Mỹ và một số nước đồng minh châu Âu như Anh, Pháp và Italy đang có những động thái tiến gần tới việc can dự trực tiếp vào cuộc nội chiến Syria với các kế hoạch phân phát thực phẩm, thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh và các mặt hàng phi sát thương khác cho phe đối lập Syria.

my-vien-tro-phe-doi-lap.jpg
Chính quyền Obama dự kiến sẽ ​​trực tiếp viện trợ cho lực lượng đối lập Syria (Ảnh: ABC News)

Người phát ngôn chính phủ Mỹ Jay Carney cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ cho người dân Syria và cho phe đối lập. Chúng tôi sẽ tăng sự trợ giúp nhằm mang lại một giai đoạn mới tại Syria sau khi chính quyền Tổng thống Assad kết thúc”.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry dự kiến sẽ công bố mức đóng góp mới cho phe đối lập Syria tại Hội nghị Những người bạn Syria diễn ra tại Roma (Italy). Theo tờ Bưu điện Washington, chính phủ Mỹ đang cân nhắc chuyển hướng trong quan điểm về cuộc nội chiến Syria và có thể cấp cho phe đối lập Syria xe bọc thép và huấn luyện quân sự.

Trước đó, chính phủ Mỹ vẫn phản đối cấp vũ trang cho phe đối lập Syria.

Trong một diễn biến khác, Bộ trưởng Giao thông Iraq Hadi al-Amiri (chính khách người Shiite) ngày 27/2 bình luận, việc Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar ủng hộ phe đối lập Syria giống như “lời tuyên chiến chống Iraq”.

Theo ông al-Amiri, Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar đã ngăn cản mọi nỗ lực để giải quyết cuộc xung đột Syria một cách hòa bình. Ông cho rằng, Iraq hiện bình yên hơn so với cuộc xung đột giáo phái làm hàng chục nghìn người chết trong 2 năm 2007, 2008. Nhưng cuộc chiến hiện nay ở nước láng giềng Syria có thể khiến Iraq hứng chịu những hậu quả của một cuộc xung đột giáo phái và làm mất thăng bằng cán cân giáo phái ở Iraq. Ông cũng cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar cấp vũ trang cho các nhóm thánh chiến ở Syria, quốc gia mà nhiều phiến quân người Sunni có liên hệ với tổ chức al-Qaeda tại Iraq.

Bộ trưởng Amiri nói: “Việc Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ tiền và vũ khí cho al-Qaeda là lời tuyên chiến với Iraq. Vì những vũ khí đó cuối cùng sẽ rơi vào tay những người Iraq nổi loạn”.

Gần đây, sự bất ổn có tính chất giáo phái lại nổi lên ở Iraq. Hàng chục nghìn người Sunni tại Iraq đã tiến hành các cuộc biểu tình chống lại chính phủ của Thủ tướng al-Maliki (người Shiite) tại tỉnh Anbar giáp ranh với Syria và chi nhánh al-Qaeda khu vực này đang kích động họ cầm vũ khí. Phiến quân Iraq có liên hệ với al-Qaeda được cho là đang tái tập hợp lực lượng tại các tỉnh Anbar, thậm chí một số xâm nhập vào Syria để tham gia cuộc chiến lật đổ Tổng thống Assad (người xuất thân từ nhóm thiểu số Alawite, một nhánh của người Shiite).

Trong khi đó, hàng chục phiến quân người Shiite từ Iraq cũng đang tham gia cuộc chiến ở Syria, sát cánh với các lực lượng trung thành với Tổng thống Assad./.