Theo Rappler, ngày 8/8, Thứ trưởng Bộ Y tế Philippines Ted Herbosa cho biết: “Hiện nay, chỉ còn hai lao động vẫn đang được theo dõi nhưng tôi nghĩ rằng cả hai người này cũng sẽ được xuất viện sau khi thời gian ủ bệnh kết thúc”.
Bộ Y tế Philippines cho biết 13 trên tổng số 15 lao động Philippines trở về từ Sierra Leone, nước Tây Phi đang có dịch Ebola không bị mắc phải căn bệnh chết người này.
15 lao động Philippines này đã lần lượt trở về nước từ Sierra Leone trong khoảng thời gian từ 26/6-15/7.
Thông thường, thời gian ủ bệnh sau khi tiếp xúc với virus Ebola là từ 2 đến 21 ngày. Tuy nhiên, Bộ Y tế Philippines đã kéo dài thời gian theo dõi lên 30 ngày.
Trước đó, phát ngôn viên Bộ Y tế Lyndon Lee Suy cho biết 3 lao động từ Sierra Leone trở về nước đã bị sốt-một trong những triệu chứng của bệnh Ebola nhưng sau đó, các cuộc xét nghiệm mẫu máu của 3 lao động này đều cho kết quả âm tính với virus chết người này.
Tính đến 4/8, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết đã có 932 người tử vong trong tổng số 1.711 trường hợp mắc bệnh Ebola tại 4 quốc gia Tây Phi, bao gồm: Guinea, Liberia, Nigeria và Sierra Leone.
Hiện nay, các sân bay của Philippines đã có máy quét nhiệt để phát hiện những hành khách đang bị sốt. Các hành khách cũng được yêu cầu điền tờ khai báo sức khỏe khi nhập cảnh vào nước này.
Bộ Ngoại giao Philippines cũng cảnh báo các công dân nước này tại Guinea, Liberia và Sierra Leone cần “hạn chế đi lại khi không cần thiết, tránh tới những nơi công cộng và đề phòng nguy cơ lây nhiễm bệnh”.
Cơ quan quản lý lao động nước ngoài của Philippines (POEA) vẫn đang theo dõi chặt chẽ người lao động Philippines hiện đang ở các quốc gia Tây Phi.
POEA cho biết có khoảng 600 lao động Philippines đang ở 3 quốc gia có dịch Ebola, bao gồm:
Guinea: 72 người
Sierra Leone: 398 người
Liberia: 202 người
Theo ông Herbosa, hầu hết lao động Philippines ở nước ngoài đều làm việc tại các tổ chức nhân đạo như Liên Hợp Quốc, Tổ chức Bác sĩ không biên giới,…
“Tôi tin rằng họ cũng có đầy đủ các kỹ năng để tự bảo vệ mình”, ông Herbosa cho biết./.