động cứng rắn chống Tokyo.

Hôm 25/11, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Yang Yujun cho biết Trung Quốc đã gửi kháng nghị thư cho Nhật Bản sau khi Tokyo chỉ trích việc Bắc Kinh thiết lập ADIZ trên biển Hoa Đông. Ông Yang tuyên bố phản ứng tiêu cực của Nhật Bản đối với động thái của Trung Quốc và các tuyên bố chủ quyền của Tokyo đối với quần đảo Điếu Ngư (cách gọi của Bắc Kinh đối với quần đảo Senkaku) là “hoàn toàn không có căn cứ và không thể chấp nhận được”.

Quan chức này cho rằng Nhật Bản “không có quyền đưa ra các phát biểu vô trách nhiệm” về việc Trung Quốc thiết lập ADIZ trên biển Hoa Đông khi mà Tokyo đã từng thiết lập ADIZ của riêng mình trong khu vực này vào cuối những năm 1960.

Liên quan tới các phát biểu của Thủ tướng Abe tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Nhật Bản, tối 14/12, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã bày tỏ “sự tức giận mạnh mẽ của Trung Quốc” đối với nhà lãnh đạo Nhật Bản vì sự vu khống hiểm độc của ông này chống Trung Quốc trên diễn đàn quốc tế.

Đằng sau tuyên bố của Trung Quốc

Theo các chuyên gia phân tích, những phản ứng khác nhau của Bắc Kinh đối với Seoul và Tokyo trong vấn đề ADIZ cho thấy việc Trung Quốc đơn phương xác lập ADIZ trên biển Hoa Đông chủ yếu là nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền của mình đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp với Nhật Bản.

Thủ tướng Nhật Bản tuyên bố sẽ "cứng rắn" với Trung Quốc (Ảnh: Kyodo)

Trong con mắt của Bắc Kinh, Tokyo mới là đối thủ chính trong cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng ở khu vực Đông Á nói riêng và châu Á nói chung. Nếu Nhật Bản có bước đi tương tự Hàn Quốc là mở rộng ADIZ, chắc chắn Trung Quốc sẽ phản ứng rất quyết liệt như Bắc Kinh đã từng làm sau khi Nhật Bản quyết định mua lại ba trong số năm đảo nhỏ thuộc quần đảo Senkaku từ một thương nhân của nước này hồi tháng 9/2012.

Kể từ sau khi Nhật Bản mua lại ba hòn đảo đó, quan hệ Nhật-Trung đã liên tục rơi vào tình trạng căng thẳng. Thậm chí, có lúc Bắc Kinh đã ngừng mọi hoạt động ngoại giao với Tokyo.

Trong các tháng gần đây, Bắc Kinh thường xuyên cử các tàu thuyền và máy bay xâm nhập vùng biển và vùng trời quanh quần đảo Senkaku mà Nhật Bản đang quản lý. Trong tài khóa 2012 (kết thúc vào cuối tháng 3/2013), số lần xuất kích của các máy bay chiến đấu thuộc Lực lượng Phòng vệ trên không Nhật Bản (ASDF) để đối phó với các máy bay Trung Quốc đã tăng lên con số kỷ lục 306 lần, cao gần gấp 2 lần so với tài khóa trước. Điều này đã dẫn tới các cuộc khẩu chiến giữa các nhà ngoại giao và giới chức hai nước.

Một nguyên nhân khác khiến Bắc Kinh có những phản ứng khác nhau trước các động thái của Seoul và Tokyo liên quan tới ADIZ là do Trung Quốc không muốn làm căng với Hàn Quốc, lo ngại điều đó chỉ đẩy Seoul xích lại gần Tokyo. Nếu quan hệ Nhật - Hàn được cải thiện, Trung Quốc sẽ phải cùng lúc đối đầu với cả hai đối thủ đáng gờm ở khu vực Đông Á. Mặc dù vậy, các chuyên gia phân tích cho rằng nếu Hàn Quốc vượt ra ranh giới mà Trung Quốc đã đặt ra, Bắc Kinh có thể sẽ trả đũa bằng cách tạm ngừng quan hệ kinh tế với Seoul hoặc sử dụng con bài Triều Tiên để răn đe./.