Thống kê của Hải quan Trung Quốc cho thấy, 11 tháng đầu năm 2021, Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tiếp tục là đối tác thương mại số 1 của Trung Quốc, với tổng kim ngạch mậu dịch hai chiều đạt gần 790 tỷ USD, tăng 29,8% (tính theo USD). Tiếp đến là Liên minh châu Âu (EU) đạt 747,6 tỷ USD, tăng hơn cùng kỳ 29,2%.

Mỹ giữ vững vị trí đối tác lớn thứ 3 của Trung Quốc, với thương mại song phương gia tăng mạnh mẽ trong 11 tháng đầu năm, đạt 682,32 tỷ USD, tăng 30,2% so với cùng kỳ năm ngoái, ngay cả khi quan hệ song phương tiếp tục đi xuống do căng thẳng trên hàng loạt vấn đề, mới nhất là động thái Mỹ tuyên bố “tẩy chay ngoại giao” Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh 2022.

Dự báo, thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ có thể đạt mức cao kỷ lục vào cuối năm do Mỹ tiếp tục mua thêm hàng hóa của Trung Quốc trong bối cảnh lạm phát trong nước và Trung Quốc mở rộng nhập khẩu nông sản, năng lượng và các sản phẩm khác của Mỹ.

Bên cạnh nông sản, năng lượng đang đóng góp không nhỏ vào thương mại song phương. Tập đoàn dầu khí nhà nước Sinopec của Trung Quốc đã ký một thỏa thuận lớn với Công ty Liên doanh Toàn cầu LNG (Venture Global LNG) có trụ sở tại Mỹ vào ngày 4/11 để mua 4 triệu tấn khí hóa lỏng hàng năm trong 20 năm. Đây là thỏa thuận dài hạn lớn nhất giữa hai nước từ trước đến nay.

Mặc dù tốc độ tăng trưởng thương mại song phương đã giảm từ 35,4% trong tháng 9 xuống còn 33,4% vào tháng 10, nhưng theo dự đoán của các chuyên gia Trung Quốc, thương mại Trung-Mỹ sẽ phát triển mạnh mẽ trong năm 2021 và có khả năng tiếp tục trong năm tới. Họ ước tính tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc vào năm 2022 sẽ vượt 5% so với năm 2021./.