Gió đổi chiều, Mỹ lo rút, Trung Quốc xốc tới
Ngay khi các lực lượng chính phủ Ethiopia có dấu hiệu lật ngược thế cờ trong cuộc nội chiến mới ở nước này, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã hối thúc các công dân Mỹ ở Ethiopia rời khỏi đây, đồng thời cung cấp trợ giúp di chuyển cho những đối tượng không đủ tiền mua vé máy bay.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã thăm thủ đô Addis Ababa của Ethiopia và nói rõ rằng Trung Quốc hậu thuẫn hoàn toàn cho chính phủ Ethiopia. Động thái này tương phản với Mỹ - đất nước đã áp đặt lệnh trừng phạt lên chính quyền Ethiopia chứ không phải là phiến quân Tigray.
Mỹ không quan tâm đến những gì mà lực lượng Tigray đã gây ra cũng như việc quân Tigray đã đánh cắp hàng cứu trợ do Liên Hợp Quốc cung cấp.
Về phần mình, Trung Quốc cũng đang trang bị vũ khí cho Lực lượng Quốc phòng Ethiopia (ENDF) bao gồm cả máy bay không người lái vũ trang Wing Loong có khả năng bay ở tầm cao trung bình trong thời gian dài.
Cảm nhận rõ khoảng trống đáng kể ở Ethiopia, Iran cũng đang cung cấp UAV vũ trang Muhajer-6 cho Ethiopia.
Trước đó, UAE đã cung cấp cả UAV và một số vũ khí Israel cho Ethiopia, bao gồm cả UAV Wing Loong do Trung Quốc sản xuất.
Trung Quốc rõ ràng đang tận dụng điều mà UAE đã mở ra để cùng với Iran nhảy vào cuộc nhằm đẩy các lực lượng phương Tây ra khỏi địa bàn này.
Cuộc chiến tại Ethiopia gần đây đã diễn biến theo hướng có lợi cho phe chính phủ. Chỉ cách đây vài tuần, chính phủ Ethiopia còn đứng bên bờ vực bị đánh bại khi “Mặt trận Giải phóng Nhân dân Tigray” (TPLF) chỉ cách thủ đô Addis Ababa khoảng 209km. Nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, Ethiopia đã tập hợp được quân đội của mình, nhận được sự hậu thuẫn quan trọng về chính trị và vũ khí từ cả Trung Quốc và Iran, và do đó đã xoay chuyển được tình thế.
Mỹ đã tính toán sai?
Chính phủ Mỹ tuyên bố họ ủng hộ đàm phán hòa bình giữa hai bên trong xung đột ở Ethiopia thông qua các trung gian hòa giải của châu Phi.
Nhưng trong bối cảnh xung đột giằng co, hòa đàm ít có khả năng tiến triển, nhất là khi Addis Ababa cảm nhận việc đàm phán này chỉ là một cách để buộc họ phải từ bỏ lãnh thổ, thậm chí cả tính hợp pháp của mình để đổi lấy việc chấm dứt chiến tranh.
Mỹ tuyên bố họ trung lập trong cuộc tranh chấp này nhưng việc chính quyền ông Biden áp lệnh trừng phạt lên Ethiopia vào ngày 17/9/2021 và sau đó là lên cả Eritrea vào ngày 12/11/2021 vì đã trợ giúp Ethiopia đã chỉ rõ Mỹ đứng về phe nào.
Thực tế này đã tạo điều kiện thuận lợi cho Trung Quốc và Iran tăng cường ảnh hưởng ở Ethiopia.
Việc Mỹ không thể cải thiện tình hình xung đột và thay đổi thái độ đối với Tigray (bên khơi mào xung đột trước) đã khiến chính quyền Ethiopia ngả về phía Trung Quốc, mà điều này có thể xem như một thất bại ngoại giao lớn của Tổng thống Mỹ Biden và Ngoại trưởng Mỹ Blinken.
Tất nhiên hiện nay chưa rõ quân chính phủ Ethiopia có tiếp tục tiến lên phía bắc để truy kích phiến quân Tigray và thực sự đánh bại hoàn toàn phong trào TPLF hay không, nhưng rõ ràng Mỹ sẽ khó giải quyết được xung đột này.
Nếu chính phủ Ethiopia giành chiến thắng hoặc ít nhất là kiềm chế được hoàn toàn quân nổi dậy Tigray, thì nước này sẽ nổi lên thành nhân tố chính ở khu vực Sừng châu Phi.
Trước khi xảy ra cuộc chiến với Tigray, Ethiopia đã đạt được tốc độ tăng trưởng GDP vào hàng cao nhất thế giới, với đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng và giáo dục. Kinh tế Ethiopia đã chuyển đổi từ nông nghiệp sang dịch vụ và công nghiệp.
Nếu Ethiopia tránh được cơn thịnh nộ của Ai Cập về dự án Đập Đại Phục hưng thì quốc gia này sẽ trở thành nguồn cung cấp thủy điện lớn nhất châu Phi. Kể từ năm 2000, Trung Quốc đã đầu tư 12 tỷ USD vào các dự án của Ethiopia.
Trong khi đó, tại Mỹ từng có tới 305.800 người Ethiopia tính đến năm 2016, và con số này đã tăng lên thành 450.000 người vào năm 2021. Chính quyền Mỹ giờ lại không chú ý đến cộng đồng người Ethiopia ở hải ngoại, khiến thất bại của Mỹ ở Ethiopia càng lớn hơn nữa, trái ngược với Trung Quốc./.