Dịch sốt Ebola tại Tây Phi đang tiếp tục là mối quan ngại đặc biệt của cộng đồng quốc tế khi ngày càng xuất hiện thêm nhiều trường hợp nhiễm bệnh mới tại đây.

Trước diễn biến nghiêm trọng của dịch Ebola, Ngân hàng thế giới vừa huy động khẩn cấp 200 triệu USD nhằm hỗ trợ Guinea, Libera và Sierra Leone, các quốc gia Tây Phi đang chịu tác động mạnh của dịch sốt Ebola.

nige_dlum.jpgMột bệnh nhân nhiễm Ebola bị cách ly (Ảnh AP)

Tại New York, Mỹ vừa xuất hiện một trường hợp bệnh nhân bị nghi nhiễm virus Ebola. Theo thông tin ban đầu, bệnh nhân là một người đàn ông vừa đi du lịch đến một trong những quốc gia đang chịu ảnh hưởng của dịch Ebola.

Người bệnh có những triệu chứng như sốt cao, rối loạn tiêu hóa. Người này đang được cách ly và tiến hành xét nghiệm nhằm xác định nguyên nhân của các triệu chứng trên. Hiện giới chức Mỹ vẫn khẳng định dịch sốt Ebola sẽ không thể lây lan sang Mỹ.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki nói: “Chúng tôi đang làm việc với Tổ chức y tế thế giới (WHO) và các đối tác quốc tế khác để giúp chính phủ các nước châu Phi đối phó với sự bùng phát của virus Ebola.

Trong khi đó, Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Mỹ cho rằng, dịch Ebola chắc chắn sẽ không lây lan tới Mỹ và họ vẫn tiếp tục tin rằng di chuyển qua đường hàng không là an toàn.

Trong khi đó, virus Ebola vẫn tiếp tục hoành hành tại khu vực Tây Phi. Ngày 4/8, giới chức Nigeria đã phát hiện trường hợp thứ 2 mắc Ebola.

Người bệnh là một bác sĩ người Nigeria tham gia điều trị cho bệnh nhân đầu tiên bị nhiễm Ebola ở Lagos, thành phố đông dân nhất của nước này.

Bộ trưởng Y tế Nigeria Onyebuchi Chukwu cho biết, một bác sĩ khác, người cũng đã điều trị cho bệnh nhân trên và cũng có những triệu chứng nhiễm virus, vẫn đang đợi kết quả xét nghiệm.

Trường hợp thứ 2 tại Nigeria nhiễm virus Ebola đã làm gia tăng sự lo ngại về vấn đề kiểm soát lây lan dịch bệnh tại Nigeria. Tuy nhiên, Chính phủ Nigeria trước đó đã thông báo sẽ không đóng cửa biên giới nếu tình hình không trở nên cấp thiết.

Với cơ sở hạ tầng y tế tồi tàn, chính phủ các nước Tây Phi đang phải vật lộn với nhiều khó khăn để ngăn chặn dịch Ebola vượt khỏi tầm kiểm soát. Tại Liberia, do lo ngại bị nhiễm bệnh từ người nhiễm virus Ebola, nhiều nhân viên y tế đã nghỉ việc, khiến một số trung tâm y tế phải đóng cửa.

Cho đến nay đã có hơn 60 bác sĩ tại Liberia tử vong vì nhiễm virus Ebola. Một bác sĩ tại Liberia cho biết: “Các nhân viên y tế cho rằng họ không được bảo vệ. Họ không có đủ các phương tiện cần thiết để bảo vệ bản thân chống lại sự lây nhiễm của Ebola. Rất nhiều nhân viên y tế, trong đó bao gồm các bác sĩ và y tế hiện đã nghỉ việc”.

Trong bối cảnh nảy, Ngân hàng thế giới (WB) vừa huy động khẩn cấp 200 triệu USD nhằm hỗ trợ Guinea, Libera và Sierra Leone, các quốc gia Tây Phi đang chịu tác động mạnh của dịch sốt Ebola củng cố điều kiện cơ sở vật chất y tế, triển khai hệ thống giám sát y tế và phòng thí nghiệm.

Trong một diễn biến liên quan, trước diễn biến phức tạp của dịch Ebola bùng phát tại Tây Phi đang có nguy cơ lan sang các nước tại khu vực Đông và Nam châu Phi, Đại sứ quán Việt Nam tại Mozambique vừa qua đã tổ chức buổi nói chuyện trực tiếp và qua cầu truyền hình trực tuyến đến tận các huyện của tất cả 10 tỉnh thuộc Mozambique, nơi có cộng đồng người Việt sinh sống, để thông tin và cảnh báo cho bà con về tình hình dịch bệnh do virus Ebola gây ra./.