Vào đầu tuần này, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua Sách Trắng Quốc phòng năm 2013, trong đó Tokyo lần đầu tiên sử dụng những ngôn từ hết sức gay gắt để chỉ trích Trung Quốc trong bối cảnh nước láng giềng Đông Bắc Á này đang không ngừng tăng cường sức mạnh quân sự và mở rộng phạm vi hoạt động ở trên biển.

shinzo_abe1.jpg
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (Ảnh: Scmp)

Theo các chuyên gia phân tích, việc Tokyo công bố Sách Trắng này có thể sẽ làm gia tăng tình trạng căng thẳng trong mối quan hệ vốn đã sứt mẻ với Bắc Kinh do vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước trên biển Hoa Đông trong thời gian gần đây.

Nhật Bản cảnh giác trước Trung Quốc

Trước khi công bố Sách Trắng Quốc phòng 2013, Tokyo đã cung cấp các bản sao của tài liệu này cho các quan chức của Chính phủ Mỹ - đồng minh an ninh thân cận nhất của Nhật Bản và Australia – nước đang tăng cường quan hệ quốc phòng với “đất nước Mặt trời mọc”. Theo nhật báo Yomiuri, các quan chức Australia đã tỏ ra ngạc nhiên trước những lời lẽ chỉ trích mạnh mẽ của Nhật Bản nhằm vào Trung Quốc trong Sách Trắng này.

Tài liệu này có rất nhiều phần đề cập tới Trung Quốc, trong đó chỉ riêng phần phân tích về chính sách quốc phòng của Trung Quốc trong chương 1 của phần I cũng dài tới 27 trang. Ngay trong lời nói đầu do Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera viết, Sách Trắng khẳng định “môi trường an ninh xung quanh Nhật Bản đang trở nên khắc nghiệt hơn do các thách thức” như hành động khiêu khích của CHDCND Triều Tiên, trong đó có hoạt động phóng tên lửa mà Bình Nhưỡng gọi là “vệ tinh” và vụ thử hạt nhân của nước láng giềng này, cũng như việc Trung Quốc nhanh chóng mở rộng và tăng cường hoạt động ở các khu vực trên biển và trên không xung quanh Nhật Bản, trong đó có các vụ xâm nhập lãnh hải và không phận Nhật Bản.

Sách Trắng nhấn mạnh: “Đối với những vấn đề về các lợi ích đang xung đột với các nước xung quanh, trong đó có Nhật Bản, Trung Quốc đang tìm cách thay đổi hiện trạng bằng vũ lực dựa trên những tuyên bố không phù hợp với trật tự luật pháp quốc tế hiện hành của nước này. Các nỗ lực này (của Trung Quốc) đã bị chỉ trích là quyết đoán và bao gồm các hành vi rủi ro có thể gây ra các tình huống bất ngờ”.

Trên thực tế, quan ngại của Tokyo không phải không có cơ sở. Kể từ sau khi Tokyo quyết định mua lại ba trong số năm đảo nhỏ thuộc quần đảo Senkaku mà Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư từ một thương nhân của nước này hồi tháng 9/2012, Trung Quốc đã nhiều lần cử các tàu thuyền tới vùng biển gần quần đảo Senkaku mà Nhật Bản đang quản lý. Gần đây nhất, theo Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản (JCG), sáng 7/7, ba tàu hải giám của Trung Quốc đã đi vào vùng lãnh hải của Nhật Bản gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông. Đây là lần thứ 51 các tàu Trung Quốc tiến vào vùng biển của Nhật Bản kể từ tháng 9/2012.

Không chỉ đẩy mạnh các hoạt động trên biển, theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, trong thời gian gần đây, Trung Quốc còn tăng cường xâm phạm không phận Nhật Bản. Ngày 10/7, Bộ này cho biết từ tháng 4 đến tháng 6/2013, các máy bay chiến đấu của Lực lượng Phòng vệ trên không Nhật Bản (ASDF) đã phải xuất kích 115 lần để ngăn chặn các hoạt động xâm phạm không phận đến từ các quốc gia giềng như Trung Quốc, Nga và Triều Tiên. Đặc biệt, số lần vi phạm của Trung Quốc trong giai đoạn này tăng 60% so với năm 2005, thời điểm được xác định là Bắc Kinh triển khai nhiều hoạt động xâm phạm nhất. Trước đó, trong tháng 3/2013, Nhật Bản phát hiện 146 lần máy bay Trung Quốc xâm phạm không phận.

Trong Sách Trắng trên, Nhật Bản cho rằng các hoạt động trên biển và trên không của Trung Quốc bao gồm “việc xâm nhập lãnh hải của Nhật Bản và vi phạm không phận của Nhật Bản và thậm chí là các hành động nguy hiểm có thể gây ra tình huống khẩn cấp cực kỳ đáng tiếc”. Bên cạnh đó, Sách trắng cũng chỉ trích Bắc Kinh giải thích không đúng sự thật về vụ một tàu chiến Trung Quốc khóa radar nhắm bắn vào một tàu khu trục của Lực lượng Phòng vệ Bờ biển Nhật Bản (MSDF) hồi tháng 1/2013, đồng thời hối thúc Bắc Kinh hành động theo luật pháp quốc tế thay vì sử dụng vũ lực.

