Pakistan là quốc gia mới nhất đang phải vật lộn để thanh toán các khoản vay Trung Quốc được nới rộng trong khuôn khổ sáng kiến Vành đai và Con đường. Có nhiều chỉ dấu cho thấy Islamabad sẽ sớm phải lùi lại thời hạn thanh toán tới 22 tỷ USD tiền nợ Trung Quốc trong lĩnh vực năng lượng.
Mặt trái của đầu tư Trung Quốc
Trong các năm gần đây, các khoản vay của Trung Quốc đã giúp nâng cao sản lượng điện ở Pakistan, giúp nước này từ chỗ thiếu điện kinh niên trở nên dư thừa điện.
Tuy nhiên khoản vay để xây các nhà máy phong điện, nhiệt điện, và quang điện đã tiêu tốn gần như một nửa số tiền giải ngân cho dự án Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC) trị giá 60 tỷ USD, nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng của Pakistan và hỗ trợ thương mại song phương.
Theo một nguồn thạo tin của Asia Times, Trung Quốc và Pakistan hiện đang tiến hành các cuộc đàm phán cấp cao về xây dựng lại lịch trình thanh toán nợ trong ngành điện lực.
Trong các cuộc đàm phán trên, giới chức Pakistan được cho là đã yêu cầu phía Trung Quốc giảm tốc các kế hoạch đã nhất trí trước đó về việc xây thêm nhà máy điện – điều có thể làm trầm trọng thêm vấn đề dư thừa năng lực sản xuất điện.
Một nguồn tin cấp cao giấu tên nói: “Chúng tôi đã đẩy mạnh nỗ lực đạt được sự nới lỏng từ phía Bắc Kinh trong cơ chế mua điện hoặc về cơ chế thanh toán chi phí”.
Nguồn tin này cho biết phái đoàn cao cấp do Tổng thống Pakistan Arif Alvi thăm Bắc Kinh vào tháng 3/2020 để thảo luận về khả năng cắt giảm 2,5% lãi suất hiện tại đối với các khoản vay liên quan tới ngành điện.
“Ông Alvi cũng thảo luận với người đồng cấp Trung Quốc về việc gia hạn 10 năm cho việc thanh toán nợ”.
“Hai đề xuất trên nếu được phê chuẩn thì phía Pakistan sẽ tiết kiệm được 600 triệu USD mỗi năm”.
Nguồn tin trên (một quan chức thuộc dự án CPEC) cho hay, các ngân hàng quốc doanh Trung Quốc và các thể chế tài chính khác của nước này hiện đang đánh giá các đề xuất của Pakistan về giảm nợ và dự kiến sẽ đưa ra câu trả lời trước cuối tháng 3/2021.
Phía Trung Quốc cho tới nay vẫn chưa đả động gì đến khả năng giảm nợ. Quan chức thuộc dự án CPEC nói rằng giới chức Trung Quốc chưa liên lạc với ông về vấn đề này trong suốt 10 tháng qua.
Chính phủ Pakistan gần đây đã lại tiếp cận giới chức Trung Quốc về vấn đề này nhưng chưa có thông tin nào liên quan được tiết lộ cho công chúng.
Tiến sĩ Farrukh Saleem, một nhà kinh tế chính trị ở Islamabad, nói với Asia Times rằng Trung Quốc không thảo luận những vấn đề như thế một cách công khai mà ưa thích đưa ra các quyết định về các vấn đề nhạy cảm như thế này trong họp kín.
Saleem nhận định: “Đây có thể là lý do vì sao họ giấu kín đề xuất của Islamabad”.
Pakistan tìm cách khắc phục hậu quả
Năm 2020, các quan chức Pakistan gồm Tổng thống Alvi, Ngoại trưởng Mehmood Qureshi, và Bộ trưởng Kế hoạch Asad Umar đã thăm Bắc Kinh trong giai đoạn đầu của đại dịch Covid-19 để gửi đi thông điệp Pakistan đang gặp khó khăn trong việc đáp ứng các nghĩa vụ liên quan đến nợ trong dự án CPEC.
Phái đoàn này đã gặp gỡ những người đồng cấp Trung Quốc và nhấn mạnh các hạn chế về tài chính của Pakistan trong việc tuân thủ các điều khoản về các khoản vay cho các dự án nhà máy điện – nhân tố lớn nhất trong sáng kiến Vành đai và Con đường tại Pakistan.
Trong các cuộc thảo luận đó, phái đoàn Pakistan lưu ý rằng chính quyền tiền nhiệm của họ đã tham gia các thỏa thuận mua năng lượng với các công ty Trung Quốc dựa trên các điều khoản mà bây giờ họ xem là thiếu công bằng, trong đó có mức giá năng lượng cao và cố định.
Năm nay chính quyền Pakistan buộc phải thanh toán 600 tỷ rupee (tương đương 3,75 tỷ USD) cho các nhà sản xuất do Trung Quốc cung cấp vốn.
