Việc sơ tán bắt đầu từ 6h30 sáng và kéo dài khoảng 4 tiếng. Hơn 700 người tị nạn đã được sơ tán dưới sự tổ chức và giám sát của số lượng đông đảo nhân viên an ninh. Tổng cộng 26 chiếc xe buýt chở những người tị nạn này tới khoảng 900 nơi ở đã được chuẩn bị sẵn.

Nhiều người tị nạn cho biết đã không ngủ cả đêm hôm trước để mong chờ được chuyển tới nơi ở ổn định – nơi họ có thể tắm, giặt và sinh hoạt bình thường.

1028980534_egud.jpg
Paris sơ tán người tị nạn (Ảnh: Reuters)

Từ mùa hè, khoảng 700-800 người, trong đó có đông người Afghanistan và người Sudan, một số người đến từ các nước vùng Maghreb, đã đến sống tại ngôi trường cấp ba bỏ trống này. Đến cuối tháng 9, hội đồng hành chính thành phố Paris đưa ra thời hạn một tháng yêu cầu họ chuyển đi, nếu không cảnh sát sẽ can thiệp.

Tòa thị chính Paris dự kiến cải tạo lại ngôi trường này để làm điểm tập trung tạm cho người tị nạn trong các trường hợp khẩn cấp, và về lâu dài, cải tạo thành một rạp chiếu phim.

Trường cấp ba Jean-Quarre là điểm tập trung tạm cuối cùng tại Paris được sơ tán, sau khi thành phố này tiến hành sơ tán người nhập cư dưới chân bến tàu điện ngầm La Chapelle vào đầu tháng 6; điểm tập trung tạm tại ga tàu Austerlitz vào giữa tháng 9 và tại cửa ngõ Saint Ouen vào đầu tháng 10. Khi người tị nạn tập trung tại các địa điểm tạm, các nhân viên an ninh, y tế và người tình nguyện đã giúp họ khám kiểm tra sức khỏe tại các bệnh viện gần đó để đảm bảo họ không mắc các bệnh lây nhiễm, có nguy cơ làm bùng phát dịch bệnh.

Trước cuộc khủng hoảng người nhập cư, nước Pháp, đặc biệt là các tổ chức tình nguyện và từ thiện tại Pháp đã có nhiều hoạt động và sáng kiến đáng chú ý để hỗ trợ. Ngay hồi tháng 7, hơn 460.000 người đã ký một bản kêu gọi trên mạng gửi đến chính phủ các nước EU yêu cầu hỗ trợ y tế cho người tị nạn. Cụ thể ở Pháp là hỗ trợ y tế khẩn cấp cho người tị nạn trốn trong rừng Calais. Nhiều tổ chức nhân đạo đã kêu gọi người dân Pháp đóng góp một phần đồ ăn để giúp đỡ người nhập cư, ví dụ có những thùng đồ quyên góp được đặt ngay tại các siêu thị và trung tâm thương mại.

Thậm chí để tránh tình trạng quá tải tại các điểm tập trung, một số tổ chức tình nguyện còn kêu gọi người dân tiếp nhận người tị nạn đến ở tạm tại nhà riêng của họ trong vài ngày, vài tuần hoặc vài tháng. Và chỉ trong thời gian ngắn, hàng trăm gia đình tại Pháp đã gọi phản hồi đến những tổ chức này, đồng ý tiếp nhận người tị nạn về nhà mình.

Nước Pháp, cùng với một số nước châu Âu, đang bày tỏ tinh thần nhân đạo, đoàn kết cũng như trách nhiệm trước cuộc khủng hoảng chung về người tị nạn. Dĩ nhiên, người dân Pháp cũng giống như ở Đức và nhiều nước khác, yêu cầu chỉ tiếp nhận những người thực sự cần che chở vì những lý do nhân đạo, hay còn gọi là tị nạn nhân đạo, những người phải rời bỏ đất nước do những nguyên nhân bất khả kháng như chiến tranh, khủng bố, thiên tai…

Để kiểm soát tốt vấn đề người tị nạn, nước Pháp đã trình EU một tài liệu yêu cầu tăng cường năng lực cho lực lượng phòng vệ của EU Frontex để bảo vệ tương lai của không gian Schengen. Trong đó, nước Pháp yêu cầu đưa những công nghệ hiện đại vào để xây dựng một lực lượng phòng vệ biên giới “thông minh”.

Trước những đề xuất của Pháp và nhiều nước khác, Chủ tịch EU Jean Claude Juncker đã hứa sẽ có một sáng kiến vào cuối năm nay. Và nước Pháp cũng đề xuất triển khai một kế hoạch nhiều bước để thành lập một lực lượng riêng bảo vệ bờ biển và biên giới của EU./.