Để đối phó, Tokyo đã cử các máy bay chiến đấu và tàu tuần tra để xua đuổi các máy bay và tàu thuyền của Trung Quốc. Điều này khiến nhiều người lo ngại về khả năng xảy ra các va chạm bất ngờ giữa hai bên và từ đó, có thể dẫn tới các cuộc xung đột lớn hơn giữa hai nền kinh tế lớn nhất châu Á này.

Ngay sau khi Chính phủ Nhật Bản công bố Sách Trắng, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc của Tokyo rằng Trung Quốc tham gia các hoạt động hàng hải “nguy hiểm”, đồng thời khẳng định các hoạt động hàng hải của nước này tuân theo luật pháp trong nước và quốc tế. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói: "Những chỉ trích (từ Nhật Bản) không có gì chứng minh".

Đối sách trong môi trường an ninh đang xấu đi

Trong thời gian gần đây, môi trường an ninh xung quanh “đất nước Mặt trời mọc” đang xấu đi do các vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa Nhật Bản với các nước láng giềng và các chương trình hạt nhân và tên lửa của CHDCND Triều Tiên.

Không chỉ có tranh chấp với Trung Quốc, Nhật Bản còn có tranh chấp với Nga về chủ quyền của 4 hòn đảo nhỏ nằm ở phía bắc Thái Bình dương mà Tokyo gọi là Vùng lãnh thổ phía Bắc, trong khi Moscow gọi là quần đảo Kuril; và với Hàn Quốc về chủ quyền của quần đảo Takeshima/Dokdo. Vấn đề tranh chấp lãnh thổ với Nga vẫn đang cản trở Tokyo và Moscow ký kết hiệp định hòa bình để chính thức chấm dứt Thế chiến thứ 2, trong khi vấn đề tranh chấp quần đảo Takeshima với Hàn Quốc đang làm rạn nứt quan hệ đồng minh Nhật – Hàn.

Tàu Hải giám Trung Quốc xâm nhập Senkaku/Điếu Ngư (Ảnh Reuters)

Trong khi đó, kể từ đầu năm đến nay, tình trạng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đã liên tục gia tăng sau khi Bình Nhưỡng tiến hành thử hạt nhân lần thứ ba hôm 12/2 và thử tên lửa hồi giữa tháng 5. Bên cạnh đó, Triều Tiên cũng có một loạt các hành động khiêu khích như đơn phương hủy bỏ Hiệp định đình chiến tạm thời chấm dứt cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953) với Hàn Quốc và cảnh báo có thể tấn công các căn cứ quân sự của Mỹ trên lãnh thổ Nhật Bản. Các hành động trên không chỉ gây lo ngại cho Hàn Quốc mà còn cho nhiều nước trong khu vực, trong đó có Nhật Bản.

Vì vậy, trong Sách Trắng Quốc phòng năm 2013, Tokyo tuyên bố chương trình hạt nhân và tên lửa của CHDCND Triều Tiên là “nguy cơ” cho an ninh và đang gây hại đáng kể cho hòa bình và sự ổn định quốc tế. Tokyo cho rằng việc Bình Nhưỡng phát triển các tên lửa đạn đạo có thể vươn tới nước Mỹ là một dấu hiệu cho thấy chương trình tên lửa của nước này đã bước vào giai đoạn mới.

Để đối phó với môi trường an ninh ngày càng phức tạp, Sách trắng nhấn mạnh quan hệ đồng minh an ninh Nhật - Mỹ là “không thể thiếu được” và việc triển khai máy bay Osprey MV-22 của Mỹ ở Okinawa từ tháng 10/2012 sẽ góp phần đem lại hòa bình và ổn định trong khu vực.

Sách Trắng cũng bảo vệ quyết định của Tokyo hồi tháng 3 vừa qua về việc cho phép các công ty trong nước tham gia sản xuất linh kiện máy bay chiến đấu tàng hình F-35 của Mỹ. Theo Sách Trắng, sự tham gia này sẽ giúp bảo vệ, duy trì và phát triển công nghiệp quốc phòng của Nhật Bản và giúp ích cho liên minh Nhật-Mỹ.

Bên cạnh đó, Sách Trắng cũng đề cập tới khả năng cho phép Nhật Bản tấn công căn cứ quân sự của kè thù như một biện pháp “ngăn chặn” hữu hiệu chống lại các đe dọa từ tên lửa đạn đạo.

Giáo sư Kazuya Sakamoto, người đang công tác tại Đại học Osaka và là thành viên trong Ban cố vấn chính sách an ninh của Thủ tướng Abe, nói: "Sự cân bằng sức mạnh sẽ mất đi nếu chúng ta không bắt đầu xem xét việc phản công khi bị tấn công. Nếu chúng ta không có những loại vũ khí có khả năng vươn tới kẻ thù, Nhật Bản sẽ không thể tự vệ và không thể duy trì khả năng răn đe".

Nhật Bản đã tăng cường bảo vệ các hòn đảo tranh chấp và năm nay, Tokyo sẽ tăng ngân sách quốc phòng lần đầu tiên trong vòng 11 năm qua. Quân đội Nhật Bản đang tiến hành các cuộc tập trận chung với Mỹ, đồng thời củng cố hệ thống quốc phòng nhằm chống lại các vụ tấn công bằng tên lửa.

Ngoài ra, Sách Trắng cũng cho biết chính quyền Abe đang lên kế hoạch soạn thảo các đường lối chỉ đạo về quốc phòng mới nhằm xây dựng chính sách quốc phòng dài hạn hơn vào cuối năm nay./.