Đầu tư của Trung Quốc gần đây đã thúc đẩy việc phát triển hơn 12 nhà máy điện ở Pakistan, với năng lực cung cấp thêm 12.000 MW điện năng trong khuôn khổ CPEC. Các nhà máy này đã giúp giải quyết cuộc khủng hoảng thiếu điện dài hạn ở Pakistan. Thế nhưng các khoản đầu tư đó hiện nay bị xem là có 2 mặt. Mặt tiêu cực là khiến Pakistan kẹt trong tình trạng dư thừa năng lượng trên quy mô lớn.
Tổng sản lượng điện của Pakistan là 37.402MW vào năm 2020, vượt cả tổng nhu cầu của nước này là 25.000MW vào các tháng hè, và 15.000MW vào mùa đông.
Bên cạnh đó, năng lực truyền dẫn và phân phối điện của Pakistan lại yếu kém, không theo kịp lượng lớn điện được sản sinh. Hiện nay họ mới chỉ truyền dẫn và phân phối được khoảng 22.000MW, nghĩa là còn tới hơn 15.000MW không được sử dụng vào mùa hè và 22.000MW không được sử dụng hết vào mùa đông.
Như vậy, chính phủ Pakistan đang phải thanh toán hàng tỷ USD hàng năm cho các nhà sản xuất điện độc lập dựa trên công suất xây lắp chứ không phải dựa trên lượng điện được tiêu thụ thực sự.
Saleem đưa ra 3 nguyên nhân cho tình trạng bất hợp lý này: “Đầu tiên, các thỏa thuận mua điện đạt được với Bắc Kinh cung cấp một nguồn cung tính giá cao, tiêu tốn khoảng 1,6 tỷ USD mỗi năm. Thêm 1,8 tỷ USD nữa bị hao tổn do ăn trộm điện và hao phí trên đường dây. Và 9 tỷ USD nữa dưới dạng phí tổn hao năng lượng từ phía khách hàng”. Saleem nói vậy dựa trên các con số thống kê chính thức về tổn thất của ngành điện.
Saleem cho rằng tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19 (khiến tăng trưởng GDP của Pakistan giảm từ 5,8% năm 2018 xuống âm 0,4% trong năm 2020 - lần đầu tiên kinh tế Pakistan tăng trưởng âm trong 7 thập kỷ qua) đã cắt giảm nhu cầu về điện trên khắp đất nước.
Saleem nói: “Thực trạng này làm cho dư thừa thêm hàng ngàn megawatt điện, còn chính phủ thì phải trả chi phí năng lực theo các thỏa thuận”.
Bức tranh u ám cho Pakistan khi tham gia CPEC
Mức thanh toán do năng lực dư thừa mà chính phủ Pakistan phải thực hiện đã gia tăng năm này qua năm khác, tăng từ 185 tỷ rupee (tương đương 1,15 tỷ USD) vào năm 2013, 468 tỷ rupee (2,92 tỷ USD) năm 2018, 642 tỷ rupee (4 tỷ USD) năm 2019, tới 860 tỷ rupee (5,4 tỷ USD) vào năm 2020.
Giới chuyên gia cho rằng nều tình trạng dư thừa năng lực hiện nay và các điều khoản thanh toán nợ vẫn tiếp tục thì tổng nợ trong ngành điện của chính quyền Pakistan có thể phình to vượt mức 1.500 tỷ rupee (tương đương 9,4 tỷ USD) vào cuối năm 2023.
Đồng thời, bất chấp năng lực dư thừa, giá điện vẫn tăng cao đối với người Pakistan. Thuế điện đã được sửa đổi tới 22 lần riêng rẽ tính từ năm 2019, còn mức giá thì đã được cơ quan điều tiết điện quốc gia của Pakistan tăng tới 2 lần.
Thay vì dựa trên quan hệ cung-cầu, mức giá điện của Pakistan được quyết định bởi nhu cầu của nhà nước thanh toán tiền cho các nhà cung cấp điện độc lập đối với năng lực dư thừa như đã được nhất trí trong hợp đồng vay tiền đã ký kết.
Mức nợ liên quan đến ngành điện đã leo lên mức 2.100 tỷ rupee (13,4 tỷ USD) trong giai đoạn từ năm 2015 – 2020; đây là thời kỳ mà các nhà cung cấp điện độc lập trong dự án CPEC bắt đầu sản xuất điện vượt xa nhu cầu của Pakistan.
Các tính toán chính thức cho thấy nợ điện của Pakistan sẽ tăng lên mức 2.800 tỷ rupee (tức 17,5 tỷ USD) vào cuối tháng 6/2021 dưới các điều khoản và điều kiện của dự án Vành đai và Con đường.
Trong nửa đầu của năm tài chính 2020-2021, Pakistan thanh toán hơn 7 tỷ USD nợ nước ngoài – mức này bằng với gần nửa dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước Pakistan (SBP). Tổng nợ nước ngoài của Pakistan lên tới 115,76 tỷ USD vào cuối năm 2020.
Các con số chính thức cho thấy, tổng nợ của Pakistan phải thanh toán có thể vượt qua 14 tỷ USD vào cuối năm 2021, trong khi dự trữ ngoại hối của SBP dao động quanh mức 13 tỷ USD.
Chính các thực tế này đã khiến một số nhà phân tích kết luận rằng dự án Vành đai và Con đường của Trung Quốc đang dẫn Pakistan tới chỗ rơi vào “bẫy nợ”./.