Kết thúc hội nghị "Những người bạn của Syria" ngày 28/2 tại thủ đô Rome-Italy, Mỹ, châu Âu và các nước Arab đã cam kết tiếp tục hỗ trợ cả về chính trị lẫn vật chất cho Liên minh Dân tộc Syria (SNC), đồng thời kêu gọi chấm dứt ngay lập tức việc cung cấp vũ khí cho Chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad.

syria-1.jpg
Hội nghị "Những người bạn của Syria" (Ảnh Reuters)

Tuy nhiên, việc không viện trợ vũ khí cho phe đối lập tại Syria cho thấy Mỹ và các nước đồng minh hiện vẫn chưa có ý định can thiệp quân sự vào tình hình đang rối ren tại Syria.

Trong một tuyên bố chung, 11 nước tham dự hội nghị cùng đại diện Liên minh Dân tộc Syria tuyên bố sẽ ủng hộ hơn nữa Liên minh này. Tuyên bố cũng nhấn mạnh sự cần thiết thay đổi cán cân sức mạnh trên mặt đất, cho rằng điều này sẽ giúp các lực lượng chống đối tại Syria tăng cường cái gọi là "khả năng tự vệ" trước quân đội chính phủ.

Phát biểu trước các phóng viên tại cuộc họp báo, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói: “Chúng tôi quyết tâm tìm cách tiến tới một ngày tốt hơn mà chúng tôi biết đang được chờ đợi ở Syria. Ngày đó sẽ không đến khi Tổng thống Bashar al-Assad còn đang nắm quyền. Sự thật là ông Assad không thể hành xử theo cách này khi theo đuổi giải pháp quân sự. Mỹ, các đối tác và Liên minh đối lập Syria có một sự lựa chọn khác, đó là giải pháp chính trị”.

Ngoại trưởng John Kerry cũng tuyên bố, trong những tháng tới, chính quyền của Tổng thống Barack Obama sẽ viện trợ thêm cho lực lượng chống đối tại Syria khoảng 60 triệu USD dưới dạng hàng viện trợ bao gồm lương thực và thuốc men. Ông  Kerry cũng bày tỏ sự ủng hộ của Mỹ về việc thành lập một chính phủ chuyển tiếp hòa bình có thể giúp xây dựng lại Syria.

Theo giới phân tích quốc tế, hội nghị tại Rome lần này là bằng chứng mới nhất cho thấy Mỹ và các nước đồng minh hiện vẫn chưa có ý định can thiệp quân sự vào Syria.

Trước những tuyên bố của Mỹ, Liên minh đối lập tại Syria bày tỏ sự thất vọng khi cho rằng các kế hoạch của Mỹ chỉ là sự tiếp nối của chính sách mà "chẳng có người thắng, kẻ thua" trong cuộc xung đột này. Thủ lĩnh Liên minh đối lập, Moaz al-Khatib nói: “Tôi đã nói với các Ngoại trưởng ngày hôm nay rằng có 3 câu hỏi khiến người dân Syria mỏi mệt và tôi cũng cảm thấy mệt vì điều này.  Đó là vấn đề chủ nghĩa khủng bố, vũ khí hóa học, và vấn đề bảo vệ các đối tượng là người dân tộc thiểu số.”

Theo Liên Hợp Quốc có khoảng 70.000 người đã thiệt mạng trong vòng hai năm qua tại Syria và 860.000 người đã phải chạy trốn sang nước ngoài tỵ nạn kể từ khi nổ ra cuộc nội chiến tại nước này./.