Nghị quyết được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua sau rất nhiều tháng tranh cãi. Nghị quyết này, vốn do 2 nước Pháp và Anh đồng bảo trợ, đã được đưa ra bàn tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc từ tháng 6/2015 nhưng nhiều lần bị bãi bỏ do sự phản đối của Nga, thành viên có quyền phủ quyết, cũng như của 3 nước châu Phi là thành viên không thường trực khác của Hội đồng Bảo an khóa này là Cộng hòa Chad, Nigeria và Angola. 

di_cu_gowb.jpg
Người di cư chạy trốn chiến tranh và đói nghèo từ Trung Đông và Bắc Phi tìm đường vào châu Âu. (Ảnh: AP/BBC).

Việc thông qua nghị quyết vào cuối tuần qua, sau khi phía Nga nhượng bộ, là một sự ủng hộ về chính trị và pháp lý quan trọng để châu Âu gia tăng các biện pháp cứng rắn đối phó với làn sóng tị nạn. 

Châu Âu được phép phá hủy tàu buôn người

Nghị quyết này cho phép thành viên Liên minh châu Âu (EU) được phép sử dụng vũ lực để phá hủy các tàu thuyền của các nhóm buôn người đang hoạt động tại bờ biển Libya, phía bờ bên kia của Địa Trung Hải. Trong vòng 1 năm tới, 6 tàu chiến của các nước EU thanh tra, bắt giữ và phá hủy các tàu thuyền của các nhóm buôn người.

Đây là một bước tiến quan trọng cho chiến dịch mang tên Sophia của EU nhằm ngăn chặn làn sóng tị nạn xuất phát từ bờ biển Libya, đặc biệt trong tình hình gia tăng căng thẳng hiện nay ở Syria. 

Theo các số liệu của Tổ chức di cư thế giới, hiện mỗi ngày có tới 7.000 người tị nạn châu Phi và Trung Đông đổ về các bờ biển của Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp, cao hơn hẳn con số 4.500 người/ngày hồi cuối tháng 9/2015. Sự gia tăng này một phần nguyên nhân là do chiến dịch can thiệp quân sự của Nga tại Syria khiến xung đột và căng thẳng tại đây tiếp tục bị đẩy lên cao.

Theo kế hoạch của chiến dịch Sophia, sau khi bắt giữ và phá hủy tàu thuyền của các nhóm buôn người, các cơ quan chức năng EU sẽ đưa những người tị nạn về Italy để phân loại và xem xét các đơn xin tị nạn. 

Kế hoạch lâu dài hơn của chiến dịch Sophia sẽ là mở rộng sự can thiệp bằng quân sự đến tận bờ biển Libya và thậm chí là cả trên đất Libya, một khi đạt được thỏa thuận với hai phe phái đối lập hiện nay ở Libya. 

Trước mắt, EU đang sử dụng chiến thuật “cây gậy và củ cà rốt” khi tuyên bố sẵn sàng viện trợ 100 triệu euro cho quốc gia này một khi chính phủ liên minh được thành lập.

Tăng cường viện trợ để chặn người tị nạn tìm đến châu Âu

Song song với các biện pháp cứng rắn về quân sự nhằm ngăn chặn từ đầu nguồn các nhóm buôn người, EU cũng đang đưa ra các chính sách ngày một cứng rắn hơn để đối phó khủng hoảng tị nạn. 

Các Ngoại trưởng EU họp ngày 12/10 tại Brussels sẽ đưa ra các biện pháp ngằm giới hạn lượng đơn xin tị nạn, trong đó nổi bật là một thỏa thuận có thể sẽ ký với Thổ Nhĩ Kỳ nhằm giữ 2,2 triệu người tị nạn, chủ yếu là dân Syria, ở lại trong các trại tị nạn được xây dựng trên đất Thổ Nhĩ Kỳ nhờ nguồn tài trợ tài chính từ EU. 

Tương tự, EU cũng sẽ trợ giúp hai quốc gia có đông người tị nạn Syria khác là Jordan và Lebanon những khoản tiền tương tự để ngăn người tị nạn bỏ các nước này tìm về châu Âu.

Cuối cùng, châu Âu cũng đưa ra thái độ cứng rắn rõ rệt liên quan đến chính sách hồi hương hay trục xuất những người tị nạn bị bác đơn. Mỗi năm, châu Âu ký hơn 400.000 lệnh hồi hương nhưng chỉ có hơn 160.000 lệnh được thi hành. Ưu tiên của Brussels là làm sao để những lệnh này được thi hành nhanh nhất và nhiều nhất có thể./.