Trước con số gần 1.000 người tử vong do virus Ebola, nhiều nhà lãnh đạo, các chuyên gia và nhà khoa học đã kêu gọi cộng đồng quốc tế đẩy nhanh việc ngăn chặn dịch lây lan. 

Chủ tịch Liên minh châu Phi Dlamini-Zuma ngày 7/8 cho rằng, cộng đồng quốc tế chưa phản ứng đủ nhanh để ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm này. Do vậy, bà đã kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động nhanh hơn để ngăn chặn sự lây lan của virus Ebola. 

ebola_gigi.jpgCác nhân viên y tế tại Guinea đang tiến hành các biện pháp cách ly và phòng dịch (Ảnh AP)

Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ- châu Phi diễn ra ở Washington, bà Zuma nói: "Tôi nghĩ rằng một trong những bài học là chúng ta không cần phải chờ đợi cho đến khi một đợt dịch bùng phát. Chúng ta cần phải cung cấp thông tin nhiều hơn nữa. Chúng ta cần phải phản ứng nhanh hơn. Cộng đồng quốc tế đặc biệt là Tổ chức y tế thế giới nên hành động nhanh hơn và hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa để đối phó với dịch”. 

Cùng ngày, Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDC) đã gọi dịch Ebola hiện nay là nguy hiểm chưa từng có và đã đặt báo động cấp 1. Với mức cảnh báo này, trung tâm có thể huy động mọi nguồn lực của các cơ quan. 

Phát biểu trước Hạ viện Mỹ, Tiến sỹ sĩ Thomas Frieden –người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Mỹ cho biết : “Mỹ đang làm việc tích cực để phối hợp với các chính phủ đối tác. Chúng tôi đã đưa ra mức độ cảnh báo cao nhất đối với đợt dịch Ebola lần này. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là nguy cơ nhiễm bệnh gia tăng đối với người dân Mỹ mà là chúng tôi đang nỗ lực làm mọi thứ để ngăn chặn dịch Ebola”. 

Chính phủ Mỹ đang xem xét việc cho phép sử dụng thuốc đang thử nghiệm để điều trị hàng trăm bệnh nhân mắc Ebola tại châu Phi. 

Trong khi đó tại khu vực Tây Phi nơi chiếm hơn 70% ca nhiễm Ebola, các nước như Guinea, Liberia, Sierra Leone và Nigeria cũng đang nỗ lực phòng chống dịch bệnh. Ngày 7/8, Tổng thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf đã ban bố tình trạng khẩn cấp trong 90 ngày. 

Bà Sirleaf nhận định, dịch Ebola tiếp tục đe dọa dù hai tuần qua chính phủ đã tiến hành nhiều biện pháp như bắt buộc các viên chức không làm công việc quan trọng được nghỉ 30 ngày, đóng cửa trường học, tiêu độc khử trùng các địa điểm công cộng. 

Bà Sirleaf  cho rằng quy mô dịch bệnh đã vượt quá khả năng của một số cơ quan cấp bộ và Chính phủ. Do đó cần phải tiến hành các biện pháp đặc biệt để bảo vệ sự sống còn của quốc gia và sinh mạng người dân. 

Chính phủ Liberia cũng thông báo điều động quân đội tới các khu vực có dịch Ebola. Các binh sĩ sẽ kiểm tra tại các chốt kiểm dịch, cách ly người bị nhiễm và bảo đảm an toàn cho nhân viên y tế. 

Chính phủ Nigeria đã ban hành tình trạng báo động đỏ tại các cửa khẩu biên giới, đồng thời phát động chiến dịch truyền thông để gia tăng nhận thức trong cộng đồng về dịch bệnh nguy hiểm này. 

Nhà chức trách Nigeria trước đó cũng tuyên bố đình chỉ tất cả các chuyến bay của Hãng hàng không ASky Airlines, một hãng hàng không lớn ở khu vực Đông, Tây và Trung Phi, do đã bay qua các vùng có người nhiễm vi-rút Ebola. 

Bất chấp nỗ lực của cộng đồng quốc tế, số ca nhiễm bệnh và tử vong không ngừng tăng lên tại Châu Phi thời gian qua do các điều kiện yếu kém về chăm sóc y tế. 

Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới, tính đến hết ngày 6/8, đại dịch Ebola tại vùng Tây Phi đã làm 932 người chết và số ca nhiễm bệnh đã lên tới 1.711 người. 

Tình hình càng thêm trầm trọng khi các bệnh viện địa phương quá tải và một số chuyên gia quốc tế đã rút lui sau vụ lây nhiễm bệnh của hai nhân viên y tế Mỹ. 

Sự bùng phát dữ dội dịch Ebola được ví như một "trận cháy rừng" đã đặt các nước từ Châu Âu, Châu Á đến Châu Mỹ trong sự cảnh giác cao độ bởi trong bối cảnh toàn cầu hóa giao thương và đi lại như hiện nay, virus có thể tràn sang các châu lục khác bất cứ lúc nào. Trong cuộc gặp tại thủ đô Abuja với các phái viên ngoại giao nhằm thảo luận dịch Ebola đang bùng phát ở khu vực, Bộ trưởng Y tế Nigeria Onyenbuchi Chukwu ngày 7/8 cho rằng, cả thế giới đều có nguy cơ mắc dịch Ebola, chứ không chỉ riêng các quốc gia châu Phi. 

Nhận định của ông Chukwu đưa ra khi đề cập đến ca mắc Ebola đầu tiên tại nước này là bệnh nhân Patrick Sawyer, quốc tịch Liberia và Mỹ tử vong tại Lagos vào tháng trước ngay sau khi đến sân bay của Nigeria. 

“Thực tế này xuất phát từ một công dân có cả quốc tịch Mỹ và Liberia vốn cư trú tại Mỹ. Anh ta đã bay qua lại giữa hai châu lục. Điều này có nghĩa là nếu trong thời gian anh ta ủ bệnh và quay trở lại Mỹ thì dịch có thể sẽ lây lan tới nước Mỹ. Điều này có nghĩa là cả thế giới đang nguy hiểm”, ông Chukwu nói. 

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trước đó cũng cho rằng, virus Ebola không loại trừ quốc gia nào, điều quan trọng là cần phải có sự chuẩn bị và khống chế không cho lây lan từ ca bệnh đầu tiên nếu có. 

Hiện tại, nhà chức trách nhiều nước đang ban bố lệnh cấm cũng như khuyến cáo công dân nước mình tránh tới những nước Châu Phi đang có dịch. 

Thậm chí, tại nhiều sân bay lớn, các biện pháp xét nghiệm đã được chuẩn bị để phòng tránh tối đa sự xuất hiện của Ebola. 

Tổ chức Y tế thế giới cũng đã triệu tập cuộc họp khẩn nhằm đánh giá tình hình dịch bệnh và các biện pháp đối phó trên tinh thần hợp tác giữa tất cả các quốc gia trên thế giới./.