Phủ nhận cáo buộc của EU
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa bảo vệ các chính sách của Bắc Kinh về Tân Cương khi ông đặt chân lên châu Âu để thực hiện chuyến thăm kéo dài một tuần lễ trong bối cảnh Mỹ cố gắng lôi kéo các nước trên lục địa già này về tay mình.
Trong cuộc gặp với Tổng thống Hungary Janos Ader hôm 25/3, ông Ngụy nỗ lực đẩy lui các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu áp đặt lên Trung Quốc vào hôm 22/3 liên quan đến những cáo buộc về vi phạm nhân quyền ở Tân Cương.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết, ông Ngụy “ca ngợi Hungary đã thể hiện sự ủng hộ và phát biểu cho phía Trung Quốc trong các vấn đề liên quan đến các mối quan ngại chính của Trung Quốc, bao gồm cả Tân Cương”.
Tất cả 27 chính phủ EU, bao gồm Hungary, đồng ý với các biện pháp trừng phạt đó. Nhưng Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto gọi các biện pháp này “có hại” và “vô ích”.
Hungary là chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến công du của Bộ trưởng Ngụy Phượng Hòa. Theo Bộ Quốc phòng Trung Quốc, ông Ngụy còn tới thăm Hy Lạp, Bắc Macedonia, và Serbia.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết, chuyến công du là nhằm “thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác thực tế với các bộ quốc phòng và quân đội các nước này, và thúc đẩy sự phát triển lành mạnh và ổn định của mối quan hệ giữa quân đội hai bên”.
Serbia chỉ là một trong 4 nước không phải là thành viên của liên minh quân sự NATO do Mỹ đứng đầu. Chuyến thăm của ông Ngụy diễn ra khi Mỹ đang cố gắng làm mới quan hệ xuyên Đại Tây Dương và nhấn mạnh đến mối đe dọa chung từ Bắc Kinh.
“Phát súng lệnh từ Mỹ”
Phát biểu trước các ngoại trưởng NATO ở Brussels vào đầu tuần này, Ngoại trưởng Mỹ Antony “Blinken đã kêu gọi các đồng minh châu Âu của Mỹ cùng hợp tác chống lại mối đe dọa từ một nước Trung Quốc mà ông này gọi là “hung hăng và cưỡng bức”.
Ngoại trưởng Blinken nói thẳng như sau: “Chẳng còn nghi ngờ gì nữa, hành vi cưỡng ép của Trung Quốc đe dọa an ninh tập thể và thịnh vượng của chúng ta và nước này đang tích cực phá hoại các quy tắc của hệ thống quốc tế và các giá trị mà chúng ta và các đồng minh của chúng ta chia sẻ”.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đưa ra lời kêu gọi tương tự vào tháng 2 khi ông này nói với các bộ trưởng quốc phòng khối NATO rằng Trung Quốc là một mối đe dọa đối với an ninh xuyên Đại Tây Dương và các nước đồng minh cần phối hợp với nhau để xử lý mối đe dọa này.
Bên cạnh đó, các nước NATO bao gồm cả Anh, Pháp, và Đức, đã nhất trí đưa tàu chiến tới tuần tra ở Biển Đông, tham gia nỗ lực của Mỹ để thách thức yêu sách của Trung Quốc đối với vùng biển này.
Căng thẳng giữa Bắc Kinh và Brussels gia tăng vào ngày 22/3 sau khi EU trừng phạt các quan chức và thực thể Trung Quốc vì cái mà họ gọi là các lạm dụng nhân quyền. Trung Quốc đáp trả bằng cách tung ra các lệnh trừng phạt tương tự.
Trung Quốc vẫn hy vọng ngăn được sự đoàn kết trong NATO?
Nhà bình luận quân sự Song Zhongping cho rằng chuyến thăm của Ngụy Phượng Hòa là để gửi đi thông điệp với nội dung rằng sự phát triển quân sự của Trung Quốc và ảnh hưởng gia tăng của nước này trên toàn cầu không phải là mối đe dọa đối với NATO.
Ông Song nói: “Có các tiếng nói khác nhau và quan điểm đa dạng bên trong NATO. Không nhất thiết có sự đồng thuận về việc khống chế và đối đầu với Trung Quốc”. Các điểm đến của ông Ngụy đều là những nơi vốn có quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc.
Ông Song nhận định, NATO sẽ gặp khó khăn nhất định trong việc hình thành một lực lượng chung để chống Trung Quốc.
Mỹ nỗ lực xây dựng lại quan hệ liên minh với châu Âu, còn Trung Quốc đang tìm kiếm thêm đối tác ở đây.
Vào ngày 23/3, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã gặp người đồng cấp Nga Sergey Lavrov ở thành phố Quế Lâm (miền nam Trung Quốc) và thảo luận về “liên minh NATO mới được hồi sinh”.
Wu Xinbo, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ của Đại học Phục Đán (Trung Quốc) cho biết, chuyến thăm của Ngoại trưởng Nga Lavrov là kết quả của áp lực gia tăng từ phía Mỹ. Theo Wu, Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau chính là để phản ứng lại áp lực từ phía Mỹ./.