Ngay trong phiên khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) diễn ra ngày 15/10 ở thủ đô Brussels, Bỉ, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ đã nhất trí thông qua kế hoạch hành động chung nhằm hạn chế làn sóng người tị nạn đang ồ ạt vào châu Âu.

Phát biểu tại cuộc họp báo sau hội nghị, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, cho biết đối phó với dòng người tị nạn đi qua Thổ Nhĩ Kỳ là mục tiêu duy nhất trong chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu với giới chức Thổ Nhĩ Kỳ và kế hoạch hành động vừa thông qua là bước đi lớn trong hướng giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn hiện nay tại châu Âu. 

donald_tusk_zoxi.jpg
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk. (ảnh: russia-insider.com).

Theo kế hoạch, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải thực hiện các cam kết giúp kiểm soát dòng người tị nạn, phần lớn đến từ Xyri, đảm bảo mọi đề nghị tị nạn đều được giải quyết hợp lý, đồng thời nỗ lực chống nạn buôn người.

Đổi lại, Liên minh châu Âu đã thông qua 2 trong số 3 yêu cầu mà phía Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra, trong đó có việc đẩy nhanh tiến trình đơn giản hóa thủ tục cấp thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ, ứng cử viên xin gia nhập Liên minh châu Âu và mở ra các chương mới trong tiến trình đàm phán gia nhập Liên minh châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ.

Riêng về đề xuất của Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu Liên minh châu Âu hỗ trợ khoản tiền 3 tỷ euro để đổi lấy việc Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cho phép người tị nạn ở lại trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ, thay vì để họ tiếp tục tiến sâu vào lãnh thổ châu Âu, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết: Liên minh châu Âu vẫn đang cân nhắc về đề xuất và sẽ tiếp tục đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ trong những ngày tới.

Thủ tướng Đức cho biết: “Ủy ban châu Âu không thể một mình hỗ trợ tài chính cho Thổ Nhĩ Kỳ bằng nguồn ngân sách của Liên minh châu Âu. Chúng tôi đã thảo luận về những đóng góp của các nước thành viên song chúng tôi vẫn cần những hướng dẫn cụ thể về vấn đề này. Quan điểm chung của Liên minh châu Âu là tiếp nhận người nhập cư gần quê hương của họ sẽ tốt hơn là cung cấp tài chính cho họ tại các quốc gia châu Âu”.

Dự kiến, Thủ tướng Merkel sẽ tới Thổ Nhĩ Kỳ vào cuối tuần này để bàn sâu hơn về vấn đề này với Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo đánh giá của giới phân tích, nhìn chung lãnh đạo Liên minh châu Âu đều tỏ ra lạc quan thận trọng và không vội vã “lao vào một thỏa thuận quá nhanh” với Thổ Nhĩ Kỳ. Bởi lẽ, Thổ Nhĩ Kỳ là điểm trung chuyển quan trọng của hơn 600.000 người nhập cư đang tìm đường vào châu Âu trong năm nay. Nếu có bất cứ triển vọng nào có thể giúp Liên minh châu Âu kiểm soát tốt dòng người nhập cư thì cũng không thể thiếu vắng sự hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ. 

Điều này cũng đã được, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean - Claude Juncker nhấn mạnh trước báo giới sau cuộc họp. Theo ông Juncker, đây mới chỉ là thỏa thuận tạm thời. Tất cả còn phụ thuộc vào việc thỏa thuận thực tế sẽ được triển khai như thế nào.

“Tôi đồng ý với các đối tác Thổ Nhĩ Kỳ rằng tiến trình tự do hóa thị thực cần phải được tăng tốc song điều đó không có nghĩa là chúng tôi đang rời xa các tiêu chí cơ bản vốn có vai trò chi phối. Chúng tôi sẽ cần đánh giá lại các tiến bộ đạt được vào mùa xuân năm 2016”, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean - Claude Juncker cho biết. 

Theo Tổ chức tị nạn thế giới (IOM), kể từ đầu năm đến nay, hơn 590.000 người tị nạn đã cập bến các bờ biển châu Âu, khoảng 3.000 đã thiệt mạng khi cố gắng vượt biển để đến “miền đất hứa” này./.