Động thái mới này diễn ra trong bối cảnh chính quyền tân Tổng thống Mỹ Biden đẩy mạnh sự hiện diện quân sự ở vùng biển này.
Cụ thể, trong chiến dịch mang tên tự do hàng hải, tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Russell đã đi bên trong khu vực 12 hải lý của quần đảo Trường Sa ở khu vực phía nam của vùng hàng hải rộng 1,3 triệu dặm vuông mà Trung Quốc ngang ngược đòi chủ quyền tới 80% vùng này.
Phát ngôn viên Hạm đội 7 của Mỹ, Joe Keiley, nói trong một thông cáo như sau: “Hoạt động tự do hàng hải này nêu cao các quyền, sự tự do, và việc sử dụng hợp pháp vùng Biển Đông được công nhận trong luật pháp quốc tế, thông qua việc thách thức các hạn chế bất hợp pháp do Trung Quốc áp đặt đối với quyền đi lại vô hại”.
Trước đó tàu hải quân USS John S McCain của Mỹ cũng đã thực hiện hoạt động tự do hàng hải ở khu vực quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam nhưng hiện bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp – ND). Cũng chưa đầy 1 tuần trước đây, hai hàng không mẫu hạm của Mỹ (USS Theodore Roosevelt và USS Nimitz) đã thực hiện các cuộc tập trận hiếm hoi ở Biển Đông.
Phát ngôn viên Keiley nói tiếp: “Các yêu sách bất hợp pháp và rộng khắp ở Biển Đông tạo ra một mối đe dọa nghiêm trọng đối với tự do trên biển, bao gồm tự do hàng hải và hàng không, tự do thương mại, tự do kinh tế, cơ hội cho các quốc gia duyên hải ở Biển Đông”.
Các hoạt động mới này của hải quân Mỹ xuất hiện trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Joe Biden mô tả Trung Quốc là “đối thủ nghiêm trọng nhất” của Mỹ và vạch ra các kế hoạch đối diện với một “cuộc tấn công của Bắc Kinh nhằm vào tài sản trí tuệ và sự quản trị toàn cầu”. Ông Biden cũng nói rằng Washington đang “cạnh tranh quyết liệt” với Bắc Kinh.
Sau khi nhậm chức vào ngày 20/1/2021, chính quyền ông Biden đã tái khẳng định cam kết với các đồng minh và đối tác trong khu vực, đặc biệt là Philippines và Nhật Bản./.